> Mẹo bổ sung thêm trái cây vào thực đơn hàng ngày
Trái cây vừa chín tới hay đã chín kỹ?
Đa số các loại trái cây sẽ đạt được hương vị ngon nhất khi đã chín kỹ (nhưng chưa chín rục). Những loại trái cây có nhựa (mủ) như: măng cụt, mít, sầu riêng… nên ăn khi trái chín kỹ thì sẽ ngon và tốt hơn. Tuy nhiên, nếu trái đã chín rục, thâm đen hay lên men rượu thì thành phần chất dinh dưỡng sẽ bị thay đổi, chỉ nên ăn khi màu, mùi và vị trái cây còn tốt.
Không nên gọt sẵn
Các chất dinh dưỡng có trong trái cây như vitamin C, folat… cũng có thể bị mất dần dưới tác dụng của ánh sáng, nhiệt độ, không khí… Quá trình mất chất này sẽ càng diễn ra nhanh hơn khi mất đi lớp vỏ hoặc mặt tiếp xúc của trái cây với không khi tăng lên khi bị cắt nhỏ. Do đó, khi đã cắt trái cây nên ăn ngay để nhận được giá trị dinh dưỡng cao nhất. Ngoài ra, việc gọt vỏ, cắt miếng còn khiến trái cây dễ bị nhiễm khuẩn và ôxy hóa.
Có nên ăn trái cây sau bữa ăn?
Trái cây có thể dùng làm bữa ăn phụ hoặc thức ăn tráng miệng sau bữa ăn vì sau khi ăn ta thường có cảm giác răng rất sạch. Đó là do khi ăn trái cây, chất axít trong trái cây làm chúng ta tiết nhiều nước bọt hơn và làm sạch các bợn răng.
Theo nhiều nghiên cứu, việc ăn trái cây ngay sau bữa chính ăn có thể làm tăng lượng đường hấp thụ, đường huyết sẽ tăng cao và nhanh. Điều này hoàn toàn không tốt cho sức khỏe, đặc biệt là những người bị bệnh đái tháo đường. Tuy nhiên, ăn trái cây trước bữa chính khoảng 1 giờ đồng hồ có tác dụng giảm béo và rất có ích cho hệ tiêu hóa.
Lựa chọn trái cây phù hợp sức khỏe
Vào những ngày hè nóng nực, mồ hôi ra nhiều mang theo một lượng nước và chất khoáng đáng kể, thì nên ăn loại trái cây nào vừa có tác dụng bù đắp các chất dinh dưỡng mất đi vừa có tác dụng giải khát là tốt nhất.
Khi ăn trái cây nên ăn cả quả thay vì vắt hay ép nước vì như vậy sẽ cung cấp một lượng lớn chất xơ cho cơ thể. Chất xơ một phần sẽ được hấp thụ vào máu, phần không được hấp thụ sẽ có tác dụng giúp hệ thống tiêu hóa của bạn làm việc tốt hơn. Ngoài ra, chất xơ còn tạo nên một môi trường thuận lợi cho vi sinh vật có lợi phát triển, hạn chế vi khuẩn gây hại, loại bỏ những cholesterol thừa trong ống tiêu hóa, làm giảm nguy cơ rối loạn mỡ máu và bệnh tim mạch.
Người mắc bệnh đái tháo đường nên ăn những trái cây ít ngọt như thanh long, bưởi, cam quýt, táo… Người bệnh hen cần tăng cường các chất dinh dưỡng có tính chống ôxy hóa bao gồm glutathione, vitamin C, vitamin E, beta-caroten là tiền chất vitamin A..., những chất này có nhiều trong các loại trái cây như nho, bưởi, mận, dâu, cam, dứa…Biết ăn đúng cách sẽ đem lại hiệu quả dinh dưỡng cao cho người sử dụng.
Theo EVA.VN