Đề phòng bệnh chân tay miệng biến chứng

Đề phòng bệnh chân tay miệng biến chứng
TP - Từ đầu năm 2013 đến nay bệnh tay chân miệng (TCM) đã bùng phát ra hơn 28 tỉnh, thành trong cả nước với typ EV71 cực kỳ nguy hiểm.

> Hàng trăm học sinh nghỉ học vì bệnh tay chân miệng
> Bệnh tay chân miệng tràn vào trường học

Thời kỳ ủ bệnh thường kéo dài khoảng từ 3 - 7 ngày. Hầu hết các trường hợp bị bệnh TCM sẽ qua khỏi nhưng có một số nếu là EV71 thì sẽ có thể bệnh diễn biến phức tạp hơn, nhất là khi virus gây tổn thương hệ thần kinh trung ương.

Đây là một bệnh lây truyền từ người bệnh sang người lành do tiếp xúc trực tiếp với các chất tiết ở miệng, họng, mũi hoặc chất tiết từ các bọng nước ở tay, chân hoặc phân của người bệnh. Bệnh cũng có thể được lây truyền gián tiếp từ các dụng cụ ăn uống, đồ chơi, quần áo, chăn màn của người bệnh.

Hiện nay chưa có biện pháp phòng bệnh đặc hiệu (chưa có vắc xin), vì vậy, phòng bệnh chung là rất cần thiết. Khi nghi ngờ trẻ bị bệnh TCM cần cho trẻ ở nhà không đến vườn trẻ, lớp mẫu giáo, trường học và tránh không cho trẻ lành tiếp xúc với trẻ nghi bị bệnh TCM.

Ở địa phương đang có bệnh TCM, cần vệ sinh cá nhân cho trẻ hằng ngày bằng biện pháp rửa sạch tay, chân bằng xà phòng, đặc biệt là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

Ở trẻ bệnh thì không làm cho bọng nước vỡ ra sẽ bị nhiễm trùng và lây lan ra xung quanh. Các loại quần áo, tã lót, khăn, đồ chơi của trẻ bị bệnh TCM, sau khi giặt sạch bằng xà phòng cần sát khuẩn bằng nước sôi hoặc nước có pha hóa chất cloraminB.

Không giặt chung với các loại quần áo của trẻ lành với trẻ bệnh. Khi giặt, tắm rửa cho trẻ, người phục vụ (cha mẹ, cô nuôi trẻ…) cần đi găng tay và sau khi xong cần rửa tay sạch bằng xà phòng. Phân của trẻ bị bệnh TCM cần được xử lý thật tốt, không để vương vãi ra môi trường xung quanh.

Khi trẻ bị bệnh TCM mà có một số dấu hiệu khác thường cần nhanh chóng đưa trẻ đến khám ở cơ sở y tế, tốt nhất là khoa nhi, bệnh viện nhi hoặc các cơ sở khám, điều trị bệnh truyền nhiễm.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG