Để phòng tránh bệnh tật lây nhiễm, đồ siđa trước khi sử dụng nên giặt bằng xà bông có chất tẩy mạnh hoặc trụng nước sôi Ảnh: Hồng Thái. |
Ai sử dụng đồ siđa?
Với những người lao động, công nhân nghèo,… sử dụng một bộ quần áo trị giá vài trăm ngàn đồng là một lựa chọn xa xỉ, nhất là khi giá cả ngày càng leo thang, đồng lương lại đứng chững hoặc tuột dốc. Chính vì vậy, đa số những người này đã chọn cách mua đồ siđa từ các vỉa hè, hoặc những cửa hàng chuyên bán đồ cũ với giá khá rẻ, cỡ vài chục ngàn đồng, từ quần áo, giày dép, nón, kính mát… cho đến nón bảo hiểm đã qua sử dụng.
Ngoài ra, hiện còn có một xu hướng sử dụng đồ siđa khác khá phổ biến ở nhiều người ghiền đồ “độc” nhưng túi lại rỗng tiền. Vì vậy, họ săn lùng khắp các vỉa hè, cửa tiệm bán trang phục cũ, chọn mua những bộ cánh có kiểu dáng đẹp, lạ mắt. Những bộ trang phục này chỉ cần dùng vài ba lần, hoặc thậm chí một lần rồi bỏ luôn cũng chẳng tiếc tiền, vì có loại chỉ vài chục ngàn đồng một bộ.
Nhiều bệnh lây nhiễm trực chờ
Có nhiều nguồn cung ứng đồ siđa. Tuy nhiên phổ biến nhất vẫn là từ người dùng khá giả. Với những người này, khi chán chê đồ đạc nào đó, họ sẽ mang bán rẻ hoặc đóng gói gửi làm từ thiện. Có người cẩn thận giặt giũ sạch sẽ, là ủi thẳng thớm. Nhưng cũng có người vì vội hay vì sự thờ ơ đã để nguyên đồ bẩn.
Giặt tẩy mạnh, trụng nước sôi… trước khi xài Để phòng tránh bệnh tật lây nhiễm từ đồ siđa, khi mua về nhà những loại quần áo, giày dép cũ,… trước khi sử dụng, nên giặt bằng xà bông có chất tẩy mạnh. Sau đó, phơi ngoài nắng lớn cho thật khô, rồi dùng bàn ủi ủi lại. Nếu cẩn thận hơn, nên trụng nước sôi quần áo trước hoặc sau khi giặt xong rồi mới đem phơi. Giặt giũ quần áo siđa càng kỹ, càng giúp tận diệt triệt để các tác nhân gây bệnh đang trú bám trên đó. |
Những bộ quần áo chưa kịp giặt này có thể còn chứa nhiều vi khuẩn, cả các loại vi trùng từ bệnh tật của người chủ cũ. Chưa kể khi bày bán ở cửa tiệm, hoặc vỉa hè lâu ngày, bụi đường, chất bẩn xung quanh sẽ bám vào quần áo, sinh nấm mốc. Khi mua về, có người phải mặc một lần rồi mới chịu mang đi giặt. Bệnh tật có thể phát sinh từ những sự vội vàng như thế.
Tác nhân gây bệnh từ đồ siđa chia thành nhiều nhóm. Vi nấm là loại thường gặp nhất. Nấm từ quần áo bẩn, khi mặc vào, chúng dễ dàng xâm nhập qua da, ký sinh trên cơ thể người, gây các chứng bệnh truyền nhiễm nơi vùng bẹn, da đầu, và toàn thân.
Chẳng hạn như khi người dùng mua phải đôi giày của người bị nấm kẽ chân trước đó, xác suất bị các bệnh lây nhiễm rất cao. Các loại vi trùng cũng dễ dàng tấn công người dùng từ những bộ quần áo cũ. Nếu da bị trầy xước hoặc đang bị tổn thương nào bên ngoài, khi sử dụng quần áo cũ, có thể mắc nguy cơ các bệnh lây nhiễm như giang mai, lậu.
Ngoài ra, nếu các loại quần áo, giày dép, mũ nón… siđa vô tình chứa trứng của các loại ký sinh trùng như chấy, rận, ghẻ... Khi di chuyển lên da, tóc của người sử dụng, trứng sẽ sinh sôi, gây bệnh. Nguy cơ nhiễm bệnh còn không loại trừ với bệnh HIV, viêm gan B…
Theo ThS.BS Lê Thái Vân Thanh
(Giảng viên bộ môn da liễu, Đại học Y dược TP.HCM)
Sài Gòn Tiếp thị