> Tiếng ru từ Bình Minh
> Niêu cá kho làng Vũ Đại
> 'Có anh Ba Hưng, vốn thiệt nông dân'
Những con số kỷ lục
Anh Phú, Phó giám đốc Cty Quản lý và Kinh doanh chợ Bình Điền nói: “Diện tích mặt bằng chợ Bình Điền 65ha. Giai đoạn một đã đầu tư 450 tỷ đồng, giai đoạn hai dự kiến 2.000 tỷ đồng”. Hỏi anh: “Vì sao có loại siêu chợ thế này?” Câu trả lời là thành phố tám triệu dân, đông đúc, phải di dời nhiều chợ đêm trong nội thành, dồn ra ngoại thành. Chợ đầu mối của thành phố cũng phải hoành tráng, đáp ứng yêu cầu mua bán của các vùng miền Tây, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, dồn về.
Thống kê của cơ quan chức năng cho thấy mỗi ngày đêm (mà chủ yếu là trong đêm) chợ đầu mối Bình Điền TPHCM buôn bán đi 1.700 - 1.750 tấn hàng hóa (đa phần là hàng tươi, sống!). Thủy hải sản 700 tấn, rau củ quả 700 tấn, thịt 200 tấn, trái cây 100 tấn… Doanh thu của chợ cũng là kỷ lục: 65-70 tỷ đồng/đêm.
Lần đầu tiên theo người bán cá tới chợ đêm Bình Điền tôi đã không thể tin vào mắt mình. Khi thành phố đang chìm trong giấc ngủ, nơi đây 3.000 lượt xe chuyên chở hàng hóa chen chúc vào ra, không ngừng nghỉ. Người đi chợ thì đông đếm không xuể, có lẽ từ hai vạn đến hai vạn rưỡi lượt người ra vào chợ mỗi đêm.
Họ làm đủ thứ việc có tên và không tên: mua bán, vận chuyển, bốc xếp, phục vụ ăn uống, bảo vệ, trông xe, trông hàng, kế toán, bán thuốc Tây, con đi tìm mẹ, những kẻ mệt quá, ngủ khắp các ngóc ngách không biết là làm nghề gì.
Số người làm việc cố định của 1.500 vựa (như sạp, quầy ngoài Bắc), mỗi vựa chỉ tính tối thiểu 5 người làm thôi, đã là 7.500 người. Khách quen, chủ cũ, dân tứ xứ. Người Đà Lạt xuống bán rau, mua cá. Người Cà Mau lên bán cá, mua rau. Chợ càng về sáng càng ầm ào, tiếng xe, tiếng nước, gọi quát, bắt lũ trộm cá, canh chừng kẻ đổi hàng. Không ngừng, không nghỉ. Đội bảo vệ hơn trăm người, chốt công an, từ phường đến cấp quận.
Hàng nghìn ly phê được bán ra. Người ta đã xây một khu vực ăn uống bề thế, đẹp đẽ, chẳng kém khu du lịch. Nhưng chẳng ai đủ thời giờ để chạy ra ngồi nhâm nhi. Mọc lên hàng loạt những quán cà phê dù, sát bên vựa cá. “Ới” một tiếng, “có ngay!”.
Giàu nhanh, nghèo nhanh
"Bọn trẻ con 15 tuổi trở lại, chừng cả trăm đứa. Nhiều đứa bỏ học sớm quá, sau này lớn lên rồi sẽ sống ra sao? Cuộc đời ở nơi này, muốn tốt không khó - nhưng muốn xấu cũng rất mau!”. |
Người ở chợ Bình Điền nói: “Không đâu phân hóa giàu nghèo nhanh như chợ chúng tôi”. Thành công có năm bảy vựa, người thất bại thành kẻ làm thuê. Người giàu có, con đi học nước ngoài, kẻ làm thuê, con mù chữ.
Số là, khi giải tỏa các chợ đêm kéo về đây, Bình Điền như một vùng quê mới, mọi người đều bình đẳng. Họ được ưu đãi khá nhiều. Mỗi vựa có diện tích 45-50m2. Người trong diện chính sách di dời được thuê 10m2 với giá chỉ 5,5 triệu đồng/m2 cho thời gian là 50 năm. Diện tích còn lại thuê giá 11 triệu đồng/m2 cho 50 năm. Chia đều. Nhưng rồi, dần dà theo thời gian, giữ được một vựa hàng là một giấc mơ dài.
Chị Hồng, một người buôn bán ở chợ nói: “Khi chưa giải tỏa, chúng tôi buôn bán tại nhà, không thuê mượn ai nên mới có chút lãi. Giờ ra tới đây, cách nhà cũ hơn chục cây số, nhà thuê, người thuê, mặt bằng thuê… ai nhiều vốn mới cầm cự được”. Mẹ con chị đã tiêu hết tiền đền bù giải tỏa, giờ chị đi làm công cho các vựa để nuôi gia đình. Chị nói: “Chúng tôi còn biết làm gì để sống đây?”. Cô Tư bán cà phê thì nói: “Sức tôi đã kiệt, làm thuê cũng không nổi”.
Trong chợ có 1.300 thương nhân. Họ là các chủ vựa. Những ông chủ, bà chủ giỏi thức đêm. Một chủ vựa nói: “Thuyền to, sóng lớn. Có vựa mỗi tháng tốn 45 triệu đồng tiền nước. Tiền điện cũng gần bằng thế. Làm có lãi không dễ đâu. Vựa chúng tôi nhỏ, mỗi tháng chỉ tốn chục triệu tiền điện, chục triệu tiền nước. Nhưng bán ra ít, thì lãi ít”. Nhân công thuê chừng 200 ngàn đồng một đêm, có vựa cần tới 90 người, có vựa thuê 55 người.
Vợ chồng chủ vựa, nói tiếng Bắc, nói với tôi: “Mỗi ký cá chúng tôi chỉ lời ngàn rưỡi, hai ngàn thôi. Rủi ro thì nhiều. Gần sáng, cá mà chết, lỗ hơn nửa vốn. Nhưng, người ta mua cá chúng tôi, bán đến tay người tiêu dùng, giá cao hơn so với giá chợ Bình Điền 30%”.
Sau khi nghỉ hưu ngành giáo dục, chú Mười làm thuê trong chợ đêm đã 8 năm. |
Thầy - trò gặp lại
Người ở chợ gọi chú là chú Mười. Chú đi làm thuê trong chợ đã lâu. Việc gì chú cũng làm, miễn có tiền. Một hôm trong chợ, người ta thấy có đám thanh niên đến chào thầy, chào thầy, họ mới biết cái ông đi làm thuê này vốn là hiệu trưởng.
Chú Mười tên thật là Thanh, nguyên hiệu trưởng một trường cấp hai của tỉnh Tiền Giang. Chú nói: “Học trò tui ở chợ này mấy chục đứa. Chúng nó ngoan”.
Năm 1977, chú xung phong đi bộ đội, bị thương. Quay về quê, chú được mời đi dạy, dẹp loạn đám côn đồ quấy phá trường. Chú là bí thư đoàn trường, sau lên hiệu phó, rồi hiệu trưởng. Chú Mười kể đã được đi thăm Lăng Bác: “Lúc đó miền Bắc khổ lắm, tôi nhìn miền Bắc tôi thương”.
Chú Mười đi làm thuê cho các vựa. Ban ngày trông vựa, ban đêm trông hàng cho khách. Mỗi tháng chú kiếm được 4 triệu đồng gửi về nhà. Nhưng có khi người ta gửi tôm cá mới mua, loáng cái, đã bị kẻ gian tráo đổi. Khách mở túi ra thấy toàn vỏ chôm chôm. Chú buồn. Nhưng chú vẫn quan tâm đến đám học trò: “Chúng ăn cơm ở chợ, tắm trong nhà vệ sinh mỗi lần mất mấy ngàn đồng. Ban ngày thuê võng ngủ, tốn cả chục ngàn. Chập chờn thế thôi. Tối đến giật mình thức dậy, lao vào làm”.
Chú Mười thương nhất đám trẻ con. Chúng theo chân bố mẹ, ngày ngủ, đêm thức. “Bọn trẻ con 15 tuổi trở lại, chừng cả trăm đứa. Nhiều đứa bỏ học sớm quá, sau này lớn lên rồi sẽ sống ra sao. Cuộc đời ở nơi này, muốn tốt không khó - thở dài, chú nói - nhưng muốn xấu cũng rất mau!”.
Hai ước mơ
Theo chủ trương của TPHCM, 10 chợ đêm đầu mối, vốn từng diễn ra nhiều hoạt động bảo kê, tội phạm, ức hiếp người yếu thế, mất an ninh trật tự, ảnh hưởng mỹ quan đô thị, ô nhiễm môi trường, đã được di dời đến 3 chợ đầu mối mới là chợ Tân Bình (20ha), chợ Tân Xuân (10ha), chợ Bình Điền (65ha). Bình Điền là một mô hình thành công nhất. Thời kinh tế khó khăn, xây chợ lên, chắc gì đã có người tới bán buôn. Riêng Bình Điền, liên tục mở rộng.
Người dân bình thường không thích gì hơn một cuộc sống bình yên, an toàn. Lãnh đạo ban quản lý chợ nói: “Bình Điền giờ không có các băng nhóm bảo kê. 1.500 nhân viên bốc xếp đều có bảo hiểm, ba tháng một lần kiểm tra xem có hút chích gì không. Người làm công các vựa phải lên lăn tay, đề phòng tội phạm trà trộn vào”. An ninh khá hơn các chợ cũ rất nhiều, tuy vậy thi thoảng đâu đó vẫn còn xảy ra chuyện nọ chuyện kia. “Có xe tải, chẳng biết cố tình hay sơ ý, đâm vào mấy bà bán rau”. Mọi người nói với tôi, giọng buồn buồn.
Trong chợ đang triển khai chương trình tuyên truyền bảo vệ biển đảo, tất cả vì Trường Sa, Hoàng Sa thân yêu. Mọi người đều bàn tán, xôn xao, thể hiện tinh thần quyết tâm của mình.
Tôi được biết: “Chợ có phòng khám đấy. Nhưng chẳng bác sĩ nào thức nổi ban đêm như dân Bình Điền. Ban đêm phòng khám đóng cửa”. Bảo hiểm y tế chẳng được mấy người.
Mùa mưa tầm tã. Vùng ngoại thành nước ngập lầy lội. 25.000 dân qua lại chợ Bình Điền, ăn ngủ ra sao? Anh Phú nói: “Chúng tôi được đặt vấn đề quản lý chợ chứ có quản lý nhà trọ đâu. Chúng tôi nghĩ đến chuyện này rồi. Chợ sẽ tồn tại lâu dài chứ không phải chợ tạm như trước kia. Nhưng quỹ đất nay eo hẹp quá. Xây nhà trọ cho dân chợ đêm chúng tôi không phải chuyện dễ dàng”.
Tháng 8 - 2011