ASEAN cần phát tín hiệu mạnh về tương lai biển Đông

ASEAN cần phát tín hiệu mạnh về tương lai biển Đông
TP - “Chúng ta cần phát đi một tín hiệu mạnh đối với thế giới rằng, tương lai của biển Đông có thể dự đoán được, có thể quản lý được và là một tương lai tích cực”, Tổng thống Indonesia, ông Susilo Bambang Yudhoyono, phát biểu hôm qua.

Ngày 19-7 tại Indonesia, Tổng thống Yudhoyono khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 44 (AMM-44) bằng bài phát biểu dài gần 2.000 từ, trong đó nhấn mạnh việc thúc đẩy kiến tạo hòa bình, hợp tác và ổn định trong khu vực. Đoàn đại biểu Việt Nam dự Hội nghị AMM-44 do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm dẫn đầu.

Diễn văn khai mạc Hội nghị AMM-44 của Tổng thống Indonesia được đăng trên website chính thức của ông www. presidensby.info. Trong bài diễn văn, ông bày tỏ vui mừng khi thấy Campuchia và Thái Lan vừa nhất trí giải quyết xung đột biên giới bằng biện pháp hòa bình thông qua đối thoại, tránh để tình hình trở nên xấu hơn, trong khi tìm cách xây dựng lòng tin cho nhau.

Về tình hình biển Đông, Tổng thống Yudhoyono nói rằng, các ngoại trưởng ASEAN muốn thấy có một số tiến bộ. Tuyên bố đầu tiên về biển Đông được đưa ra năm 1992. Phải mất 10 năm sau đó, ASEAN và Trung Quốc mới ký Tuyên bố về Quy tắc ứng xử của các bên liên quan ở biển Đông (DOC). Kể từ đó đến nay, 9 năm trôi qua nhưng ASEAN và Trung Quốc vẫn chưa hoàn tất bản hướng dẫn về DOC, trong khi thực tế không cần thiết phải chậm như vậy, ông nói. Tổng thống Yudhoyono đề nghị các Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN phải đẩy mạnh nỗ lực nhằm hoàn thành phần còn lại của DOC - một văn kiện rất quan trọng để xây dựng lòng tin.

Tổng thống Yudhoyono nói rằng, ASEAN muốn hoàn tất các văn bản hướng dẫn DOC chậm trễ quá lâu bởi vì ASEAN cần tiến tới giai đoạn tiếp theo, đó là xác định các nội dung Bộ quy tắc ứng xử của các bên liên quan ở biển Đông (COC). Càng có năng lực làm được điều này, ASEAN càng có khả năng quản lý tốt hơn tình hình ở biển Đông, ông nói. Tổng thống Yudhoyono bày tỏ tin tưởng chắc chắn rằng, chẳng bao lâu nữa, ASEAN có thể bắt đầu thảo luận về một bộ qui tắc ứng xử của các bên liên quan ở biển Đông mang tầm khu vực.

Trong phần còn lại của diễn văn khai mạc, Tổng thống Yudhoyono đề cập vấn đề phi hạt nhân hóa khu vực Đông Nam Á, đẩy mạnh chống nạn buôn người, thúc đẩy kiến tạo khu vực với sự tham gia mang tính chất xây dựng của Nga, Mỹ vào Hội nghị Cấp cao Đông Á tổ chức tại Indonesia trong năm nay.

Tổng thống Indonesia còn đề cập sáng kiến cộng đồng blogger ASEAN trong thời đại Internet, việc cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân ASEAN, tạo ra sự kiết nối ASEAN có thể liên kết toàn khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Ông nói rằng, sự kết nối ASEAN phải là hội nhập khu vực và kết nối toàn cầu.

Hội nghị AMM-44 có chủ đề Cộng đồng ASEAN trong cộng đồng toàn cầu của các quốc gia, tập trung thảo luận lộ trình và các biện pháp thúc đẩy xây dựng cộng đồng ASEAN trên 3 trụ cột vào năm 2015; phát huy vai trò của ASEAN trong việc củng cố hòa bình, an ninh và ổn định khu vực cũng như trên thế giới; tăng cường khả năng phục hồi kinh tế khu vực trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang đà khôi phục sau khủng hoảng tài chính.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.