Kết quả nghiên cứu cho thấy trẻ được nuôi bằng sữa mẹ và ăn thức ăn rắn muộn hơn đã giảm nhẹ nguy cơ bị thừa cân. Đây là kết quả một tổng quan hệ thống và phân tích dữ liệu khoảng 30 nghiên cứu trước xem xét sự tác động của các yếu tố ảnh hưởng tới trẻ trong 12 tháng đầu đời và mối liên quan của chúng với béo phì khi còn nhỏ.
Phân tích các nghiên cứu trước cho thấy:
Trẻ có mẹ bị thừa cân trước khi mang thai dễ bị thừa cân ở tuổi lên 3 hơn gấp 1,37 lần; dễ thừa cân hơn gấp 4,25 lần khi lên 7 tuổi; và dễ bị thừa cân hơn gấp 2,36 lần khi 9-14 tuổi.
6/7 nghiên cứu xem xét cân nặng sơ sinh của trẻ thấy có mối liên quan rõ rệt giữa trẻ có cân nặng khi sinh cao và béo phì ở cuối thời thơ ấu.
6 nghiên cứu tìm hiểu việc tăng cân nhanh ở trẻ trong năm đầu đời thấy có mối liên quan mạnh với béo phì – một nghiên cứu thấy những trẻ ở nhóm 20% tăng cân hàng tháng nhiều nhất dễ bị thừa cân hơn gấp 3,9 lần khi được 4,5 tuổi.
Trẻ có mẹ hút thuốc trong thời gian mang thai dễ bị thừa cân hơn 47% so với trẻ có mẹ không hút thuốc.
Trẻ được nuôi bằng sữa mẹ ít có khả năng bị thừa cân khi còn nhỏ hơn 15% so với trẻ chưa từng được bú sữa mẹ.
Có một số bằng chứng là ăn thức ăn rắn sớm liên quan với béo phì về sau. Một nghiên cứu cho thấy trẻ được nuôi bú bình, ăn thức ăn rắn trước 4 tháng tuổi dễ bị thừa cân ở tuổi lên 3 hơn gấp 6,3 lần so với trẻ ăn thức ăn rắn theo hướng dẫn (khi 4-5 tháng tuổi).
Không có bằng chứng về mối liên quan giữa béo phì khi còn nhỏ với tuổi và trình độ học vấn của mẹ lúc sinh con, trầm cảm hoặc sắc tộc của mẹ; và bằng chứng không thuyết phục về kiểu sinh con, tăng cân của thai nhi, sụt cân của người mẹ sau khi sinh và tính khí “nhăng nhít” của đứa trẻ.
Tại Anh, khoảng 1/4 số trẻ 4-5 tuổi và 1/3 số trẻ 10-11 tuổi bị thừa cân và bằng chứng cho thấy trẻ thừa cân khi lên 5 tuổi dễ bị béo phì khi trưởng thành.
Nghiên cứu được đăng trên số ra mới nhất của tạp chí Archives of Disease in Childhood.
T. Mai
Theo SD