PLAN tài trợ để các xã xây dựng cột báo lũ tại những cung đường trũng. Những cột bê tông vuông này được sơn trắng đỏ với thước đo mức nước dâng. Nhìn vào cây cột, người dân địa phương biết được mức nước nào là nguy hiểm không thể băng qua đường.
Các cán bộ dự án được cử xuống cơ sở giúp người dân, đặc biệt là học sinh, tự xây dựng phương án đối phó tình hình bão lũ ở địa phương. Phương án nói rõ khi nước lũ dâng, các em sẽ chạy lên vùng đất nào để được an toàn, tránh xa vùng đất trũng nào ở địa phương.
Người dân xã Gio Hải (huyện Gio Linh) tự xây dựng hệ thống hiệu lệnh báo động bằng kẻng. Khi lũ cấp một thì đánh một hồi ba tiếng kẻng, cấp 2 đánh hai tiếng liên tục, cấp 3 đánh ba tiếng liên tục và cấp 4 đánh bốn tiếng dồn dập. Các xã có đội xung kích gồm học sinh, thanh niên; khi bão lũ xảy ra, lực lượng này thông báo kịp thời và tham gia cứu hộ, cứu nạn.
Tại Gio Hải, dự án PLAN cũng xây dựng mô hình mẫu cho một thuyền cá cần có bao nhiêu áo phao, những dụng cụ cần thiết gì để đối phó bão. Từ hình mẫu này, chính quyền và các hộ dân biết thuyền của mình còn thiếu những gì để tự bổ sung.
Cô Thái Thị Thương, giáo viên môn giáo dục công dân Trường THCS Gio Hải, cho rằng dự án PLAN qui mô nhỏ và đơn giản nhưng thiết thực, mang lại hiệu quả to lớn. Học sinh của cô biết tự xây dựng bản đồ vùng nguy hiểm khi bão lũ xảy ra, nhận thức về những rủi ro do bão lũ và khả năng tự cứu nguy của các em nâng lên rõ rệt, đặc biệt là các em biết tự truyền thông cho nhau.
Anh Nguyễn Trọng Ninh, cán bộ chương trình PLAN, cho biết dự án này nhằm hỗ trợ kỹ năng và nâng cao năng lực của người dân trong phòng chống thiên tai. Chính phủ Việt Nam có chương trình quốc gia phòng chống và giảm nhẹ thảm họa thiên tai với mục tiêu đến năm 2020, khoảng 6.000 xã có phương án đối phó bão lũ.