Kình ngư Hoàng Sa
Chiều 24 tháng chạp vừa rồi, trong số 4 tàu cá ở thôn Định Tân cùng xuất hành ra Hoàng Sa đánh cá chuồn và đón Tết có tàu cá QNg 95985 TS của ngư dân Nguyễn Văn Leo.
Hỏi tên của thuyền trưởng này, những ngư dân kỳ cựu nhất của làng biển Định Tân (Bình Châu, Bình Sơn, Quảng Ngãi) đều gật đầu: “Không ai qua nổi đội tàu này”.
Thuyền trưởng Nguyễn Văn Leo, sinh năm 1975, làm ăn thành công nhất trong đoàn lưới chuồn 40 chiếc ở quần đảo Hoàng Sa. Tuy nhiên, anh vẫn chật vật với cuộc sống, trong căn nhà nhỏ cạnh bờ biển ngùn
ngụt cát.
Thành quả thu về từ những ngày "đón Tết" ở Hoàng Sa. Ảnh: Văn Chương. |
Nhớ hôm giáp Tết chuẩn bị lên thuyền ra “ăn Tết” Hoàng Sa, trời thâm u, gió thổi phần phật. Có người ngần ngại nhìn ra biển nói: “Thôi ông Leo ơi, sóng gió quá, không chừng neo lại vài bữa rồi đi cũng được”. Kéo được 7 người bạn lên tàu, bỏ Tết sau lưng để ra Hoàng Sa là điều không dễ.
Chuẩn bị xuất hành mà có người bàn lui, không khéo anh em đi bạn nhảy bờ ở lại. Vậy là cúng ông bà trên tàu xong, anh quyết định nhổ neo đi ngay. Con tàu gầm lên lao ra khơi, người vợ của anh trong bờ nhìn theo bóng dáng con tàu khuất dần trong làn mưa xuân dày đặc.
Bình thường, con tàu mở biển thường chở theo 8 ngư dân. Tuy nhiên, mở biển đi xuyên Tết ở Hoàng Sa, anh Tuấn, một ngư dân xã bên đã nài nỉ xin nghỉ một phiên để ở nhà ăn Tết với vợ con.
Nhưng, nghỉ Tết cũng là lúc ngư dân này nói lời tạm biệt đội ngư dân trên tàu 85. Bởi phiên trước, anh em đang đánh lưới ở Hoàng Sa thì gặp sóng lớn và suýt gặp nạn.
Lần đó, sóng to như ngôi nhà đội con tàu lên cao. Nhiều người hoảng loạn khi tàu sắp úp sấp. Ngư dân Trần Tuấn ôm thành ca bin la to: “Chả lẽ chết hả trời!”. Anh Tuấn là ngư dân trẻ, vừa cưới vợ xong vài ngày là xuống đi biển. Nhưng thuyền trưởng Leo đã kéo ga cho con tàu gầm lên hết cỡ và bẻ lái xoay ngang.
Các ngư dân nhào vô ca bin ôm máy Icom thảng thốt la tới cứu. Nhưng nước tràn vào tàu, con sóng lớn như chiếc búa đập vỡ toang kính, phủ ướt ca bin làm máy móc ướt nhẹp nên tắt câm. Các ngư dân hú hồn, bởi kính đâm lút vô cửa tủ nhưng chừa ông thuyền trưởng, nếu không thì lật thuyền là cái chắc.
Thức trắng giữa Hoàng Sa
Kể chuyện những ngày xuân giữa đảo Hoàng Sa, thuyền trưởng Leo lặng lẽ, nhìn xa xăm. Hoàng Sa cho anh và gia đình có cuộc sống no đủ. Tuy nhiên, nhiều cái Tết ở Hoàng Sa, anh và các ngư dân đã gặp không ít rủi ro.
Trước đó, năm 2011, không thể quên một cái Tết Tân Mão nhọc nhằn. Đài báo áp thấp nhiệt đới trôi qua, 5 ngày sau lại tiếp tục thông báo có đợt gió mùa mới.
Vậy là từ đêm 30 đến mùng 3 Tết, tất cả 8 anh em trên tàu đều thức trắng giữa Hoàng Sa. Những ngày đó, các ngư dân chỉ ăn mì tôm cầm chừng. Khi vào bờ, chỉ có nụ cười của họ là tươi mới.
Trong đợt mở biển ra Hoàng Sa ăn Tết 2012, sáng 26 tháng chạp, ngư dân thả giác lưới đầu tiên. Hì hục kéo lưới trong rét mướt, họ lắc đầu vì đánh cá ở vùng ít sóng, một mẻ lưới chỉ được ít chục rổ cá chuồn.
Vậy là thuyền trưởng Leo kéo ga cho con tàu lao ra phía ngoài quần đảo Hoàng Sa. Tại vùng này có một số đảo ngầm, biển nổi sóng dữ hơn. Những bầy cá chuồn bay là là giữa những đụn sóng cao báo hiệu tàu lọt vào luồng cá.
Bí quyết để đánh bắt cá chuồn đạt năng suất là gì? Anh Leo cho biết: “Chịu sóng to gió lớn mới đánh được cá chuồn”. Những năm trước, tàu ra khơi nghe biển động cấp 7 thì quay vào bờ. Còn với đội tàu 74, nghe biển động cấp 8 họ vẫn đạp sóng Hoàng Sa bươn ra khơi.
Thuyền trưởng Nguyễn Văn Leo - ngoài cùng bên trái - cùng những ngư dân Đội tàu 74 . |
Các ngư dân khác neo trong đảo run rẩy nhìn ra ngoài biển, còn đội tàu 74 thì vẫn băng băng ra biển đánh lưới để chở cá vào bờ.
Những ngày cầm lái con tàu đi giữa Hoàng Sa, trong lòng người thuyền trưởng luôn hiện lên hình ảnh đứa con trai bụ bẫm. Cháu Nguyễn Hoa Vinh, năm nay 7 tuổi bị mắc bệnh thận nhiễm mỡ. Tiền chữa bệnh mỗi tháng 5 triệu đồng. Vậy nên người cha phải chật vật để lo cho con.
Cuối năm 2010, chỉ trong 1 tháng, thuyền trưởng này đã cứu liên tiếp 3 tàu bị nạn trên biển. Cuối mùa cá chuồn năm 2011 đến lượt tàu anh bị gãy cốt máy trôi giữa biển.
Thuê tàu kéo vào bờ, mượn thêm tiền thay chiếc máy mới hết 200 triệu đồng. Vậy là một năm chật vật trên biển chỉ đủ bù cho con tàu. Vậy là người thuyền trưởng này tiếp tục những chuyến đi dài, đạp sóng gió Hoàng Sa để mưu sinh.
Tết ngóng ra biển
Năm 2011, tỉnh Quảng Ngãi có 10 tàu cá với hơn 100 ngư dân đang hành nghề trên quần đảo Hoàng Sa. Ở quần đảo Trường Sa có 17 tàu cá, 330 ngư dân trụ lại ăn Tết. Còn năm nay chỉ có 4 tàu cá ở Định Tân ra khơi. Chiều 12 tháng giêng, làng chài ùn ùn mở biển.
Trong ngôi nhà nhỏ, chị Nguyễn Thị Nhanh - vợ thuyền trưởng Leo dọn bữa cơm mừng chồng đi Hoàng Sa trở về đón Tết muộn. Cách đó không xa, tại nhà ngư dân Nguyễn Tiến Trung, chị Hồ Thị Minh chạy tới chạy lui thắp hương bàn thờ đặt ngoài trời.
Chồng chị đi trên tàu của ngư dân Nguyễn Văn Leo. Hằng ngày, chị lẳng lặng ra biển ngóng về phía Hoàng Sa chờ chồng. Hôm nay cũng là ngày đoàn tụ đón Tết muộn của vợ chồng anh Trung chị Minh.
Đoàn tụ với gia đình và đón xuân muộn, thuyền trưởng Leo trầm tĩnh kể: “Tụi em vừa kéo cả tạ cá chuồn lên tàu, chưa kịp muối đá và cào xuống hầm thì sóng biển phủ con tàu kéo tuột cá xuống biển trở lại. Có đêm anh em đang ngủ, một ông sóng bổ phủ ca bin, tràn vô tàu.
Vậy là anh em thức dậy vắt chăn cho khô rồi lại ngủ tiếp để lấy sức đi làm. Bình thường ra biển còn gặp tàu này tàu kia chạy tới chạy lui. Còn dịp Tết đi cả ngày cả đêm không gặp ai hết. Biển Hoàng Sa vắng ngắt…”.
Gió xuân từ biển ào ạt thổi vào làng chài Định Tân, xấp lịch treo trên tường nhà của người thuyền trưởng phát ra âm thanh lật phật, phá tan tĩnh lặng. Tờ lịch vừa được xé đến ngày 12 tháng giêng đánh dấu cái ngày anh và các ngư dân quây quần bên gia đình đón xuân muộn.
Ngày xuân, 4 con tàu lạc lõng giữa biển trời Hoàng Sa trong sóng gió. Sang xuân, tàu anh Leo chở 8 tấn cá chuồn về bến bán được 240 triệu đồng.
Không ngủ được, vì sóng phủ trên đầu xuống. Cabin và chăn màn ướt như ngoài trời, anh em ngư dân mỗi người ngồi bó gối một góc cabin, gục đầu xuống gối mơ được ăn bữa cơm nóng với gia đình” - Một ngư dân Hoàng Sa |