Bệnh do thừa muối
Muối rất quan trọng trong cuộc sống của con người: giúp cân bằng lượng nước trong cơ thể và có tác dụng hòa tan một số chất. Khi thiếu muối kéo dài con người sẽ bị tử vong do rối loạn điện giải. Muối quan trọng là thế nhưng nếu dùng muối quá nhiều, chúng ta sẽ lĩnh những hậu quả khôn lường.
Ảnh: minh họa - Internet |
Gây yếu xương: Trong thành phần của muối, natri chiếm tới 40%. Việc hấp thu quá nhiều natri mỗi ngày khiến cơ thể bài tiết một lượng lớn canxi, đe dọa đến tỷ trọng và sức khỏe của xương cũng như nhiều bộ phận khác trong cơ thể. Vì thế, nguy cơ mắc bệnh loãng xương sau đó là một tất yếu rất khó tránh khỏi, nhất là đối với phụ nữ. Vì vậy, càng hạn chế hấp thu natri bao nhiêu thì lượng canxi bị bài tiết ra ngoài cơ thể càng ít bấy nhiêu.
Tăng nguy cơ ung thư dạ dày: Những người có thói quen ăn quá mặn có nguy cơ bị ung thư dạ dày cao gần gấp đôi so với những người bình thường khác. Nguy cơ này càng cao ở những người thường xuyên kết hợp ăn mặn với ăn chua, cay và uống nhiều bia, rượu.
Rối loạn cấu trúc ADN: Một trong những tác hại nguy hiểm nhất của muối ăn là phá vỡ cấu trúc chuỗi ADN khiến các cơ chế phục hồi tế bào trong cơ thể ngừng hoạt động hoặc hoạt động kém hiệu quả.
Gây sỏi thận: 70% số bệnh nhân sỏi thận có thói quen ăn mặn hơn nhiều lần so với những người khác. Các nghiên cứu khoa học thấy rằng, chất natri có tác dụng giữ nước, nên ngoài việc làm giảm sự thải các độc tố của cơ thể qua đường bài tiết, nó còn giữ lại các chất vôi và cặn cứng lâu ngày sẽ dẫn đến lắng đọng sỏi. Ngoài việc hạn chế muối, bạn nên giảm bớt lượng protein trong khẩu phần ăn.
Tăng nguy cơ bị tăng huyết áp: Bệnh tăng huyết áp được gọi là “kẻ giết người thầm lặng” vì nó diễn tiến âm thầm và thường kéo theo nhiều bệnh khác nguy hiểm hơn như đột quỵ, đau tim... Những người thường xuyên ăn mặn sẽ dễ mắc bệnh tăng huyết áp, đó là vì chất natri sẽ hút nước từ thành của động mạch vào trong mạch máu, làm cho động mạch bị thu hẹp trong khi lượng nước và áp suất lại tăng lên.
Để phòng bệnh tăng huyết áp, ngoài việc tránh lạm dụng muối trong bảo quản và chế biến các món ăn, còn phải hạn chế sử dụng thực phẩm chế biến sẵn có nhiều natri như mì sợi, thức ăn chế biến và đóng gói sẵn, đông lạnh, thịt gia cầm làm sẵn, các món dưa chua, thức ăn nhanh như khoai tây chiên, phồng tôm... Tăng cường ăn rau và hoa quả để tăng lượng kali vốn có tác dụng giảm tăng huyết áp. Những người bị tăng huyết áp chỉ nên dùng tối đa 5g muối/ngày. Trường hợp dùng muối iod thì liều lượng còn phải thấp hơn nữa vì nó có độ mặn cao hơn muối biển.
Tăng nguy cơ bị stress: Đã có rất nhiều bằng chứng cho thấy, nếu lượng muối trong các bữa ăn vượt quá tỷ lệ cần thiết sẽ làm tăng nguy cơ bị stress, đó là vì natri sẽ làm tăng số lượng tế bào não nhận hormon norepinephrine - hormon truyền các tín hiệu thần kinh từ não tới tim (làm tim đập nhanh hơn), tới hệ tiêu hoá (làm cho mọi cơ quan tạm ngừng quá trình tiêu hoá) và tới các mạch máu (làm các mạch máu bị co thắt lại)… gây nên cảm giác lo lắng, hoảng sợ và dễ cáu gắt.
Tóm lại, mỗi ngày một người chỉ nên tiêu thụ khoảng từ 3 - 6g muối, tương đương với khoảng 1.200 - 2.000 microgram natri.
Theo ThS. Hà Hùng Thủy
Sức khỏe & Đời sống