Nhận diện chàng bạo lực khi còn hẹn hò

Nhận diện chàng bạo lực khi còn hẹn hò
Không ít phụ nữ sau nhiều năm chịu bạo hành từ chồng mới hiểu ra, bản tính bạo lực đã có dấu hiệu từ khi hẹn hò.

> 9 tháng, gần 34.000 vụ bạo lực gia đình

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Từ những điều cỏn con

Mười năm lấy chồng, chị Hoa (Đống Đa, Hà Nội) thường xuyên bị chồng đánh đập, sỉ nhục. Sau mỗi lần bị chồng đánh, chị "cương quyết" ly dị nhưng rồi đâu lại vào đó. Bởi sau mỗi lần gây thương tích hay đau khổ cho vợ, anh Hà - chồng chị lại tỏ ra ăn năn, lo lắng. Chị Hoa cũng nhận thấy rằng, anh Hà không bao giờ muốn bỏ vợ, anh ấy cần chị nhưng khi nóng lên lại quên hết mọi lời đã hứa.

Phải trải qua nhiều cung bậc đau khổ, thất vọng, gắng gượng thay đổi nhưng cuối cùng chị Hoa hiểu ra một thực tế rằng: Anh Hà đánh vợ không phải vì căm hận, thù ghét mà là vì... bản tính.

Nhớ lại thời gian đầu mới yêu nhau, chị Hoa cho biết mặc dù anh Hà đã bộc lộ dấu hiệu của sự gia trưởng, ích kỷ của mình nhưng vì yêu nên chị không để ý đến. Chẳng hạn, đi ăn quán, anh Hà thường là người gọi món mà không hỏi ý kiến của chị. Cho đến mãi về sau, khi trở thành vợ chồng hơn chục năm rồi, chị Hoa mới nhận ra đó chính là dấu hiệu của sự gia trưởng. Việc anh Hà thường xuyên gọi món theo ý thích của mình cũng là một cách gián tiếp nói lên rằng, anh ta chỉ nghĩ đến mình.

Anh Hà có thói quen ăn mặn, trong khi chị Hoa và hai đứa con gái của mình lại thích ăn ngọt. Thành ra mỗi lần chị Hoa vào bếp chế biến món ăn, chiều được con thì chồng cau mặt, mà chiều được chồng thì con chẳng chịu ăn, còn để chiều được cả hai thì vừa tốn kém, vừa không đủ thời gian.

Không hiếm lần, vì túi bụi con nhỏ thuốc men ốm đau, chị Hoa không có thời gian dọn dẹp nhà cửa gọn gàng anh cũng chửi là "đồ đàn bà thối tha". Chồng không xắn tay vào đỡ đần cho vợ, lại còn nói những lời chê trách nặng nề khiến cho không khí gia đình lúc nào cũng nặng nề u ám. Chị mà im lặng nhẫn nhịn thì không sao, cứ mở miệng cãi lý là lại bị ăn đòn.

Đừng kết hôn khi lòng còn… lấn cấn

Trong buổi tập huấn "Phòng chống bạo lực gia đình" do Đại sứ quán Israel và Trung tâm Phát triển phụ nữ Việt Nam vừa tổ chức, bà Shlomit, giảng viên chính của buổi tập huấn kể rằng: Có một khách hàng nữ, là nạn nhân bạo lực gia đình từ chồng trong hơn 20 năm tìm đến trung tâm của bà. Sau nhiều tháng trị liệu, người phụ nữ này đã nhớ đến kỷ niệm hồi hai người mới quen nhau. Đó là lần hẹn hò thứ hai.

Hôm đó chị mặc một chiếc váy đỏ rất đẹp, hồi hộp đến nơi hẹn. Nhìn thấy chị, anh ta liền đỏ mặt và bỏ đi một lúc khiến chị vô cùng bối rối, không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Khoảng 5 phút sau thì anh ta quay lại và chuyện hẹn hò diễn ra bình thường. Chị không tiện hỏi và rồi nó cũng nhanh quên đi. Họ lấy nhau sau đó.

20 năm sau thì chị phải tìm đến Trung tâm Gia đình của bà Shlomit vì không thể chịu đựng nổi bạo lực từ chồng. Anh ta thường bắt chị sống theo khuôn phép của mình, kiểm soát chị như kiểm soát tù nhân. Đặc biệt, anh ta thường cấm chị ăn mặc hở hang, những màu sắc quá bắt mắt như màu đỏ... Sống với những định kiến chật hẹp của anh ta khiến cho chị cảm giác mình như là tù nhân giam lỏng.

Sau một tháng trị liệu, người phụ nữ này đã hiểu ra rằng, bạo lực từ chồng đã được ngấm từ trước. Anh ta sử dụng bạo lực là do bản chất chứ không phải do lỗi từ chị. Điều khiến anh ta bỏ đi trong lần hẹn gặp cách đây 20 năm, đơn giản là anh ta không chịu nổi cách ăn mặc của chị. Chiếc váy hôm đó vừa là màu đỏ, cổ rộng, tay trần. Anh ta không chấp nhận nhưng vì muốn lấy chị, anh ta đã tìm cách giấu nhẹm điều đó đi. Đó là dấu hiệu của sự gia trưởng, áp đặt, là ngôn ngữ của bạo lực nhưng người phụ nữ này đã không sớm nhận ra.

Theo bà Shlomit, có những điều khiến chị em cảm thấy lấn cấn trong thời kỳ làm quen hoặc yêu nhau nhưng tựu trung chỉ là những ứng xử vặt vãnh thường ngày, nên thường cho qua. Nhưng đến khi trở thành vợ chồng, trải qua nhiều năm chung sống cùng nhau và phải chịu đựng sự bạo lực từ chồng thì người phụ nữ mới nhận ra rằng, đó là dấu hiệu của bạo lực.

Vì vậy, bà Shlomit khuyến cáo rằng, các chương trình phòng chống bạo lực gia đình nên đặt ra vấn đề phải có chương trình đào tạo cho các cán bộ xã hội, cán bộ phụ nữ để phát hiện ra dấu hiệu bạo lực. Bởi dấu hiệu của bạo lực có thể phát hiện ngay từ khi các cặp tình nhân bắt đầu hẹn hò.

"Bạo lực thường có ngôn ngữ riêng, là cách mà người ta thường sử dụng trong cuộc sống chứ không phải là hành động tức thời hay bột phát như chúng ta vẫn thường nghĩ. Có những điều tưởng như rất cỏn con trong những ngày đầu gặp gỡ làm quen hoặc trong thời kỳ yêu nhau lại là "dấu hiệu" của bạo lực. Nhưng trên thực tế không mấy ai nhận thức được điều này", bà Shlomit nói.

Theo An Khê
Gia đình và Xã hội

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG