Sữa bột 'đánh bật' sữa mẹ

Sữa bột 'đánh bật' sữa mẹ
TP - Tình trạng lạm dụng sữa bột công thức khiến hơn một nửa trong số 1,5 triệu trẻ được sinh ra mỗi năm ở nước ta “đói” sữa mẹ ngay khi chào đời và khiến mỗi năm Việt Nam tiêu tốn khoảng 3 tỷ USD cho sữa bột cộng thêm 500 triệu USD chi phí điều trị các bệnh liên quan đến nuôi con không bằng sữa mẹ.

Sữa bò không tốt đối với trẻ nhỏ

Hiện có khoảng 70% các bà mẹ không ý thức hết lợi ích của việc cho con bú trong những tháng đầu đời. Đó cũng là nguyên nhân khiến hơn 80% trẻ sinh ra đói nguồn sữa mẹ. Là một chuyên gia về dinh dưỡng, bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp - Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM, cho biết tình trạng lạm dụng sữa bột khiến cho không ít trẻ mới 10 tuổi đã mang bệnh béo phì khi nặng đến 70kg.

BS Nguyễn Ngọc Thông- GĐ Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TPHCM cho biết hiện chỉ có 19,4% trẻ được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu.

“Những giọt sữa đầu tiên trong vòng một giờ sau khi sinh con được ví là nguồn “vaccine quý hiếm” nhưng thống kê năm 2010 cũng chỉ mới 750.000 trẻ ở Việt Nam trong số 1,5 triệu trẻ sinh ra được bú”- bác sĩ Thông cho biết.

Theo bác sĩ Diệp, khoa học đã chứng minh việc trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu mang lại những lợi ích rất lớn cho sức khỏe của bé về sau. “Nếu trẻ được bú sữa mẹ đầy đủ trong 6 tháng đầu khiến chúng ít mắc các bệnh nhiễm khuẩn, suy dinh dưỡng, thừa cân béo phì, các bệnh mãn tính và phát triển hoàn thiện trí não”- bác sĩ Diệp khẳng định.

“NO” SỮA BỘT

Con vừa ra đời tại một bệnh viện phụ sản quốc tế ở TPHCM, chị Phấn ở quận 6 được bệnh viện này tặng một lon sữa bột công thức và yêu cầu cho con bú thêm. Sau khi xuất viện, con chị Phấn “ghiền” luôn sữa này buộc chị phải mua loại sữa công thức này cho con uống mà không thay thế được loại sữa khác.

Tại khoa Phụ sản cơ sở 4 thuộc Bệnh viện ĐH Y dược TPHCM sữa bột dành cho trẻ em không chỉ được bán ở căng tin mà trong các sổ khám bệnh dành cho sản phụ đến khám ở đây còn được một hãng sữa tài trợ in logo hình ảnh lên bề mặt của sổ.

Tại bệnh viện phụ sản Hùng Vương, Từ Dũ tình trạng bán sữa bột trong bệnh viện vẫn diễn ra tràn lan khiến các bà mẹ vô tư mua cho con uống.

Bác sĩ Lê Trường Giang- Phó GĐ Sở Y tế TPHCM cho biết: “Truyền hình quảng cáo sữa bột cho trẻ sơ sinh ra rả suốt ngày nhưng không thấy quảng cáo sữa mẹ”. Trong khi theo ông Giang lẽ ra theo quy định trước khi quảng cáo sữa phải đọc câu “Sữa mẹ là tốt nhất cho trẻ” thì có đoạn quảng cáo không đọc hoặc đọc thật nhanh để không ai nghe rõ.

Theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Thông cho dù sữa công thức chế biến tân tiến đến độ nào cũng không thể giống như sữa mẹ.

Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp cho biết mỗi ngày trung tâm dinh dưỡng TP HCM tiếp nhận khoảng 100 bà mẹ đến thăm khám liên quan đến vấn đề sữa ở trẻ. Nhiều bà mẹ băn khoăn hỏi có nên cho con bú sữa mẹ không vì thấy quảng cáo sữa bột còn hơn cả sữa mẹ.

TS Hoàng Kim Thanh- GĐ Trung tâm Truyền thông sức khỏe Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cho biết, nhiều quảng cáo sữa mập mờ, gây ngộ nhận nhưng chế tài xử lý rất nhẹ. Mới đây Sở Y tế Hà Nội xử phạt hành chính chỉ 7 triệu đồng đối với Công ty cổ phần G&P Mama sữa non vì có hành vi so sánh sản phẩm tương đương với sữa mẹ, tuy nhiên mức xử phạt này chưa đủ răn đe.

THẤP CÒI

Bộ Y tế cho biết hiện Việt Nam có hơn 2,5 triệu trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng ở thể thấp còi. Theo bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hậu - Khoa Dinh dưỡng BV Nhi đồng 2 TPHCM sữa bột không bổ sung đầy đủ dưỡng chất hợp lý cho trẻ bằng sữa mẹ nên cho dù trẻ uống nhiều sữa công thức thay thế sữa mẹ nhưng vẫn thấp còi.

Bác sĩ Hậu cho biết, trẻ bú sữa mẹ có sức đề kháng và trí thông minh cao hơn trẻ bú bình. Người ta thấy rằng trẻ bú sữa công thức có nguy cơ viêm phổi cao gấp 3,9 lần và nguy cơ tiêu chảy cao gấp 17,3 lần trẻ bú mẹ.

Nghiên cứu từ các chuyên gia dinh dưỡng cho thấy trong sữa mẹ có những acid béo không no đa nối đôi giúp cho não, hệ thần kinh và thị lực của trẻ phát triển tốt hơn. Những trẻ bú mẹ sẽ có sự phát triển của trí tuệ, các giác quan như thính giác, thị giác, xúc giác… và ngôn ngữ tốt nhất. Tỉ lệ trẻ bị chàm da, suyễn, đái tháo đường tiểu đường type 1, dị ứng thực phẩm… thậm chí béo phì thấp hơn hẳn ở nhóm trẻ được cho bú mẹ.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG