Theo báo The Times of India, bà Clinton đã kịp gọi điện cho hơn một chục lãnh đạo các nước bị nhắc đến trong các báo cáo ngoại giao của các đại sứ quán và tài liệu của Bộ Ngoại giao Mỹ. Theo lời bà Clinton, thì đề tài WikiLeaks cũng được đề cập tới trong các cuộc nói chuyện của Tổng thống Mỹ Obama với đại diện ngoại giao của các nước.
WikiLeaks bắt đầu tung lên mạng các tài liệu ngoại giao mật từ ngày 28 – 11 vừa qua. Trong các tài liệu đó có cả những đánh giá, trong nhiều trường hợp rất thiếu tế nhị, thậm chí xúc phạm, về nguyên thủ nhiều nước.
Chẳng hạn, tài liệu ngoại giao Mỹ mô tả Thủ tướng Đức Angela Merkel là “chính trị gia thiếu cách tiếp cận sáng tạo”, so sánh Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad với Hitler, ví von Tổng thống và Thủ tướng Nga với các nhân vật trong phim “Người dơi”.
Bình luận về việc này, Tổng thống Nga Medvedev nói rằng các tài liệu của ngoại giao Mỹ “cho thấy rõ nét nhất sự vô sỉ của các đánh giá và nhiều khi cả các nhận định đang nổi trội trong chính sách ngoại giao Hoa Kỳ” và nếu bộ Ngoại giao Nga có những tài liệu như vậy về Mỹ thì chắc họ sẽ “nhận được quá nhiều sự khoan khoái”.
Thủ tướng Putin trong cuộc trả lời phỏng vấn của người dẫn chương trình kênh truyền hình CNN Larry King thì nói rằng các đánh giá trên về các nhà lãnh đạo Nga là “thiếu lịch sự”.
Ngoại trưởng Clinton đã phải xin lỗi Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, do các nhà ngoại giao Mỹ trao đổi với nhau về việc dường như ông này có ý định biến đất nước thành một quốc gia Hồi giáo. Bà Clinton cũng đã phải gọi điện trao đổi với lãnh đạo các nước Pakistan, Argentina, Trung Quốc, Đức, Pháp, Anh, Afghanistan, Canada và Arập Saudi.
Trong khi đó thì hầu hết các nước bị nhắc tới trong các tài liệu ngoại giao Mỹ đều tuyên bố rằng các thông tin bị tiết lộ không ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao của họ với Mỹ.