Lãnh đạo Sở VH-TT&DL Hà Nội, Trung tâm huấn luyện và thi đấu TDTT Hà Nội phủ nhận có tiêu cực.
Mập mờ tiêu chí?
Tháng 2-2011, TP Hà Nội tổ chức đợt xét tuyển đặc cách biên chế công chức nhà nước. Sở VH-TT&DL Hà Nội, Trung tâm huấn luyện thể thao và thi đấu TDTT Hà Nội (sau đây gọi tắt là Trung tâm thể thao Hà Nội) đã thông báo tới các bộ môn, xây dựng tiêu chí xét tuyển và thành lập Hội đồng để chọn các trường hợp đủ tiêu chuẩn vào biên chế.
Tuy nhiên, do đặc thù từng bộ môn, tiêu chí đặt ra có khác nhau. Mỗi tiêu chí được tính tương ứng với số điểm nhất định. Quy trình xét tuyển là sau khi có tiêu chí, bộ môn sẽ họp để lựa chọn giới thiệu lên Trung tâm. Trung tâm thành lập Hội đồng chấm điểm (có phản biện) trước khi gửi danh sách lên Sở VH-TT&DL. Những người được lựa chọn lại phải qua một lần xét, có sự giám sát của đại diện Sở Nội vụ, sau đó mới trình lên TP thông qua Sở Nội vụ.
Quy trình chặt chẽ là vậy, nhưng theo phản ánh, một số trường hợp không đủ tiêu chuẩn vẫn được đặc cách trúng tuyển. Trong khi nhiều trường hợp khác, dù nhiều năm cống hiến cho thể thao Hà Nội cũng như quốc gia, lại rớt. Cụ thể như ở bộ môn điền kinh, chuyên gia đường trường Nguyễn Chí Đông hay cựu nữ hoàng điền kinh Nguyễn Lan Anh (HCV SEA Games 2003)…đều bị gạch tên.
Trường hợp khác ít tên tuổi và cũng kém về thành tích cống hiến hơn như ông Phúc Lộc (cũng ở môn điền kinh) lại trúng tuyển. Đã xuất hiện dư luận trong nội bộ Trung tâm thể thao Hà Nội, là quá trình tuyển chọn có việc “chạy chọt” nhờ quan hệ và “doping polyme”, theo phản ánh trong đơn gửi Tiền Phong.
Một cán bộ Trung tâm thể thao Hà Nội (đề nghị không nêu tên) cho biết: “Chúng tôi cảm thấy buồn và bức xúc vì cống hiến nhiều năm nhưng lại không được xem xét, trong khi người khác thành tích dù kém lại có tên. Nếu cứ như vậy, sẽ làm mất tinh thần phấn đấu của anh em”.
“Rèn cho các cháu tính kiên trì”
Đó là ý kiến của Phó GĐ Sở VH-TT&DL Hà Nội kiêm Giám đốc Trung tâm thể thao Hà Nội Nguyễn Đình Lân. Theo ông Lân, quy trình xét tuyển rất chặt chẽ, từ bộ môn lên trên theo các tiêu chí cụ thể nên không thể có hiện tượng tiêu cực.
Giải thích về sự khác nhau trong các tiêu chí giữa các bộ môn, theo ông Lân, “tùy từng môn như điền kinh là môn Olympic, VĐV cần phải phấn đấu rất nhiều, thì phải khác so với những môn như Pencak Silat hay Wushu…So sánh các cá nhân trong một môn thì phải chuẩn”.
“Tôi nói rất thật, ai nhờ vả tôi cũng không được. Anh không thể làm sai. Làm sai thì làm Giám đốc Trung tâm sao được.” Ông Nguyễn Đình Lân |
Đề cập trường hợp của ông Lộc, ông Lân cho biết: “Anh Lộc là HLV điền kinh nhiều năm có thành tích, lại là người cống hiến lâu năm, xa gia đình sang nước ngoài trông nom các VĐV. Nếu ở môn khác và tỉnh khác thì đã vào biên chế lâu rồi”.
Ông Lân cũng nói thêm: “Chúng tôi đã làm 4 đợt, xét biên chế cho 68 người, chưa lần nào có thắc mắc gì vì rất công khai, dân chủ. Trường hợp này cũng có cái phải rút kinh nghiệm, nhưng làm sao vừa lòng hết tất cả mọi người được.
“Nhu cầu nhiều mà biên chế có hạn. Chúng tôi cũng muốn làm chặt chẽ để động viên, khuyến khích mọi người phấn đấu chứ không dễ dãi. Vì thế nên làm rất kỹ, rèn cho các cháu tính biết nhường nhịn. Ví dụ hai người bằng nhau, thì phụ nữ sẽ được ưu tiên, vì vất vả hơn. Thành tích như nhau thì người nào hơn tuổi sẽ được vì còn liên quan tới bảo hiểm xã hội…”.
Cùng quan điểm trên, Phó GĐ Trung tâm thể thao Hà Nội, chủ tịch Hội đồng xét tuyển biên chế của Trung tâm, ông Phan Anh Tú cho biết: “Đặc thù thể thao có môn dễ kiếm huy chương, có môn Hà Nội làm “chủ trùm”, nhưng có những môn rất khó. Khi xét phải tính tới yếu tố đấy chứ không thể cứ nhìn vào số lượng huy chương. Nên giữa các môn Olympic, cấp 1,2,3…tiêu chí phải khác nhau.
“Bên cạnh đấy, có những người thành tích không cao, nhưng công huấn luyện, phát hiện từ dưới cơ sở lên lại rất lớn. Chúng tôi sẽ xét dần dần, chứ không phải quên. Có người lâu năm phải chờ, sang năm sẽ xét tiếp”.