V-League 'đá' trên bàn?
Đến hẹn lại lên” cứ cuối mùa giải là V-League "bốc mùi" khét lẹt. Vòng đấu áp chót khi mà những trận đấu quan trọng diễn ra, ảnh hưởng đến sự sinh tồn của mỗi đội thì V-League lại loạn cả lên.
Hà Nội T&T (áo trắng) luôn tuyên bố tham vọng vô địch, nhưng lại từ chối cúp khi ngã ngựa trên sân nhà trước HAGL. Ảnh: Minh Tú |
Người hâm mộ dù đôi phần đoán trước được kịch bản, nhưng họ không ngờ tới chỉ trong một vòng đấu mà lại có đến nhiều trận cầu bị đặt trong vòng nghi vấn đến như vậy.
Bóng đá luôn chứa đựng yếu tố bất ngờ, nhưng V-League lại luôn tạo ra bất ngờ mà nhiều người có thể đoán trước.
Việc các đội nhóm cuối như Tập đoàn Cao su Đồng Tháp, Kienlongbank Kiên Giang, Khatoco Khánh Hòa đều chiến thắng trên sân khách là điều dễ hiểu, bởi V-League vẫn luôn tồn tại ân tình theo kiểu "anh giúp tôi, mùa sau tôi sẽ giúp anh".
Nhưng người hâm mộ không thể tin được khi Hà Nội T&T luôn tuyên bố tham vọng vô địch, nhưng họ lại từ chối cúp khi ngã ngựa trên sân nhà trước HAGL.
HLV Phan Thanh (phải) sắp nắm đội tuyển Việt Nam thi đấu tại AFF Cup 2012. Ảnh: Minh Tú |
Có thể viện dẫn thắng thua là chuyện thường tình trong bóng đá, nhưng có xem các cầu thủ Hà Nội T&T thi đấu một cách bạc nhược, vô hồn mới thấy được rằng họ không thèm cúp.
Rõ ràng trong trận cầu này HLV Phan Thanh Hùng - người sắp nắm đội tuyển quốc gia đá AFF Cup, đã không quản được học trò của mình. Và càng đáng lo hơn, khi trong đội hình Hà Nội T&T có các cầu thủ sẽ là trụ cột của đội tuyển quốc gia.
Sẽ như thế nào khi những cầu thủ này không hết mình vì màu cờ tổ quốc như họ chơi không hết mình vì người hâm mộ và CLB - nơi đã chi số tiền không nhỏ để trả lương cho họ hàng tháng.
Vòng 25 vừa kết thúc, người hâm mộ lại lo nghĩ đến vòng 26 - vòng đấu cuối cùng của mùa giải.
Một vòng đấu mà có đến 6/7 trận (trừ trận HAGL gặp Becamex Bình Dương) ảnh hưởng trực tiếp đến số phận các đội bóng, nên gần như chắc chắn sẽ không ít trận có "mùi", khi nhiều đội sẽ “nằm” để cứu hoặc “giết” đội khác.
Trưởng ban tổ chức V-League Trần Duy Ly khẳng định sẽ luôn có quan chức VFF và VPF giám sát chặt chẽ các vòng đấu cuối để hạn chế tiêu cực, ấy vậy mà chẳng thấy quan chức nào lên tiếng sau hàng loạt trận cầu “bốc mùi”.
Vòng 25 kết thúc trong sự giận dữ của người hâm mộ nhưng VFF và cả VPF không có bất kỳ động thái nào để chấn chỉnh, dù chỉ mang tính chất nhắc nhở, như chuyện Bóng đá Việt Nam nó thường vẫn thế và chúng ta phải chấp nhận “sống chung với lũ”...
Cứ tình cảnh này, mùa sau hay mùa sau nữa, người hâm mộ Việt Nam sẽ tiếp tục chứng kiến những trận bóng “đá” trên... bàn và Bóng đá Việt Nam mãi giậm chân tại chỗ.
Theo Quang Huy
Thanh Niên