Nghi 'nữ sinh bà lão' mắc bệnh tế bào mast

Nghi 'nữ sinh bà lão' mắc bệnh tế bào mast
TP - Theo dõi bệnh mastocytosis - bệnh của tế bào mast (còn gọi dưỡng bào, tế bào bón) và dị ứng da là hai mục tiêu cần xác định bệnh chính gây biến chứng lão hóa da chị Nguyễn Thị Ngọc Mai (Quảng Nam).

Vẫn chưa tìm ra bệnh của cô gái hóa 'bà lão'
> Hội chẩn liên viện 'bắt bệnh' nữ sinh hoá bà lão

Kết luận được đưa ra sau buổi hội chẩn liên viện tại BV Hoàn Mỹ Đà Nẵng sáng qua, 25–10. Hơn 20 bác sĩ, chuyên gia đầu ngành da liễu, nội tiết, miễn dịch, tim mạch đến từ BV Hoàn Mỹ, BV T.Ư Huế, ĐH Y dược Huế, các bệnh viện lớn trên địa bàn Đà Nẵng cùng tham gia.

Chưa biết chính xác bệnh

TS. Trần Bá Thoại, chuyên nội tiết (BV Hoàn Mỹ Đà Nẵng) cho hay: Bệnh nhân Mai có các biểu hiện: Tiền sử bị dị ứng kéo dài (15 năm), nổi sẩn ngứa toàn thân, nhiều vùng da khô, nhợt nhạt với nhiều mảng màu vàng, nâu khác nhau.

Các xét nghiệm cho thấy, thể trạng chị Mai (28 tuổi, phường Cẩm Châu, TP Hội An, Quảng Nam) suy kiệt nặng, viêm phế quản, hen phế quản, mắt lồi nhẹ, hàm răng biến đổi khung hàm trên, máu có tình trạng cô đặc, suy dinh dưỡng, riêng các chức năng thận, gan vẫn còn giới hạn… Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đây mới chỉ là hậu quả, tổn thương do bệnh gây ra, cần xác định căn bệnh, nguyên nhân cùng các biến chứng gây bệnh, phạm vi lão hóa.

Nhiều chuyên gia cho rằng, cần xác định “lão hóa da” là bệnh hay các biến chứng của bệnh, đồng thời cần tính đến các khả năng do lạm dụng thuốc, suy dinh dưỡng, và bệnh dị ứng. Theo BS. Nguyễn Phúc Học, GĐ Bệnh viện 199 (Đà Nẵng): Tổn thương da như chị Mai không phải hiếm, thực tế tại các địa phương miền núi do thiếu ăn, hoàn cảnh kinh tế khó khăn không ít người dân trong cảnh lão hóa sớm. Đại diện ĐH Y dược Huế cho rằng: Chị Mai khởi bệnh từ một dị ứng trên da, sau đó phát tác toàn thân và dẫn đến tình trạng này. Do đó, cần tiến hành theo dõi bệnh dị ứng là hướng phù hợp.

Tuy nhiên, theo TS. Thoại, nhiều năm nghiên cứu về bệnh tế bào mast cho thấy khả năng mắc bệnh mast của chị Mai là có cơ sở. Bệnh tế bào mast hai dạng: Tế bào mast tại da (chỉ tập trung ở da) và tế bào mast hệ thống (xâm nhập vào các cơ quan khác da). Trong đó, bệnh tế bào mast tại da chiếm đến 90% số ca mắc bệnh này, gồm nhiều biểu hiện, như: Mề đay sắc tố, đỏ da lan rộng, giãn tĩnh mạch.

TS. Thoại cho hay: Bệnh tế bào mast xảy ra ở cả trẻ em, người lớn có thể phát bệnh sớm, hoặc muộn. Những biểu hiện bệnh nhân Mai cho thấy vùng da bị tổn thương nặng, nổi mẩn ngứa, 2 tay chân còn mẩn ban xuất huyết.

BS. Đồng Ngọc Khanh, phụ trách chuyên môn Tập đoàn Hoàn Mỹ cũng đồng tình: Qua tìm hiểu bệnh án, cần xác định theo dõi bệnh mast là hướng chẩn đoán chủ lực.

Cần thêm nhiều xét nghiệm

Tán thành hướng tìm nghi phạm bệnh tế bào mast, PGS.TS Trần Thị Minh Diễm, Chủ nhiệm bộ môn Miễn dịch học (ĐH Y Huế) cho hay: Cần tiến hành thêm các xét nghiệm để loại bỏ các yếu tố, khả năng gây bệnh, trong đó các xét nghiệm về sinh thiết xương tủy, hóa mô miễn dịch trên tế bào đóng vai trò quan trọng như tiêu chuẩn chính để xác định bệnh tế bào mast.

Phản biện ý kiến cho rằng nguyên nhân do thiếu chất dinh dưỡng khiến bệnh nhân tong teo, già yếu, TS Diễm tranh luận: Trường hợp mắc tế bào mast có thể gây kém hấp thu các chất trong cơ thể, làm giảm chức năng của các cơ quan gây nên việc suy dinh dưỡng, thiếu chất…

Hiện, BV Hoàn Mỹ tiếp tục tiến hành các xét nghiệm sinh thiết da, sinh thiết xương tủy, các xét nghiệm về kháng thể đặc hiệu, nhị nguyên đặc hiệu… tạo cơ sở xác định bệnh chính của bệnh nhân. “Đơn vị liên kết với các cơ sở y tế Huế, TPHCM, và sẵn sàng gửi bệnh phẩm ra nước ngoài để xét nghiệm” – BS. Trần Văn Long, Giám đốc BV Hoàn Mỹ (Đà Nẵng) nói.

Trong trường hợp xác định bệnh nhân mắc 1 trong 2 khả năng theo dõi trên, việc phục hồi, lấy lại “nhan sắc” cho bệnh nhân theo các bác sĩ vẫn là điều khó có khả năng thành hiện thực.

Vừa chẩn đoán, vừa điều trị

BS. Nguyễn Phúc Học, Giám đốc Bệnh viện 199 (Đà Nẵng) nói: Tôi từng có một người thân bị mẩn ngứa, mề đay nhưng chẩn đoán mãi không ra bệnh. Sau khi dùng thuốc một thời gian, có dấu hiệu già đi nhiều.

Trong trường hợp chị Mai, có thể tính đến phương án vừa chẩn đoán, vừa điều trị sẽ góp phần loại bỏ sớm các yếu tố nghi ngờ. Trong khi đó, BS Trần Văn Long, Giám đốc BV Hoàn Mỹ (Đà Nẵng) cho hay: Chúng tôi sẽ tiến hành thử nghiệm 1 tháng theo phương thức này, nhằm tìm hướng điều trị thích hợp cho bệnh nhân.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Khu dự trữ thiên nhiên, bảo tồn động vật quý hiếm rộng hơn 19.000ha của Huế nằm ở đâu?
Khu dự trữ thiên nhiên, bảo tồn động vật quý hiếm rộng hơn 19.000ha của Huế nằm ở đâu?
TPO - Khu dự trữ thiên nhiên Sao La nằm ở Trung Trường Sơn, thuộc 2 huyện A Lưới và Phú Lộc (khu vực huyện Nam Đông cũ) của TP. Huế, với chức năng phòng hộ đầu nguồn sông Hương và sông Bồ; bảo vệ các loài động, thực vật quý hiếm, đặc biệt là quần thể Sao La và hai loài mang lớn, mang Trường Sơn…