> 'Triết gia' bán vé số
> Mệ Đối nhặt rác, giúp người
Đi tìm ông chủ nhiệm
Năm 1975, anh thanh niên Nguyễn Văn Trãi rời quê hương Vĩnh Hưng (Long An) đi bộ đội, hết chiến trường Campuchia rồi quay về Vĩnh Hưng. Xuất ngũ năm 1982, anh về với đồng ruộng nhiễm phèn vùng tâm trũng Đồng Tháp Mười đánh vật với nắng mưa quanh năm vẫn thiếu trước hụt sau. Bỏ quê, anh dắt vợ con phiêu dạt sang Phú Cường, huyện Tam Nông (Đồng Tháp) mua vài công đất ruộng giá rẻ để sản xuất. Vừa khai hoang, vừa mua lần lần đến nay anh có trên 10 ha đất ruộng.
Giữa trưa, sau khi điện thoại, anh trả lời rất vui: “Tui ra dốc cầu đợi”… Chẳng mấy chốc chúng tôi đã có mặt tại văn phòng HTX nằm cạnh bờ sông. Nhằm ngày cúp điện nhưng bốn bề mát mẻ, nồng nồng hương vị miệt vườn.
Cái bắt tay nồng nhiệt và hiếu khách của chủ nhiệm Hai Trãi đã xua tan đi bao mệt nhọc và nắng như đổ lửa. Anh đã mời thêm, cán bộ nông nghiệp xã Phú Cường anh Lê Văn Khen, Trưởng ấp Tân Cường anh Nguyễn Hùng Cường cùng nhau kể chuyện tam nông của HTX Tân Cường điển hình toàn quốc.
Năm 2000, HTX thành lập với 146 xã viên, góp vốn điều lệ 32 triệu đồng. Tình cờ được xã cử đi học tập về luật HTX, mấy anh em trong ấp Tân Cường đề nghị Hai Trãi đứng ra làm chủ nhiệm HTX. Anh kể lại : Sau ngày tan rã HTX thời bao cấp, nghe đến chữ HTX bà con ngại lắm. Với 10 ha ruộng, chỉ việc bơm nước, xuống giống, cày sục bùn…đã mất cả tháng trời. Năng suất từng ha lúa khác nhau do không cùng thời điểm sạ giống. Nếu tất cả đều tiến hành đồng loạt, khả năng đưa cơ giới, bơm nước, phun thuốc, phát hiện bệnh đều tiến hành đồng loạt. Nhưng phải làm trước cho bà con thấy mới tin, rồi phải công khai minh bạch mới được. Đêm ngày mấy thành viên trong Ban Chủ nhiệm suy nghĩ, học tập cách làm, cách ứng dụng KHKT vào đồng ruộng từng công đoạn theo mô hình khép kín.
Ra tận bờ ruộng mà quản lý, ứng dụng, xắn quần lội sình đào vét kinh mương, trang sửa mặt ruộng bằng phẳng để cơ giới hóa…Vậy mà thoắt cái, 11 năm rồi.
Nông thôn nhiều nơi thiếu lao động nghiêm trọng, nhưng ở Tân Cường không hề có chuyện đó. Ngay trong ấp, Công ty Hoàng Long xây dựng khu nhà máy chế biến thủy sản thu hút hầu hết lao động phổ thông trong vùng. Việc đồng áng bây giờ là máy móc, cơ giới từ khâu cày xới, sạ giống, phun thuốc, gặt đập, phơi sấy, bảo quản sau thu hoạch. Trưởng ấp Nguyễn Hùng Cường cho biết: Tệ nạn xã hội giảm, học sinh bỏ học tỷ lệ rất thấp, kinh tế gia đình người nông dân khá lên từng ngày.
Vừa qua, Liên minh HTX và tỉnh Đồng Tháp đề cử Hai Trãi đi dự Đại hội thi đua toàn quốc tại Hà Nội.
Hợp tác xã hiện đại “bốn nhà”
Đúc kết nhiều kinh nghiệm và tích lũy nhiều năm, liên tục các vụ mùa bội thu, năng suất cao, chất lượng lúa cải thiện không ngừng, HTX Tân Cường đã có 219 xã viên và 600 ha diện tích. Vốn lưu động năm 2010 đạt trên 5,5 tỷ đồng.
Vụ đông xuân 2010-2011 là vụ đầu tiên cánh đồng sản xuất theo hướng hiện đại đã gắn kết được 4 nhà (Nhà nước - Nhà nông - Nhà khoa học - Nhà doanh nghiệp). Các công ty và doanh nghiệp hỗ trợ đầu vào và bao tiêu đầu ra nên nông dân rất an tâm. Ngoài ra, nông dân còn được nâng cao kiến thức, vốn hiểu biết, kỹ năng trong sản xuất lúa hàng hoá để quen dần trong làm ăn hợp tác, liên kết trong sản xuất hàng hóa tạo ra lượng hàng hoá lớn, chất lượng cao phù hợp thị trường trong và ngoài nước.
HTX chỉ sử dụng một giống lúa Jasmine 85 cấp xác nhận, đã tạo được vùng sản xuất lúa tập trung thu hút các công ty, doanh nghiệp đầu tư và bao tiêu sản phẩm. Lượng giống gieo sạ từ 80-120 kg, cánh đồng sử dụng công thức phân bón: 98,8-56,3-68 tương ứng với lượng phân 121 kg URE, 102 kg DAP, 30 kg NPK (16-16-8), 111 kg TE2 Bình Điền và 73 kg KCl.
Anh Nguyễn Văn Trãi . |
Cty CP Dịch vụ BVTV An Giang đã thực hiện chương trình “cùng nông dân ra đồng”, tổ chức thăm đồng thường xuyên, điều tra hệ sinh thái đồng ruộng và đưa ra biện pháp xử lý và phòng trừ hiệu quả với tổng chi phí là 3.346.600 đồng/ha/7 lần phun.
Chủ nhiệm Hai Trãi cho biết : mỗi ha lúa áp dụng KHKT hiện nay lãi từ 23 đến 25 triệu đồng. HTX hiện đang hoạt động với 5 loại hình dịch vụ: bơm tưới, tiêu phục vụ sản xuất lúa, tín dụng nội bộ, cung cấp nước sinh hoạt nông thôn, cơ giới hóa trong và sau thu hoạch, sản xuất lúa giống và tiêu thụ lúa hàng hóa.
Dự định, từ năm 2013-2015, toàn xã Phú Cường sẽ HTX hóa 100%. Mô hình HTX Tân Cường sẽ là mô hình nhân rộng không chỉ ở Tam Nông mà cả tỉnh Đồng Tháp và nhiều nơi khác. Bí thư Huyện ủy Tam Nông Nguyễn Văn Công rất tự hào cho biết trong nay mai, HTX có thêm Cty CP Nông nghiệp, đầu tư thêm máy móc bảo đảm khép kín chu trình sản xuất lúa từ khi làm đất sạ giống, đến bảo quản lúa thương phẩm, hàng hóa.