Vợ lính Trường Sa

Vợ lính Trường Sa
TP - Một mình nuôi dạy con, chăm sóc cha mẹ, hi sinh, đợi chờ... nhưng ở họ luôn toát lên niềm tự hào rất riêng mà chỉ vợ lính Trường Sa mới có! Xuân này, nhiều người trong số họ lại thêm một cái Tết vắng chồng.

> Cận Tết ghi ở đảo xa

Nghiện thư

Hơn 10 năm làm vợ lính Trường Sa, với chị Trần Thị Yến (SN 1976 - ở xã Đại Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình), điều mà chị mong chờ nhất là dòng tin nhắn từ chồng “tau da cap ben” (tàu đã cập bến).

Không mong chờ sao được, khi tin nhắn ấy cho biết người chồng yêu quý của chị đã an toàn cập bến và trên hết là giây phút hạnh ngộ sau bao ngày xa cách.

Chị và chồng quen và yêu nhau rồi thành vợ chồng cũng trong một lần tàu cập bến. Hồi đó, cô gái trẻ Trần Thị Yến trong một lần cùng các bạn gái tò mò muốn xem các chàng lính hải quân “bằng xương bằng thịt”, và như một định mệnh chị đã gặp anh Đặng Đình Đức (quê ở Nghệ An) thuộc C9, Tiểu đoàn 887, Trung đoàn E83 Hải quân trên chuyến tàu vừa cập cảng.

Làm vợ chồng hơn 10 năm, có với nhau một cậu con trai nhưng thời gian hai người sống gần nhau mỗi năm chưa đầy một tháng. Cùng với đồng đội của mình, trung úy Đặng Đình Đức suốt bốn mùa đi xây dựng các công trình phòng thủ chiến đấu thuộc quần đảo Trường Sa.

Bao nỗi niềm thương nhớ từ đất liền ra đảo và ngược lại đều nhờ những cánh thư. “Hồi trước chưa có điện thoại, cả gia đình chỉ biết đợi thư. Có những lá thư ra đi từ mùa xuân, lúc đến nơi thì mùa hạ đã sắp tàn. Mỗi lần nhận thư tự nhiên nước mắt cứ rơi không kìm được.

Thế rồi lại cặm cụi viết thư kể chuyện nhà, chuyện mẹ cha, chuyện con cái. Thư mình gửi có khi cũng lênh đênh trên biển hàng tháng trời mới đến được đảo” - chị Yến tâm sự.

Bây giờ sóng điện thoại đã nối đất liền với đảo, mỗi ngày họ có thể dễ dàng nghe tiếng chồng, tiếng vợ, tiếng con, tiếng sóng biển và cả những âm thanh cuộc sống đời thường. Nhưng có lẽ cái sự “nghiện viết thư” đã ăn vào máu thịt nên vợ chồng chị vẫn đều đặn thư từ bằng những tâm sự mộc mạc nhưng chất chứa yêu thương.

Hơn mười năm làm vợ lính, chị Yến tần tảo với ruộng vườn và dành hết tình yêu thương cho cậu con trai. Mỗi khi nhớ chồng, nhớ cha, hai mẹ con lại giở những lá thư, album ảnh cũ ra ngắm. “Anh ấy ở ngoài đảo cũng vậy, luôn dành hết tình thương yêu cho hai mẹ con!” - ánh mắt chị rạng ngời hạnh phúc khi kể chuyện nhà.

Cọc đi tìm trâu

Đảo chìm Núi Le thuộc quần đảo Trường Sa, nơi thượng úy Đặng Đình Đức và chính trị viên Lê Xuân Hải thuộc đoàn E83 Hải quân đang làm nhiệm vụ
Đảo chìm Núi Le thuộc quần đảo Trường Sa, nơi thượng úy Đặng Đình Đức và chính trị viên Lê Xuân Hải thuộc đoàn E83 Hải quân đang làm nhiệm vụ.
 

Cũng như chị Yến, chị Tưởng Thị Kim Oanh (SN 1977 - giáo viên Trường mầm non Quảng Tùng, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình) đã có gần mười năm làm vợ lính. Chồng chị là thượng úy Trần Quốc Lưu, thuộc D1 công binh vùng 4 Hải quân, đang làm nhiệm vụ ở đảo Sinh Tồn.

Hồi trước chưa có điện thoại, cả gia đình chỉ biết đợi thư. Có những lá thư ra đi từ mùa xuân, lúc đến nơi thì mùa hạ đã sắp tàn. Mỗi lần nhận thư tự nhiên nước mắt cứ rơi không kìm được.

Có dạo ba năm liên tục chồng chị không ăn tết ở nhà. Ngôi nhà nhỏ như rộng thêm khi thiếu bóng dáng của người đàn ông.

“Lâu rồi cũng quen, chứ hồi đầu mới cưới nhau, chưa có con em tưởng chừng như không trụ nổi vì sự cô đơn mỗi khi đêm về. Đặc biệt là những ngày Tết, thấy gia đình người ta quây quần bên nhau mà tủi thân vò võ một mình, đêm nằm ôm gối nhớ chồng mà nước mắt trào ra lúc nào không biết” - chị Yến tâm sự.

Cũng như bao gia đính lính biển khác, vợ chồng chị Thư chỉ biết an ủi, gắn kết nhau bằng những lá thư lênh đênh trên biển hàng tháng trời. “Bữa ni có điện thoại rồi muốn biết thông tin của nhau chỉ cần bấm máy, chứ ngày xưa là mù tịt. Nhà ở gần biển, mỗi lần biển động là trong lòng bồn chồn chẳng yên.

Vì vậy, mỗi khi anh ấy vào bờ mà chưa đến kỳ nghỉ phép là cả hai mẹ con vội vã đón xe thăm bố. Bạn bè, đồng nghiệp thấy em đi thăm chồng thường trêu “cọc đi tìm trâu”. Mà chẳng phải chỉ có riêng em, hình như đã là vợ lính, đặc biệt là lính Trường Sa thì càng phải tranh thủ mọi thời gian có thể để đi thăm chồng chứ chẳng kịp nghĩ gì chuyện cọc trâu!” - chị Yến kể trong hạnh phúc.

Vợ lính Trường Sa ảnh 2

Khác với chị Yến và chị Oanh, cô gái trẻ Tạ Thị Thu Hà (SN 1980 - Trường mầm non Đồng Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình) vợ thượng úy Lê Xuân Hải, chính trị viên đại đội 9, tiểu đoàn 887, Trung đoàn E83 Hải quân, chỉ mới làm vợ lính chưa đầy một năm.

Đến bây giờ nhiều người dân Hải Trạch vẫn chưa quên những sự cố trong chuyện cưới hỏi của Hải - Hà. Họ quen nhau tình cờ trong dịp thượng úy Hải về nghỉ phép. Đôi bên tâm đầu ý hợp, hai gia đình chọn ngày lành tháng tốt để làm đám hỏi, đám cưới và thông báo cho chú rể lúc này vẫn đang ở Trường Sa. Chú rể thông báo lịch trình cho gia đình và ở nhà mọi người yên tâm chuẩn bị.

Thế nhưng ngày đám hỏi đã qua nhưng Hải vẫn chưa có mặt ở nhà bởi biển động nên tàu không cập bến đúng lịch trình. Hai gia đình “chữa cháy” bằng cách dùng ngày cưới để làm đám hỏi và lùi đám cưới lại một
tuần sau.

“Thấy anh ấy cứ đi biền biệt, bố mẹ hai bên sợ em buồn và cũng muốn có cháu bế, thế là ra chỉ thị bọn em phải sớm sinh con. Vậy là mỗi lần tàu anh ấy cập bến là bố mẹ cứ giục em phải đi thăm chồng bằng được. Có lần vào cảng Cam Ranh thăm anh ấy được mấy ngày là phải về vì anh ấy lại nhận lệnh ra biển lại.

Khi đang đi trên xe về đến Huế, anh ấy gọi điện là được ở lại thêm mấy ngày nữa thế là em lại xuống xe bắt xe ngược trở lại. Nói thật cũng không hẳn vì bố mẹ hai bên giục mà em cũng muốn thế mà” - Hà hồn nhiên tâm sự.

Những ngày này, khi mùa xuân đang ngập ngừng trước cửa, không biết có bao nhiêu người vợ lính biển phải vò võ nhớ chồng trong những ngày Tết. Còn ba người vợ trong bài viết này hạnh phúc hơn khi cả ba ông chồng đều được phép về quê ăn Tết cùng vợ con.

Cô dâu trẻ Thu Hà không giấu giếm: “Gia đình nội ngoại giao cho em kiểu gì đợt này phải hoàn thành nhiệm vụ sản xuất công dân để năm sau ông bà có cháu ẵm bồng. Em sẽ cố gắng hoàn thành nhiệm vụ để xứng danh là vợ lính Trường Sa!” - giọng Hà tinh nghịch.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
'Xơ xác' di tích Lầu ông Hoàng ở Phan Thiết
'Xơ xác' di tích Lầu ông Hoàng ở Phan Thiết
TPO - Lầu ông Hoàng là một di tích tham quan nổi tiếng tọa lạc trên ngọn đồi tuyệt đẹp ở phường Phú Hài, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Mặc dù đã được tỉnh Bình Thuận phê duyệt chủ trương đầu tư hàng chục tỷ đồng, nhưng đến nay Lầu ông Hoàng có nhiều hạng mục bị xuống cấp, chưa được nâng cấp và trùng tu đúng mức.