Thuốc kháng sinh: Quá nhiều, thiệt thân!

Thuốc kháng sinh: Quá nhiều, thiệt thân!
TP - Chúng ta tìm đến thuốc kháng sinh quá thường xuyên, thêm nữa không phải lúc nào cũng sử dụng theo đúng chỉ định của bác sĩ. Hệ quả vi trùng ngày càng mẫn cảm với loại vũ khí này. Nên sử dụng thế nào, để thuốc phát huy tác dụng?

Nhìn chung chúng ta uống thuốc kháng sinh quá nhiều. Các chuyên gia cảnh báo, đã xuất hiện mối đe dọa, sau hơn chục năm hoặc vài chục năm nữa chúng ta sẽ bất lực với nhiều chứng bệnh - nếu tiếp tục duy trì nếp sống như hiện nay.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

THUỐC HIỆN DIỆN KHẮP NƠI

Phấn khởi với tác dụng của thuốc kháng sinh chúng ta đã bắt đầu lạm dụng chúng. Vẫn thường xuyên xảy ra trường hợp tự ý dùng thuốc, thí dụ những viên còn lại từ đợt điều trị cũ, nhất là khi đột nhiên đau xương cột và người lên cơn sốt. Chúng ta cũng hay đòi hỏi bác sĩ kê đơn thuốc kháng sinh. Bản thân thầy thuốc cũng không vô can – họ quá dễ dàng chỉ định sử dụng kháng sinh, nhất là với trẻ em. Tình hình càng tồi tệ, khi biết rằng, thiên hạ sử dụng tràn lan thuốc kháng sinh thí dụ trong nông nghiệp (trong đó dùng như phụ gia thức ăn gia súc và thuốc bảo vệ thực vật), hoặc trong ngành công nghiệp thực phẩm (thực phẩm đóng hộp). Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông báo, trong những năm 80 thế kỷ truớc một nửa sản xuất thuốc kháng sinh thế giới đã được sử dụng ngoài mục đích điều trị! Vậy nên cùng với thực phẩm, thuốc kháng sinh thâm nhập vào cơ thể chúng ta. Hậu quả không phải đợi lâu – ngay hôm nay thế giới đã xuất hiện nhiều chủng vi trùng hoàn toàn miễn dịch với tất cả loại thuốc kháng sinh đã biết.

ĐỐI THỦ KHÓ LƯỜNG

Vi trùng rất ma quái. Chúng phản ứng chớp nhoáng theo chiến lược: cơ thể yếu kém hy sinh, trong khi đồng loại khỏe mạnh tiếp tục nhân bản. Hệ quả: càng chữa trị kháng sinh thường xuyên, càng xuất hiện chủng loại đề kháng mạnh hơn – đối tượng chuyển giao đặc tính này cho thế hệ kế cận. Những quá trình này cngf diễn ra tích cực – khi chúng ta sử dụng thuốc kháng sinh liều quá nhỏ hoặc ngừng sử dụng quá sớm.

Thuốc kháng sinh: Quá nhiều, thiệt thân! ảnh 2

Hơn thế, vi trùng còn tự tăng cường sức mạnh đề kháng thông qua con đường đột biến. Những thay đổi tình cờ trong mã di truyền giúp chúng tạo ra những enzym cần thiết để phân hủy hoặc vô hiệu hóa tân dược. Các vi sinh vật cũng có thể bị “lây nhiễm” khả năng kháng thuốc bằng cách trao đổi nguyên liệu di truyền với những vi trùng khác – thường hoàn toàn khác loài. Vậy chúng ta còn gì trong tình huống như vậy?

GIẢI PHÁP XÉT NGHIỆM NHANH

Không hy vọng có sản phẩm thuốc kháng sinh mới hoàn toàn trong tương lai gần, bởi thứ nhất – các tập đoàn dược phẩm không có lợi nhuận khi tung ra thị trường sản phẩm mới (chi phí nghiên cứu và đăng ký đắt đỏ); thứ hai dường như các nhà khoa học đã khám phá tất cả cơ chế tiêu diệt vi trùng và khó sớm nghĩ ra điều gì mới. Vậy nên chỉ còn cách sử dụng hợp lý thuốc kháng sinh. Vai trò của bác sĩ trong nhiệm vụ này rất quan trọng. Họ cần phải “suy nghĩ hai lần” trước khi quyết định kê đơn thuốc kháng sinh. Tại Pháp người ta đã tổ chức nhiều khóa huấn luyện bác sĩ, ngoài ra còn trang bị cho họ thiết bị xét nghiệm chẩn đoán đơn giản, cho kết quả ngay. Để thực hiện, chỉ cần lấy vài giọt máu từ ngón tay người bệnh. Chỉ cần sau vài phút, đã biết bệnh lây nhiễm vì vi trùng hay virus. Thuốc kháng sinh sẽ trở thành vô dụng với trường hợp thứ hai, bởi – như đã biết – thuốc kháng sinh không phát huy tác dụng với virus. Dẫu sự thật kết quả xét nghiệm này không chính xác 100%, song thực tế vẫn mang lại hiệu quả đáng kể - đã hạn chế được 30% việc kê đơn thuốc kháng sinh, chính nhờ cách làm này.

THẬN TRỌNG HƠN

Để kháng sinh phát huy tác dụng, cần nghiêm chỉnh chấp hành 8 nguyên tắc sử dụng cơ bản:

1- Không tự ý sử dụng (thí dụ, thuốc còn lại từ đợt điều trị cũ); không sử dụng vì lý do bất kỳ, thí dụ người hơi sốt. Chỉ dùng thuốc sau khi đã tham khảo ý kiến bác sĩ.

Thuốc kháng sinh: Quá nhiều, thiệt thân! ảnh 3

2- Không vội ngừng, ngay khi cảm thấy bệnh thuyên giảm. Nếu thời gian sử dụng thuốc quá ngắn, chưa đủ liều – những cá thể vi trùng sống sót sẽ tự “cải biên” và sẽ trơ lỳ với thuốc trong lần tiếp theo.

3- Chấp hành nghiêm túc chỉ dẫn sử dụng. Việc uống thuốc đều đặn đóng vai trò quan trọng nhất. Sử dụng đúng liều và đúng thời gian quy định.

4- Chỉ uống thuốc bằng nước đun sôi để nguội. Đọc kỹ chỉ dẫn, xem cần uống trước – trong hoặc sau bữa ăn.

5- Cần tham khảo ý kiến bác sĩ – trường hợp đang sử dụng lâu ngày loại thuốc khác. Cần biết, nên uống kháng sinh trước, hoặc sau “thuốc của mình”.

6- Không thay đổi thực trạng sản phẩm (không pha loãng thuốc nước, không nghiền nát viên nén…) để tránh giảm thiểu liều lượng cái gọi là hoạt chất trong dạ dày.

7- Kèm với thuốc kháng sinh có thể sử dụng một số loại thuốc khác như thuốc giảm đau, thuốc hạ sốt, thuốc đau họng hoặc thuốc ho. Cũng có thể uống kèm men tiêu hóa (để bảo vệ đường tiêu hóa). Trái lại không uống kèm các loại vitamin, bởi vitamin là dưỡng chất của vi trùng gây bệnh.

8- Cần tham khảo ý kiến bác sĩ – trường hợp tình trạng sức khỏe không được cải thiện hoặc xuất hiện triệu chứng mới sau 3-4 ngày điều trị. Bởi có thể phải điều chỉnh cách thức chữa trị.

Theo Hoa Quỳ
Tri Thức Trẻ

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG