Vì sao chưa công bố dịch tay chân miệng?

Vì sao chưa công bố dịch tay chân miệng?
TP - Số ca mắc và tử vong do bệnh tay chân miệng gia tăng bất thường. Nhưng Việt Nam vẫn chưa công bố dịch. TS Babatunde Olowokure, Trưởng nhóm giám sát và ứng phó các bệnh mới nổi, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, trao đổi với PV Tiền Phong.

> Nín thở chờ đỉnh dịch tay chân miệng
> Bệnh tay chân miệng lan nhanh các tỉnh miền Tây

Ông cho biết: WHO đang làm việc chặt chẽ với Bộ Y tế VN về tỷ lệ tăng bất thường các ca mắc, đồng thời làm việc với các đối tác khác như Tổ chức Phòng ngừa và Kiểm soát bệnh Hoa Kỳ (CDC) để đưa ra khuyến cáo về kiểm soát và phòng chống dịch tay chân miệng (TCM). Chúng tôi đang phân tích số liệu dịch tễ và phòng thí nghiệm để phát hiện những khả năng tiềm tàng khiến số ca mắc tăng cao.

Việc phân tích phụ thuộc nhiều vào nguồn thông tin và chất lượng thông tin nên không thể công bố bất cứ nhận định nào vào thời điểm này.

Nhiều ý kiến cho rằng, VN chậm công bố dịch TCM, khi mà đã có hơn 42.000 ca mắc và 98 ca tử vong từ đầu năm tới nay. Theo quan điểm của WHO, VN đã nên công bố dịch hay chưa?

WHO không có bất cứ quy định cụ thể nào về việc công bố dịch. Hầu hết trường hợp là do hướng dẫn hoặc luật pháp quốc gia chỉ định khi nào cần công bố. Tuy nhiên, có một tài liệu hướng dẫn quản lý lâm sàng các bệnh TCM và ứng phó y tế công cộng của WHO, văn phòng Tây Thái Bình Dương, quy định tiêu chuẩn xác định một đợt bùng phát dịch TCM. Các tiêu chuẩn này ở mỗi nước khác nhau và thường đóng vai trò khởi xướng trong việc thực hiện các biện pháp y tế công cộng.

Dù khác nhau như vậy, nhưng có một ngưỡng thường được các nước sử dụng phổ biến để xem đó có phải là một đợt bùng phát bệnh truyền nhiễm hay không. Đó là khi số các ca mắc đạt đến hai độ lệch chuẩn so với chuẩn thông thường. Nghĩa là, trong một khoảng thời gian nhất định, một số lượng ca mắc nhất định được coi là mức chuẩn thông thường. Khi số ca mắc cao hơn mức này, người ta quy định đó là mức độ lệch chuẩn thứ nhất; cao hơn mức lệch chuẩn thứ nhất là mức lệch chuẩn thứ hai. Khi bệnh đạt đến độ lệch chuẩn thứ hai, một số nước sẽ tuyên bố đã đạt đến mức bùng phát dịch.

Số lượng các ca mắc và tử vong hiện nay tại VN đã có thể xếp vào mức lệch chuẩn thứ hai hay chưa?

Chúng tôi không biết chính xác vì VN chưa thiết lập độ chuẩn cho các ca mắc TCM. Đây là một căn bệnh khá mới tại VN. Chuẩn này sẽ được thiết lập tùy theo tiêu chí của từng nước. Chúng tôi cũng không thể so sánh mức độ mắc bệnh tay chân miệng tại VN với một số nước khác được vì tình huống mỗi nước khác nhau, những virus gây TCM tại VN có thể khác với virus gây bệnh này ở các nước khác.

Việc gia tăng bất thường bệnh TCM tại Việt Nam có thể do những nguyên nhân gì?

WHO và CDC đang điều tra dịch tễ học đối với bệnh này tại VN, chưa có số liệu cuối cùng. Do vậy, chưa đưa ra được bài học kinh nghiệm nào. Nhưng điều chúng tôi biết là hiện tại vẫn nên chú trọng biện pháp phòng ngừa cụ thể với bệnh. Chẳng hạn, cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, đặc biệt sau khi tiếp xúc với các vết thương hở; trước khi chuẩn bị thức ăn, trước khi ăn và cho trẻ ăn, sau khi đi vệ sinh; rửa sạch các đồ vật như đồ chơi của trẻ với xà phòng và nước; tránh tiếp xúc trực tiếp như ôm, hôn… trẻ mắc TCM; trẻ mắc bệnh cần được cách ly với trường học, bệnh viện, nhà trẻ hoặc những nơi tụ tập đông người cho đến khi trẻ khỏe mạnh…

Tình hình dịch bệnh nói chung ở Việt Nam được kiểm soát như thế nào, theo đánh giá của WHO?

WHO hoan nghênh Bộ Y tế đã thực hiện các biện pháp phòng ngừa với nỗ lực hạn chế bệnh lây lan, trang bị kiến thức và kỹ năng cần thiết cho các cơ quan và nhân viên y tế. Hiện WHO không thể đề xuất một chính sách để kiểm soát mọi loại dịch bệnh, vì mỗi dịch bệnh lại khác nhau. Nhưng có thể áp dụng một số bước phòng ngừa như cung cấp nguồn lực tài chính và kỹ thuật; có hệ thống giám sát đầy đủ; có kế hoạch truyền thông…

Cảm ơn ông.

102 người tử vong vì bệnh tay chân miệng

Theo nhận định của Bộ Y tế, tính đến nay đã có trên 47.600 ca mắc TCM tại 61 địa phương, trong đó có 102 ca tử vong. Bộ Y tế vừa có văn bản gửi Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) về việc tăng cường phối hợp chỉ đạo công tác tuyên truyền phòng chống dịch bệnh trên các phương tiện thông tin đại chúng. Bộ Y tế đề nghị Bộ TT-TT chỉ đạo các cơ quan tuyên truyền, báo chí trong hệ thống Bộ quản lý tăng cường thời lượng, số lượng tin, bài, thông điệp về phòng chống dịch bệnh chuyển tải kịp thời, nhanh nhất, hiệu quả nhất tới đông đảo, rộng khắp cộng đồng dân cư cả nước. Lê Nguyễn

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG