Trung Quốc: Bảo quản gừng bằng chất cực độc

Trung Quốc: Bảo quản gừng bằng chất cực độc
Sau những vụ bê bối về thực phẩm mới đây, người tiêu dùng Trung Quốc lại choáng váng với thông tin “gừng được trồng và bảo quản bằng thuốc trừ sâu có độc tính cao Aldicarb”, được gọi là “Thần nông đơn”, theo điều tra của Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV).

Trung Quốc: Bảo quản gừng bằng chất cực độc

> Người Trung Quốc phẫn nộ vụ thịt chuột, thịt chồn giả cừu
> Chưa phát hiện hộp xốp, tăm tre, đũa chứa chất độc hại
> Chất độc ngâm thực phẩm: Các bộ đều bó tay?

Sau những vụ bê bối về thực phẩm mới đây, người tiêu dùng Trung Quốc lại choáng váng với thông tin “gừng được trồng và bảo quản bằng thuốc trừ sâu có độc tính cao Aldicarb”, được gọi là “Thần nông đơn”, theo điều tra của Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV).

Gừng được thu hoạch trên một cánh đồng ở Duy Phường. Ảnh: china.org.cn
Gừng được thu hoạch trên một cánh đồng ở Duy Phường. Ảnh: china.org.cn.

Aldicarb là một trong những loại thuốc trừ sâu cực độc chỉ được sử dụng cho năm loại cây ở Trung Quốc là cây bông vải, thuốc lá, hoa hồng, đậu phộng và khoai tây với điều kiện phải được sự cho phép của Bộ Nông nghiệp. Chất độc Aldicarb có thể gây tổn thương hệ hô hấp, gây mờ mắt, đau đầu, nôn mửa và run rẩy ở người. Chỉ cần 50mg Aldicarb có thể giết một người có cân nặng 50kg.

120-300kg thuốc trừ sâu/ha!

Củ gừng từ lâu thường được sử dụng chế biến thức ăn hằng ngày cũng như trong ngành thuốc đông y cổ truyền. Điều tra của CCTV cho biết các hộ trồng gừng ở Duy Phường (tỉnh Sơn Đông) đã dùng 120-300kg thuốc trừ sâu Aldicarb, nghĩa là vượt mức cho phép từ 3-6 lần, cho 1ha trồng gừng nhằm chống sâu rầy và bảo quản củ gừng lâu hư. Hình ảnh truyền hình ghi nhận nhiều cánh đồng ở Duy Phường đang vào mùa thu hoạch gừng. Hàng tấn củ gừng đã được nhổ lên, củ căng tròn và bóng mượt đang chờ được đóng gói để tung ra khắp thị trường Trung Quốc, và theo đường tiểu ngạch xuất khẩu sang các nước láng giềng. Song, mấy ai biết được những củ gừng căng bóng ấy đã ngậm một lượng lớn thuốc trừ sâu Aldicarb.

Càng đáng sợ hơn, người nông dân ở đây dù đều biết rõ độc tính giết người của thuốc Aldicarb nhưng vẫn thản nhiên trả lời rằng họ đã sử dụng nó hơn 20 năm nay. “Ai mà không sử dụng thuốc này để giết sâu bọ? Ai có thể đảm bảo mùa thu hoạch tốt mà không cần nó, nếu không sử dụng thì sản lượng đầu ra của chúng tôi chỉ được phân nửa hiện nay. Chúng tôi tất nhiên không dùng loại thuốc này cho loại gừng mà gia đình chúng tôi ăn” - CCTV dẫn lời một nông dân nói.

Tin tức này đang lan rộng trên Internet khiến người dân Trung Quốc ở khắp nơi đặt nghi vấn không chỉ ở Duy Phường mà những nơi khác cũng có thể đang xảy ra tình trạng tương tự. Cũng có lo ngại ngoài gừng, Aldicarb còn được sử dụng trong các loại cây trồng khác. “Giờ đây biết củ gừng nào là an toàn và thuốc độc có thể ngấm vào đất cũng như gây ô nhiễm mạch nước ngầm” - một cư dân mạng tên Lâm Phương viết trên Weibo.

Trao đổi với PV chiều 6/5, ông Chu Vũ Thần, một người làm trong ngành truyền thông Trung Quốc, cho biết nghe tin mà giật cả mình khi hai ngày nay thông tin về thịt chuột giả thịt cừu đang tràn vào thị trường Thượng Hải, giờ lại đến tin gừng ngậm chất cực độc. Rồi ông nói mà nghe như một lời tổng kết: “Hơn 30 năm đổi mới, một bộ phận người Trung Quốc đã đánh mất sự lương thiện và lương tri, giờ thì chuyện gì họ cũng có thể làm”.

Tân Hoa xã cho biết cách đây hai năm, 13 người ở An Huy đã bị trúng độc Aldicarb sau khi ăn dưa leo được bảo quản bằng loại thuốc này. Chẳng những thế, nông dân ở thành phố Thanh Châu, tiếp giáp với Duy Phường, còn sử dụng loại thuốc trừ sâu dichlorvos (DDVP) bảo quản bắp cải và gừng. Loại hóa chất cực độc này một khi ngấm vào rau cải và trái cây thì khó rửa sạch và nó có thể gây tổn hại, dẫn đến ung thư.

Hãy tự cứu mình!

Trước sự hoang mang của dư luận, chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp bảo vệ mùa vụ Trung Quốc Tôn Thúc Bảo khẳng định ông không nghĩ tình hình sẽ tồi tệ hơn. “Thuốc trừ sâu có tác dụng kéo dài hơn một vụ mùa đã bị cấm. Tác dụng của thuốc Aldicarb lên đất và nước ngầm sẽ không lớn, nó sẽ bị các vi sinh vật xử lý” - cổng thông tin chính phủ dẫn lời ông Tôn chống chế. Song, ông Tôn cũng thừa nhận thuốc Aldicarb đã được nông dân ở Duy Phường sử dụng từ rất lâu dù thuốc này đã bị cấm sử dụng cho các loại nông sản như gừng, nghệ từ năm 2006.

Ở nhiều địa phương khác của Trung Quốc, chuyện lạm dụng thuốc trừ sâu để bảo quản nông sản là chuyện thường thấy, bởi Trung Quốc không có những quy định cũng như những biện pháp trừng phạt cụ thể về việc lạm dụng gây ảnh hưởng đến an toàn sức khỏe người tiêu dùng. Đối với các vi phạm, chính quyền các địa phương từ lâu chỉ tịch thu nông dược độc và tiêu hủy những cây trồng sử dụng các loại nông dược như Aldicarb.

Lần này, chính quyền Duy Phường được lệnh phải mạnh tay hơn: đóng cửa những cửa hàng bán loại thuốc trừ sâu cực độc này và bắt giữ các chủ cửa hàng vi phạm. “Chẳng biết hiệu quả của việc trừng phạt này đến đâu” - báo Tin Tức Bắc Kinh dẫn lời một người dân cho biết. Còn lúc này, để tự cứu mình, như khuyến cáo của ông Đổng Kim Sư - tổng thư ký Hiệp hội Bao bì thực phẩm quốc tế, người tiêu dùng Trung Quốc nên ngâm gừng trong dung môi đặc biệt khoảng 30 phút để giảm độc tố.

Bắt ba nghi can bán thịt heo thối

Ba nghi phạm ở tỉnh Phúc Kiến, gồm hai phụ nữ 44 tuổi và một người đàn ông 33 tuổi, đã bị bắt do bán hơn 40 tấn thịt heo nhiễm bệnh ra thị trường từ tháng 1/2013 đến nay. Băng nhóm này đã thu nhặt hàng chục tấn heo bệnh và chết, sau đó đem đến các tỉnh Quảng Đông, Giang Tây và Hồ Nam dùng hóa chất để biến thành thịt heo tươi và bán ra thị trường thu lợi khoảng 3 triệu nhân dân tệ (khoảng 487.000 USD).

Theo Mỹ Loan
Tuổi Trẻ

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG