Nhật Bản tìm thấy trữ lượng lớn đất hiếm

Nhật Bản tìm thấy trữ lượng lớn đất hiếm
TP - Các nhà khoa học Nhật Bản vừa công bố đã tìm thấy trữ lượng đất hiếm khoảng 100 tỷ tấn ở dạng khoáng sản lẫn trong bùn dưới đáy Thái Bình Dương. Với phát hiện này, vị trí số 1 trong lĩnh vực khai thác đất hiếm của Trung Quốc (sản xuất 97% sản lượng đất hiếm thế giới) có thể bị thay đổi.

Tạp chí Khoa học Địa chất của Anh vừa có bài nói rằng, một nhóm nhà khoa học Nhật Bản do Phó Giáo sư Yasuhiro Kato, chuyên gia về khoa học Trái Đất của Trường Đại học Tokyo, dẫn đầu đã tìm thấy đất hiếm tại 78 vị trí dưới đáy biển. Phó Giáo sư Yasuhiro cho biết, chỉ tại diện tích 1 km2 thôi cũng có thể cho khai thác lượng đất hiếm bằng 1/5 lượng đất hiếm đang được tiêu thụ trên toàn thế giới. Tuy nhiên, đất hiếm này nằm ở độ sâu 3,5-6km. Ông cho biết, khoảng 1/3 vị trí tìm được chứa đất hiếm với thành phần kim loại yttrium. Những nơi có loại đất hiếm này thuộc vùng biển quốc tế ở phía đông và tây đảo Haiwaii. Một số điểm nằm ở phía đông đảo Tahiti trong quần đảo Ploynesia thuộc Pháp.

Trước đây, sau khi khảo sát trữ lượng đất hiếm toàn cầu, các nhà địa chất Mỹ kết luận rằng, thế giới chỉ có tổng trữ lượng đất hiếm 110 triệu tấn, chủ yếu ở Trung Quốc, Nga, các nước cộng hòa thuộc Liên Xô trước đây và Mỹ. Nguồn cung đất hiếm cho Nhật Bản bị thu hẹp hồi năm ngoái sau cuộc tranh chấp chủ quyền trên biển giữa Bắc Kinh và Tokyo. Chính phủ Malaysia đang xem xét cho phép một công ty Úc khai thác đất hiếm ở nước này, nhưng người dân địa phương phản đối vì lo ngại xảy ra ô nhiễm phóng xạ từ mỏ đất hiếm.

Gần đây, nhiều công ty khoan sâu xuống đáy Thái Bình Dương để tìm kiếm khoáng sản, trong đó có kim loại quý. Các nhà môi trường lo ngại điều đó có thể gây phương hại cho hệ sinh thái dưới biển.

Đất hiếm thường được dùng để chế tạo nam châm vĩnh cửu cho máy phát điện, đưa vào chế phẩm phân bón vi lượng, dùng làm xúc tác trong công nghệ lọc hóa dầu, xử lý môi trường, vật liệu siêu dẫn. (Wikipedia)

Nguyễn Đại Phượng
(Theo BBC)

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG