Anh: Nhiều người nổi loạn trẻ, nghèo, mù quáng

Anh: Nhiều người nổi loạn trẻ, nghèo, mù quáng
TP - Nước Anh đang bị chia rẽ sâu sắc về các nguyên nhân dẫn đến cuộc bạo loạn hiện nay. Có người cho rằng, bọn cơ hội trong đám tội phạm gây ra bất ổn xã hội, có người nói rằng, nguyên nhân là do các chính sách kinh tế của chính phủ mâu thuẫn nhau.

Nguyên nhân bạo lực là sự vô trách nhiệm và thiếu chuẩn mực đạo đức
> London trong cơn loạn lạc

Một số người khác cho rằng, sự nổi loạn là cách phản ứng việc chính phủ cắt giảm chi tiêu làm sâu sắc thêm sự bất bình đẳng trong những khu vực nghèo đói nhất.

Một thanh niên 19 tuổi sống gần Tottenham, nơi khởi nguồn cuộc bạo loạn, nói: “Chẳng ai làm gì cho chúng tôi cả. Các nhà chính trị không làm, cảnh sát cũng không”. Người thanh niên này có tham gia cướp bóc trong vụ bạo loạn và tỏ ra lo sợ phải đối mặt việc bị truy tố.

Tottenham là nơi hầu hết cư dân da trắng sống. Những người nhập cư da màu từ châu Phi, Carribe chiếm 25%. Đây cũng là nơi có nhiều người nhập cư gốc Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh… sinh sống. Sự giận dữ có vẻ đều có nguồn gốc từ vấn đề sắc tộc, trong đó sự nghèo đói là mẫu số chung. Nhưng cũng có lịch sử căng thẳng sắc tộc ở những nơi có cộng đồng dân cư phức tạp và trên thực tế, bạo loạn bùng lên từ Tottenham sau khi cảnh sát bắn chết một người đàn ông da đen. Tottenham cũng là nơi có nhiều em gái vị thành niên mang thai, nhiều người buôn bán ma túy, giải quyết mâu thuẫn bằng súng…

Anh là một trong những quốc gia có tỷ lệ tội phạm bạo lực cao nhất trong Liên minh châu Âu. Gần 18% thanh thiếu niên tuổi từ 16 đến 24 thất nghiệp và gần một nửa số thanh niên da đen mất việc làm. Chính phủ Anh đang phải chống chọi tình hình nợ công nghiêm trọng thông qua những biện pháp mạnh tay như cắt giảm phúc lợi xã hội. Điều này có thể khiến tương lai của những thanh niên nói trên trở nên u ám hơn. Một số chuyên gia cho rằng, sẽ là thiển cận nếu cho rằng vụ bạo loạn ở Anh không liên quan cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay. Gần 1.200 người bị bắt kể từ khi bạo loạn nổ ra thứ 7 tuần trước, hầu hết là thanh niên nghèo thuộc nhiều chủng tộc ở Anh.

Các tòa án ở Anh đang làm việc mỗi ngày gần 24 tiếng để nghe mọi trường hợp tham gia bạo loạn nói về yêu sách và các nguyên nhân khiến họ bức xức. Thời gian để nghe họ trình bày rất ngắn, thậm chí nhiều người không có cơ hội trao đổi lâu với luật sư của họ. Hầu hết không được nêu tên vì họ còn quá nhỏ tuổi.

Mỗi người trẻ tuổi tham gia bạo loạn đang diễn ra ở Anh là một phần của bức tranh về một thế hệ nhiều mất mát. Một chú bé 11 tuổi từ vùng Romford, Essex là một trong số những người trẻ tuổi nhất phải ra tòa hôm 10-8. Mặc áo thể thao Adidas, chú bé này chỉ nói những lời khẳng định tên, tuổi và ngày sinh. Chú bé nhận tội trộm cắp sau khi vào cửa hàng lấy trộm một thùng đựng rác giá 50 bảng Anh. Tội trộm cắp của chú bé sẽ được xem xét ở bối cảnh khác. Trường hợp này, những lời buộc tội chú bé gây mất trật tự xã hội bằng bạo lực được xóa bỏ.

Một số luật sư bào chữa nói rằng, thân chủ của họ chủ yếu là trẻ ngoan, có ý thức chăm sóc gia đình nhưng bị cuốn hút vào bạo lực. Daniel Cavaglieri, một trong những luật sư bào chữa cho thanh niên tại tòa án quận Highbury Magistrates, nói rằng, thân chủ 17 tuổi của ông đang học nghề cơ khí và sắp ra trường. Sinh viên cơ khí này bị tố cáo là theo người anh họ đi cướp bóc tại một cửa hàng quần áo nên bị buộc tội có ý định trộm cắp.

Trường hợp khác là một chú bé Ukraine 15 tuổi theo cha nhập cư từ Đức vào Anh cách đây 3 năm sau khi người mẹ Ukraine của cậu qua đời. Các công tố viên Anh cho biết, chú bé này có tiền án trộm cắp. Trong cuộc bạo loạn lần này, chú bé ném đá, bom xăng vào đám đông người ở khu Hackney, London.

Ngày 10-8, Nhóm tình báo SITE có trụ sở ở Mỹ nói rằng, các phần tử Hồi giáo cực đoan thuộc Nhóm Jihad, nhóm kêu gọi Thánh chiến, đã gửi thông điệp qua một số mạng xã hội nổi tiếng, xúi giục những phần tử gây bạo loạn ở Anh tiếp tục gây rối. Một số diễn đàn của Jihad cung cấp đường dẫn có thể truy cập những địa chỉ liên quan nước Anh nhằm phổ biến khẩu hiệu kích động hằn thù chống chính phủ Anh. Trên diễn đàn Ansar al-Mujahedeen, các phần tử cực đoan cung cấp dữ liệu để có thể tiếp xúc qua mạng với các đội bóng đá như Manchester United, Arsenal… nhằm phổ biến khẩu hiệu tuyên truyền kích động bạo loạn.

TTXVN

Đ.P
(Theo AP)

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG