> Ba trẻ sơ sinh tử vong sau khi tiêm vắcxin viêm gan B
> Vụ 3 trẻ tử vong: Niêm phong toàn bộ lô vắc xin
Tiêm chủng cho trẻ tại Hà Nội. Ảnh: P.V. |
GS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tế T.Ư, Chủ nhiệm Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, thành viên đoàn chuyên gia có mặt tại Quảng Trị cho biết, các giả thuyết gây ra 3 trường hợp tử vong này đã được đưa ra. Cụ thể có thể do chất lượng vắc xin, chất lượng bảo quản sinh phẩm, cách tiêm, bệnh tật của trẻ. Tuy nhiên, hiện tại chưa thể đưa ra kết luận nào về vấn đề này.
Trước đó, đã có 9 trường hợp trẻ em bị tai biến, tử vong sau khi tiêm vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem. Đây là loại vắc xin được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia từ tháng 6/2010, áp dụng tiêm miễn phí cho trẻ 2-3 và 4 tháng tuổi. Nhưng phải đến khi cháu bé thứ 5 tử vong, Bộ Y tế mới ra quyết định tạm ngừng sử dụng loại vắc xin này. Hơn 1 tháng sau, sau khi Tổ chức Y tế Thế giới khẳng định vắc xin Quinvaxem an toàn, ngày 20/6, Bộ Y tế đề nghị sử dụng lại loại vắc xin Quinvaxem. |
Trước đó, ngày 19/7, 3 thai phụ gồm Nguyễn Thị Nga (thị trấn Lao Bảo), Trần Thị Hà (thị trấn Khe Sanh), Hồ Thị Du (xã Thuận) có dấu hiệu trở dạ và được người thân đưa vào Bệnh viện Đa khoa huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị). Sau khi sinh, 3 sản phụ và trẻ sơ sinh đều khỏe mạnh, các cháu bú mẹ tốt.
Ông Trần Văn Thành, Giám đốc Sở Y tế Quảng Trị cho biết, theo báo cáo từ Bệnh viện huyện Hướng Hóa, các bác sĩ và y tá khoa Sản thấy sức khỏe của mẹ và trẻ ổn định nên đã yêu cầu 3 gia đình cho các cháu tiêm vắc xin viêm gan B. Tuy nhiên, chỉ khoảng 10 phút sau khi tiêm, 3 trẻ sơ sinh đều có dấu hiệu khó thở, tím tái rồi lịm dần và tử vong.
Ông Trần Văn Thành cho biết, số vắc xin tiêm cho các cháu được Cty Vắc xin và Sinh phẩm số 1 sản xuất năm 2012 và hạn sử dụng trong vòng 3 năm. Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh cấp cho Bệnh viện Đa khoa huyện Hướng Hóa vào ngày 18/7 vừa qua.
Sau khi xảy ra sự việc 3 trẻ sơ sinh sau tiêm thuốc bị sốc phản vệ rồi tử vong, lãnh đạo Sở Y tế Quảng Trị đã thông tin cho các đơn vị trong ngành; đồng thời niêm phong lô vắc xin và gửi đến cơ quan chức năng để điều tra làm rõ. Được biết, lô vắc xin được tiêm cho 3 trẻ nói trên đã sử dụng hết 2/3 và không có phản ứng gì bất thường xảy ra với những trẻ được tiêm.
Ông Thành cho biết thêm, sau khi xảy ra sự việc trên, ngày 21/7, tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hướng Hóa không có trẻ nào chào đời nên không tiêm vắc xin viêm gan B. Tại Bệnh viện huyện Hải Châu có 7 cháu ra đời và vẫn được tiêm vắc xin viêm gan B nhưng là lô khác, hiện sức khỏe các cháu hoàn toàn bình thường.
Ông Viên Quang Mai, Phó Viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang cho biết, Việt Nam tiêm vắc xin viêm gan B cho trẻ sau khi chào đời 24 tiếng theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, nhằm tạo miễn dịch để bảo vệ trẻ lâu hơn.
Các nghiên cứu đã chứng minh, tiêm vắc xin trong vòng 24 giờ đầu sau khi sinh là cách tốt nhất để phòng lây truyền từ mẹ sang con từ 85 đến 90%. Sau khi tiêm vắc xin viêm gan B, các phản ứng thông thường có thể gặp như đau tại chỗ tiêm, sốt.
Cũng như tất cả các thuốc và sinh phẩm khác, khi tiêm vắc xin viêm gan B, phản ứng hiếm gặp như sốc phản vệ cũng có thể xảy ra với tỷ lệ thấp là 1/600.000-1 triệu liều vắc xin.
Năm 2007-2008, Việt Nam từng ghi nhận gần 10 ca tai biến sau tiêm vắc xin viêm gan B. Hậu quả là tỉ lệ tiêm phòng viêm gan B giảm xuống chỉ còn 20%. GS-TS Nguyễn Trần Hiển cho biết, hiện nay tỉ lệ tiêm vắc xin viêm gan B đã lên được 70%.
Chia sẻ về sự cố đau lòng vừa xảy ra ở Quảng Trị, TS Hiển cho hay: “Dù chưa tìm được nguyên nhân, nhưng với tư cách là Chủ nhiệm Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, tôi khẳng định rằng tiêm phòng viêm gan B 24h sau sinh rất có hiệu quả, có tác dụng phòng 85 - 90% nguy cơ lây nhiễm căn bệnh này từ mẹ sang con. Các bằng chứng khoa học cho thấy tỉ lệ lây chỉ còn 1%”.
Theo TS Hiển, việc gia tăng các ca tai biến sau tiêm vắc xin trong những năm vừa qua có thể xuất phát từ việc số loại vắc xin tiêm phòng tăng lên, số trẻ được tiêm hằng năm cũng tăng, tỉ lệ thuận với việc nguy cơ tai biến tăng thêm.