Sẽ tiếp tục tăng viện phí

Sẽ tiếp tục tăng viện phí
TP - Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh vừa đồng ý về nguyên tắc với đề nghị của Bộ Y tế về kế hoạch thực hiện lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh theo quy định tại Nghị định số 85/NĐ-CP và coi đây là hướng điều chỉnh trong thời gian tới.

> Bộ Y tế kêu 'bị oan' khi tăng viện phí
> Dân số của Việt Nam đang già hóa nhanh chóng

Theo lộ trình, giai đoạn 2014-2015 sẽ tiếp tục tăng viện phí tại khu vực điều trị. Thu viện phí theo hướng đủ 7/7 yếu tố cấu thành, trong đó có tiền lương, phụ cấp trực, phụ cấp phẫu thuật...

Chính phủ giao Bộ Y tế chủ trì tính các phương án, mức, thời điểm điều chỉnh cho phù hợp, đánh giá tác động đến kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân... để điều chỉnh theo thẩm quyền, trường hợp vượt thẩm quyền thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Y tế đã xây dựng lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh theo Nghị định 85/NĐ-CP. Theo đó, Bộ Y tế đề xuất với Thủ tướng Chính phủ, giai đoạn 2012-2015, giá viện phí sẽ tính thêm 20-30% quỹ tiền lương cơ bản đối với bệnh viện tuyến tỉnh ở khu vực miền núi và Tây Nguyên, bệnh viện quận của Hà Nội, TPHCM, tính thêm 30-50% quỹ tiền lương cơ bản đối với bệnh viện tuyến trung ương của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế xây dựng định mức nhân lực trong từng ca phẫu thuật, thủ thuật để làm căn cứ cho liên Bộ Y tế - Tài chính ban hành thông tư quy định mức chi phí chi trả chế độ phụ cấp trực, phẫu thuật, thủ thuật được cộng vào giá ngày giường bệnh, giá phẫu thuật, thủ thuật.

Bộ LĐ-TB&XH chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế xây dựng chi phí tiền lương trong giá dịch vụ khám chữa bệnh theo từng tuyến (hoặc hạng) bệnh viện. Đồng thời giao Bộ Tài chính, Bộ Y tế và các địa phương xử lý theo thẩm quyền về ngân sách nhà nước bảo đảm nguồn để chi theo các quy định hiện hành trong thời gian chưa được tính phụ cấp trực, phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật và một phần tiền lương vào giá dịch vụ y tế...

Bộ Y tế cho biết, khi giá dịch vụ được tính đủ, bệnh viện không được ngân sách cấp kinh phí hoạt động. Nguồn kinh phí để hoạt động sẽ được bảo hiểm y tế (BHYT) thanh toán đối với người có thẻ BHYT và người bệnh không có thẻ BHYT chi trả.

Do đó, bệnh viện muốn tồn tại và phát triển được thì phải nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, nếu không, người bệnh không đến khám chữa bệnh hoặc cơ quan Bảo hiểm xã hội không ký hợp đồng thì bệnh viện không có bệnh nhân, không có nguồn kinh phí để hoạt động.

Bộ Y tế kỳ vọng khi giá dịch vụ được tính đủ, có cả khấu hao thì giá dịch vụ của bệnh viện công, giá từ các hoạt động xã hội hóa, giá dịch vụ của bệnh viện ngoài công lập sẽ tương đương, tạo sự cạnh tranh giữa các bệnh viện.
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Làm gì nếu hành lý bị thất lạc, hư hỏng, mất cắp khi đi máy bay?
Làm gì nếu hành lý bị thất lạc, hư hỏng, mất cắp khi đi máy bay?
TPO - Hành lý bị thất lạc hay trì hoãn luôn là nỗi lo lắng của nhiều hành khách khi đi máy bay, nhất là trong các dịp cao điểm hoặc khi gặp sự cố ngoài ý muốn như sự cố mất điện toàn cầu vào mùa hè năm nay. Tuy nhiên, du khách có thể giảm thiểu rủi ro và xử lý tình huống khi hành lý của mình gặp vấn đề.