Lo bùng phát dịch cúm A/H5N1 trên người

Lo bùng phát dịch cúm A/H5N1 trên người
TP - Ngày 23/4, tại cuộc họp của ban chỉ đạo phòng, chống bệnh dịch nguy hiểm và mới nổi, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, tình hình dịch cúm A/H7N9 còn có những diễn biến phức tạp và nguy cơ Việt Nam bùng phát trở lại dịch cúm A/H5N1 khá cao.

Hôm qua 23/4, lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM xác nhận nơi đây vừa tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Thị N. D, 20 tuổi ngụ ở xã Vĩnh Châu A, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An, bị nhiễm cúm A/H5N1.

 Nguy cơ dịch cúm A/H5N1 bùng phát trở lại khá cao”  

Thứ trưởng Y tế
Nguyễn Thanh Long

Trước đó, ngày 15/4 bệnh nhân nhập viện với triệu chứng sốt cao, mệt, ho khan và đau ngực. Các bác sĩ cho biết trước đó trong các ngày 8 và 9/4 bệnh nhân có làm thịt 4 con vịt. Sau khi điều trị với thuốc Tamiflu, hiện sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định, không còn sốt. Theo Chi cục Thú y tỉnh Long An, nơi chị D. sinh sống phát hiện một số gà và vịt chết không lý do.

Trước tình hình có những bệnh nhân tử vong do cúm A/H1N1, TS. Trịnh Quân Huấn, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết sự bùng phát trở lại của cúm A/H1N1 rất đáng ngại vì đây là loại virus cúm có khả năng lây lan nhanh qua đường hô hấp, xuất hiện năm 2009 ở trên 90 nước.

Chỉ trong chưa đầy một tháng đã có ba bệnh nhân tử vong được xác định nhiễm cúm A/H1N1, ba chùm ca lây lan nhau, thêm nhiều bệnh nhân viêm phổi nghi ngờ cúm nhập viện. Việc xuất hiện từng chùm ca bệnh có thể dẫn đến tái tổ hợp chủng virus cúm mới, dù khả năng xảy ra rất hiếm.

Theo TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư, kết quả giám sát hội chứng cúm bốn tháng đầu năm 2013 cho thấy, trong số 962 mẫu được thu thập, tổng số mẫu dương tính với cúm là 119 trường hợp (chiếm 12,4%), trong đó cúm A/H3N2 là 21 trường hợp (17,6%), cúm A/H1N1 là 48% với 57 ca.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, từ đầu năm đến nay, nhiều ổ dịch cúm gia cầm vẫn xuất hiện ở một số địa phương, ghi nhận được hai trường hợp nhiễm cúm A/H5N1 trên người và một trường hợp tử vong. Thứ trưởng nhấn mạnh, nguy cơ dịch cúm A/H5N1 bùng phát trở lại khá cao.

Tại cuộc họp, ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho biết các mẫu giám sát cho thấy 100% chim yến chết đều dương tính với cúm A/H5N1, kiểm tra các mẫu xét nghiệm chim yến sống có một mẫu dương tính với cúm AH5N1, lấy ngẫu nhiên 145 tổ yến xét nghiệm 100% âm tính với cúm A/H5N1…

Căn cứ các kết quả trên Bộ NN&PTNT đã có công điện gửi UBND tỉnh Ninh Thuận tiêu hủy đàn chim yến 10.000 con. Để không cho dịch cúm A/H5N1 lây lan rộng hơn, bộ tiếp tục lấy mẫu gửi ra nước ngoài để giải trình tự gene.

Chiều 23/4 trao đổi với báo chí, Tiến sỹ - bác sỹ Trần Tịnh Hiền- nguyên phó giám đốc bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM, chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực bệnh truyền nhiễm của Việt Nam khẳng định việc tiêu hủy đàn chim yến bị nhiễm cúm A/H5N1 là cần thiết.

Theo bác sỹ Trần Tịnh Hiền, chim yến bay khắp nơi, xa hàng ngàn cây số, mang theo nước bọt, phân nên nguy cơ nhiễm bệnh cao. “Tính đến nay, các nghiên cứu cho thấy virus cúm A/H5N1 đều xuất phát từ chim, thủy cầm”- bác sỹ Hiền lý giải. “Tiêu hủy, dù thiệt hại về kinh tế, cũng vẫn là điều cần làm”- bác sĩ Hiền nói.

Theo báo cáo của sáu tỉnh, thành trọng điểm (Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Lào Cai và Lạng Sơn), tổng số hành khách nhập cảnh từ Trung Quốc được giám sát là 35.183 người. Kết quả chưa ghi nhận trường hợp nào nghi ngờ cúm A/H7N9.

TS Trần Đắc Phu, Phó Cục trưởng, Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) nhấn mạnh virus cúm A dễ biến đổi, có tính thích nghi cao nên nguy cơ H7N9 lây từ người sang người là có thể xảy ra. Bộ Y tế đề nghị các địa phương chưa phê duyệt khẩn trương xây dựng kế hoạch liên ngành phòng, chống dịch cúm A/H7N9 và cúm A/H5N1. Bộ cũng sẽ đề nghị Tổ chức Y tế Thế giới hỗ trợ thuốc kháng virus trang bị phòng hộ từ nguồn dự trữ của khu vực.

21 người Trung Quốc chết vì cúm H7N9

Thống kê đến cuối chiều 22/4 của Tân Hoa Xã cho hay, Trung Quốc đã có 104 ca được xác định chắc chắn nhiễm virus cúm H7N9 với 21 người tử vong.

Hai ca nhiễm mới nhất đều tìm thấy ở Chiết Giang, đưa tỉnh này trở thành trung tâm dịch bệnh của Trung Quốc với tổng cộng 44 người mắc và chết. Trước đó, Thượng Hải có 33 người mắc và chết.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG