Cách giữ thức ăn an toàn, vệ sinh

Cách giữ thức ăn an toàn, vệ sinh
“Bệnh tùng khẩu nhập”, các bà nội trợ cần biết cách bảo quản, chế biến thực phẩm hợp vệ sinh để giữ gìn sức khỏe cho gia đình.

Cách giữ thức ăn an toàn, vệ sinh

“Bệnh tùng khẩu nhập”, các bà nội trợ cần biết cách bảo quản, chế biến thực phẩm hợp vệ sinh để giữ gìn sức khỏe cho gia đình.

Cần rửa tay khi chế biến thực phẩm và cầm thức ăn
Cần rửa tay khi chế biến thực phẩm và cầm thức ăn.
 

Nguyên tắc đầu tiên là sạch sẽ: người chế biến thực phẩm phải có bàn tay sạch. Rửa tay trước khi chế biến thực phẩm và cầm thức ăn. Cần chú ý là phải rửa tay đúng cách dưới vòi nước chảy, với xà phòng hoặc dung dịch rửa tay.

Bàn tay bẩn mang rất nhiều vi khuẩn, mầm bệnh trong quá trình làm việc, sinh hoạt. Rửa tay sau khi đi vệ sinh, vệ sinh cho trẻ hoặc tiếp xúc với súc vật lại càng phải chú ý vì đó là những môi trường tiếp xúc với vi khuẩn nhiều nhất. Rửa sạch tất cả các vật dụng chế biến: dao, thớt, nồi… và bề mặt nơi chế biến thức ăn rất quan trọng vì đó chính là môi trường làm cho thức ăn dễ bị nhiễm khuẩn. Đối với các gia đình ở nông thôn chú ý tránh không cho côn trùng, thú nuôi và các động vật khác vào bếp. Ngay cả các nhà căn hộ khép kín cũng cần chú ý điều này vì thú nuôi làm cảnh trong nhà cũng có thể mang những mầm bệnh do chúng thường chui rúc trong các nơi không đảm bảo vệ sinh.

Cần phải để thức ăn sống và chín riêng biệt trong quá trình nấu nướng, chế biến. Để riêng thịt, cá, gia cầm, hải sản… vào những vị trí nhất định trong các dụng cụ chuyên đựng cho từng loại. Dụng cụ dùng cho chế biến sống và chín phải riêng biệt như: dao, thớt, thau rửa. Thực phẩm dự trữ cho ngay hôm sau phải được đậy kín. Không được để chung thực phẩm sống và chín.

Nguyên tắc thứ hai nấu chín thức ăn: yếu tố quan trọng để tránh những vi khuẩn gây bệnh. Thức ăn phải được nấu chín kỹ, đặc biệt là thịt, trứng, cá, hải sản. Đối với thịt phải đảm bảo nước trong miếng thịt sau khi nấu phải trong, không được có màu hồng. Nấu súp và hầm thực phẩm phải đun thật sôi. Hâm lại thức ăn đã chín phải đun ở nhiệt độ sôi, khuấy đều trong khi hâm.

Một số món ăn cổ truyền sử dụng thực phẩm sống phải được rửa sạch và sát trùng bằng các dung dịch quy định đảm bảo vệ sinh như nước muối, thuốc tím, bể lọc ozon… Nói chung không nên ăn sống, cần phải ăn chín uống sôi để phòng các bệnh cho đường tiêu hóa.

Nguyên tắc thứ ba: giữ thức ăn ở nhiệt độ an toàn. Không giữ thức ăn ở nhiệt độ phòng quá 2 giờ. Không dự trữ thức ăn quá lâu dù ở trong tủ lạnh. Không rã đông thực phẩm đông lạnh ở nhiệt độ phòng. Thức ăn cho người suy giảm miễn dịch tốt nhất là được chế biến ở nơi mát mẻ và không dự trữ sau khi nấu chín. Hiện nay nhiều gia đình có tủ lạnh hoặc tủ đông để bảo quản thực phẩm.

Tuy nhiên, cần phải bố trí hợp lý, nếu không môi trường lạnh không tiêu diệt được vi khuẩn mà chỉ làm chúng nằm im không hoạt động, đến khi đưa ra môi trường sẽ bị nhiễm khuẩn trở lại. Hơn nữa, thức ăn để lâu trong tủ lạnh thường không được tươi ngon, hấp dẫn như những thực phẩm khác.

Nguyên tắc sử dụng nước và thức ăn an toàn: yếu tố quan trọng đảm bảo phòng tránh những bệnh đường ruột do vi khuẩn như thương hàn, tả, tiêu chảy… Dùng nước an toàn hoặc được xử lý an toàn như nước máy, nước giếng đã qua lắng lọc. Tuyệt đối không sử dụng nước không đảm bảo vệ sinh để chế biến thức ăn. Chọn thực phẩm tươi và không bị ô nhiễm, không sử dụng thực phẩm quá hạn. Tiệt trùng hoặc đun sôi nước trước khi uống. Rửa rau và trái cây bằng nước an toàn đặc biệt là các loại ăn sống. Nguồn nước an toàn giúp cho người dân tránh được những bệnh dịch nguy hiểm. Vì thế cần khuyến khích nhân dân sử dụng nước đảm bảo vệ sinh. Tuyệt đối không dùng nước ao tù, kênh rạch để dùng làm nước ăn.

Theo ThS. Nga Anh
Sức khỏe & Đời sống

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG