Siết thức ăn đường phố: Chưa dẹp cơ sở vi phạm

Siết thức ăn đường phố: Chưa dẹp cơ sở vi phạm
TP - TS Nguyễn Thanh Phong, Phó Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm, Bộ Y tế, khẳng định không có chuyện các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đuờng phố vi phạm các quy định điều kiện về an toàn thực phẩm (ATTP) trong Thông tư 30 sẽ bị phạt hoặc dẹp bỏ từ ngày 20-1.

> Không hoãn nghị định quản thức ăn đường phố
> Nhọc nhằn hàng rong

Thưa ông, nhiều người cho rằng quy định không được dùng tay để bốc thực phẩm chín bán cho khách hàng như trong Thông tư 30 là chưa cần thiết?

Tôi thật không hiểu được các ý kiến kiểu như vậy là vì lợi ích của ai. Điều tra dịch tễ học của chúng tôi cho thấy có những địa phương trên 90% bàn tay người bán thức ăn đường phố nhiễm E. Coli, loại vi khuẩn thường tìm thấy trong phân người. Đặc biệt, 100% tiền mệnh giá từ 2.000 đồng trở xuống đều nhiễm E. Coli.

Qua năm lần dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm xảy ra tại nhiều tỉnh thành phố gần đây, rất nhiều người mắc trong số đó đã sử dụng thức ăn đường phố. Trong hoàn cảnh ấy, chả nhẽ quy định không được dùng tay để bốc thực phẩm chín bán cho khách hàng là chưa cần thiết?

Bên cạnh đó, qua điều tra, rất nhiều trường hợp người bán thực phẩm chín mắc các bệnh truyền nhiễm như bệnh lao tiến triển, tiêu chảy, lị. Vậy mà họ vẫn hồn nhiên tham gia bán hàng. Không kiểm tra khám sức khỏe thì đây chính là nguồn gây nhiễm bệnh cho cộng đồng.

Có phải bắt đầu từ 20-1-2013, ngày Thông tư 30 có hiệu lực, cơ sở kinh doanh vi phạm sẽ bị dẹp tiệm không?

Hoàn toàn không có chuyện từ ngày 20-1-2013, tất cả các cơ sở chưa đủ các tiêu chí đều bị dẹp bỏ. Về tiến trình thực hiện Thông tư 30, Cục ATTP đã có công văn hướng dẫn các địa phương triển khai có lộ trình.

Theo đó, trước mắt, sẽ tổ chức tập huấn, phổ biến tuyên truyền đến các đối tượng chịu sự điều chỉnh của Thông tư 30 để họ biết các nội dung cơ bản; tập huấn cho cán bộ được giao kiểm tra giám sát.

Nói cách khác, bước đầu chúng tôi vận động, tuyên truyền. Tiếp theo là ký cam kết. Tiếp theo nữa mới đến kiểm tra giám sát.

Chỉ cần 50 đồng là thực hiện được

Việc quy định nơi bán hàng phải cách nguồn lây nhiễm và nhiều quy định khác nữa là gây khó cho người kinh doanh nghèo?

Chúng ta vẫn nhìn thấy những quán hàng rong bày bán ngay cạnh thùng rác công cộng, ngay cạnh miệng cống nước thải. Chả nhẽ người tiêu dùng cứ mãi chấp nhận đến các quán ăn như thế? Việc thực hiện quy định không được bán thực phẩm ở gần cống rãnh, thùng rác ô nhiễm rất dễ thực hiện.

Các quy định khác, tôi xin khẳng định cũng rất dễ thực hiện, không đòi hỏi đầu tư tốn kém. Ví dụ, với quy định “không được dùng tay trần để chia thực phẩm trực tiếp cho khách”, chỉ cần đầu tư 50 đồng đã có một găng tay nilon hoặc là dùng kẹp gắp là được.

Với quy định “không được sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc khi mua nguyên liệu về chế biến”, chỉ cần người bán nguyên liệu xác nhận đã bán cho loại nguyên liệu, số lượng, ngày bán, địa điểm của người bán, là xong.

Ông thấy các nước xung quanh quản lý vấn đề này như thế nào ?

Ở Trung Quốc, từ những năm 2000, đã cấm tất cả các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tự vệ sinh dụng cụ bát đũa.

Toàn bộ bát đũa và dụng cụ phục vụ tại các cơ sở này hằng ngày phải lấy từ một cơ sở được cơ quan chức năng cho phép làm vệ sinh dụng cụ.

Cái bát hay cái đĩa nào khi đưa ra phục vụ khách đều phải có tem nhỏ xác nhận đã qua vệ sinh. Nếu không, sẽ bị xử lý rất nặng.

Hiện nay, tại Quảng Ninh đã có một số cơ sở tư nhân nhập dây chuyền vệ sinh bát đĩa theo mô hình ở Trung Quốc để phục vụ các cơ sở kinh doanh ăn uống.

Cám ơn ông.

Quốc Dũng
Thực hiện

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG