Cách đây hơn nửa tháng, bé Nguyễn Ngọc Bảo, hơn hai tháng tuổi ở xã Long Xuyên, huyện Phúc Thọ, có triệu chứng trong miệng xuất hiện các vết loét màu vàng mà dân gian hay gọi là bệnh cam miệng. Cha cháu, anh Nguyễn Mạnh Tấn, tìm đến một cơ sở thuốc bắc có bán thuốc chữa cam miệng trong xã.
Tại đó, anh mua ba loại thuốc, một thuốc bột màu cam, một thuốc bột màu tro và một loại hoa khô. Với thuốc bột màu cam, thầy lang hướng dẫn anh bôi trực tiếp lên miệng trẻ mắc bệnh, ngày hai lần. Thuốc màu tro thì bôi lên hông trẻ khi xuất hiện các nốt đỏ. Còn hoa khô thì đem giã, đun sôi rồi cho trẻ uống.
Sau khi cho cháu Bảo uống nước hoa khô hai lần, thấy bé hay có triệu chứng nôn, vợ chồng anh Tấn ngừng cho cháu uống. Thuốc màu tro cũng sử dụng hai lần rồi thôi. Chỉ có thuốc màu cam, bé được dùng hơn một tuần liên tiếp thì có biểu hiện co giật toàn thân, người tím tái.
Tại Bệnh viện Đa khoa huyện Phúc Thọ, các bác sĩ không tìm ra nguyên nhân. Bốn ngày sau, bé được đưa đến Bệnh viện Nhi Trung ương. Từ ngày 31-10, bé Bảo bắt đầu rơi vào hôn mê sâu và đến chiều qua 4-11, vẫn chưa thấy tỉnh.
Ngộ độc chì
Theo thạc sĩ Nguyễn Văn Tú, Phó Chủ nhiệm Khoa Hồi sức Cấp cứu, Bệnh viện Nhi Trung ương, bệnh nhi Bảo được tiếp nhận vào ngày 28 -10 trong tình trạng co giật, tím tái, hôn mê, giữa các cơn co giật thì tỉnh táo. Ban đầu bé được chuyển đến điều trị tại Khoa Thần kinh. Sau đó tình trạng bệnh tiếp tục xấu đi, có dấu hiệu hôn mê, ngừng thở. Đến ngày 31-10, các bác sĩ đã chuyển bé sang Khoa Hồi sức Cấp cứu.
Tại đây, nghi ngờ ngộ độc, các bác sĩ đã gửi sang Viện Hóa học (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) mẫu máu, mẫu nước tiểu và mẫu thuốc màu cam mà người nhà bệnh nhân đã sử dụng để chữa bệnh viêm loét miệng cho bé Bảo.
Kết quả phân tích cho thấy, mẫu máu có hàm lượng chì lên đến 95 mcg/dl, cao gấp hơn sáu lần hàm lượng cho phép ở trẻ là 15 mg/dL, thuốc bột màu cam có 10% hàm lượng chì. Các bác sĩ nhận định cháu Bảo có thể bị ngộ độc chì và tình trạng này có thể liên quan đến sử dụng thuốc bắc trước đó.
Bác sĩ Tú cho biết khả năng hồi phục hoàn toàn của bé Bảo là rất khó. Bệnh nhân có thể sẽ phải đối mặt với những hậu quả lâu dài, đặc biệt là nguy cơ suy giảm trí tuệ. Hiện bé vẫn đang trong tình trạng hôn mê, hơi thở nặng, phải tiếp tục điều trị theo dõi cách ly tại Khoa Hồi sức Cấp cứu.
Đối với trẻ em, nhiễm độc cấp tính khiến cho các em trở nên cáu kỉnh, kém tập trung, ói mửa, dáng đi không vững, lên cơn kinh phong. Trường hợp mạn tính, các em có dấu hiệu chậm trí, hay gây gổ, lên kinh thường xuyên, đau bụng, thiếu máu, suy nhược cơ bắp, suy thận, đôi khi có thể dẫn tới tử vong. Đối với người lớn, khi bị ngộ độc chì sẽ đau tê ở đầu ngón chân, tay; bắp thịt mỏi yếu; nhức đầu, đau bụng, tăng huyết áp, thiếu máu, giảm trí nhớ, thay đổi tâm trạng, sảy thai, kém sản xuất tinh trùng… Lâu ngày, bệnh trở thành mạn tính, đưa tới suy thận, tổn thương thần kinh ngoại vi, giảm chức năng não bộ. Nguồn: yduocngaynay.com. |