Tiếng ru từ Bình Minh

Bé Xòe ốm yếu, bệnh tật được tổ ấm Bình Minh đưa về ngày nào, giờ đã kháu khỉnh, xinh xắn. Ảnh: Ngọc Văn
Bé Xòe ốm yếu, bệnh tật được tổ ấm Bình Minh đưa về ngày nào, giờ đã kháu khỉnh, xinh xắn. Ảnh: Ngọc Văn
TP - Một mái ấm tình thương tại thị trấn Thuận An, tỉnh TT-Huế gần 20 năm nay cưu mang chăm dưỡng 500 trẻ bị bỏ rơi khi còn chưa kịp cắt cuống rốn. Các bà mẹ ở đó chưa một lần mang nặng đẻ đau.
Bé Xòe ốm yếu, bệnh tật được tổ ấm Bình Minh đưa về ngày nào, giờ đã kháu khỉnh, xinh xắn. Ảnh: Ngọc Văn
Bé Xòe ốm yếu, bệnh tật được tổ ấm Bình Minh đưa về ngày nào, giờ đã kháu khỉnh, xinh xắn. Ảnh: Ngọc Văn.
 

Ấm áp Bình Minh

Tôi đã vào đến tận sân ngôi nhà nhỏ cũ màu phớt rêu mà cứ ngỡ nhầm địa chỉ. Nó giống một mái ấm gia đình hơn là trại trẻ mồ côi như từng được nghe kể. Trưa vắng. Bên trong vẳng tiếng ru con à ơi dỗ dành êm ái. Vẫn có chút ngập ngừng hồ nghi, dẫu ngay từ lúc còn ở đầu con đường bê tông hun hút dẫn vào vùng Tân Mỹ (Thuận An), chị bán tạp hóa cạnh cái cổng làng sừng sững cứ nhắc đi nhắc lại: “Nhớ nghe. Vô trong đó, cậu cứ để ý cái nhà cũ mô bên tay phải có nhiều tiếng trẻ sơ sinh khóc hoặc tiếng ru con, thì đúng là nó”.

Một phụ nữ trung niên tay cầm nắm tã lót của trẻ nhỏ từ ngôi nhà cũ bước vội ra chào khách và xác nhận địa chỉ tôi cần tìm. Bên trong có những vành nôi đong đưa. Những đứa trẻ mới sinh cuộn mình cun củn thiêm thiếp trong chăn mỏng tinh tươm, rồi mấy cái tên Hiệp, Lành, Bình Minh bỗng gợi trong tôi một cảm giác thật yên ủi và hy vọng.

Bình Minh là tên ngôi nhà chuyên cưu mang trẻ mồ côi. Còn Hiệp, Lành là hai phụ nữ đơn thân đã nhiều năm gửi gắm tuổi xuân vào mái ấm này. Chị Nguyễn Thị Lành người Hương Thủy, 50 tuổi, từng là cô giáo mầm non. Còn chị Đặng Thị Hiệp đã ở tuổi 54, người thành phố Huế, cũng có nhiều năm gõ đầu trẻ kiếm sống.

Trên bức tường xỉn màu gắn tấm biển “Tổ ấm Bình Minh” ghi năm khởi tạo 1992. Thấm thoắt thế mà đã 19 năm. Khoảng thời gian đủ để lứa trẻ mồ côi đầu tiên được chở che cưu mang nơi mái ấm yên bình này trở thành người lớn.

Mốc ra đời mái ấm Bình Minh là vậy, nhưng câu chuyện mà chị bảo mẫu Nguyễn Thị Lành đang kể còn xa hơn thế, về một đứa trẻ sơ sinh được phát hiện bên cạnh đống rác thải của vùng quê Thuận An vào một ngày lạnh lẽo hơn 20 năm trước.

…Thời đó vừa xóa bao cấp, cái ăn cái mặc còn khó khăn. Buổi khốn khó là vậy, nhưng vẫn có một nhóm phụ nữ thiện nguyện người Thuận An chuyền tay chăm bẵm một đứa trẻ bị bỏ rơi nơi đầu đường xó chợ. Họ chắt chiu từng giọt sữa mẹ buổi đói khát, vốn dành cho con mình, để cứu lấy đứa trẻ côi cút xa lạ kia.

Đứa trẻ do người dân địa phương tình cờ nhặt từ đống rác, được một người tu hành bên Công giáo đưa về cưu mang và nhờ dân trong vùng giúp đỡ. Khi dần cứng cáp, đứa bé được giao cho nhóm chị em chưa lập gia đình chăm dưỡng. Rồi những đứa trẻ bị bỏ rơi từ nhiều nơi như bệnh viện, lùm cây, gầm cầu, công viên, bãi rác cũng được bế về đây.

Nhóm còn đứng ra cưu mang nhiều bà mẹ trẻ lỡ dại, khuyên nhủ họ giữ lại cái thai. Tiếng lành bay xa, lượng trẻ sơ sinh mồ côi được gửi gắm về ngày càng nhiều.

Duyên do ra đời tổ ấm Bình Minh là thế, do nhà hảo tâm tại địa phương đứng ra tạo lập kết hợp sự trợ giúp của Ban Bác ái xã hội Giáo phận Huế. Được dăm ba năm, tổ ấm dời về vùng Lương Văn sau khi những chị em thiện nguyện ngày nào ở đất Thuận An không thể đảm nhận tiếp công việc bởi nhiều lý do như sức khỏe, phải đi lấy chồng, hoặc lo phụng dưỡng cha mẹ già.

Năm 1997, chị Hiệp rời thành phố Huế, nghỉ dạy học để tự nguyện đến với tổ ấm Bình Minh. Mái ấm lại chuyển về chốn xưa ở thôn Tân Mỹ. Mấy năm sau, chị Lành cũng về đây sau lần tình cờ ghé thăm mái ấm. Họ làm việc không lương…

Bé Mèo tưởng chừng không sống nổi khi mới nhận về, nay đã khỏe mạnh hồng hào
Bé Mèo tưởng chừng không sống nổi khi mới nhận về, nay đã khỏe mạnh hồng hào .
 

Mẹ hiền có trăm con

Câu chuyện với bảo mẫu Nguyễn Thị Lành tạm gián đoạn bởi tiếng khóc của một bé gái. “Úi ui… Bé Mèo của dì ngoan mà, luôn nghe lời dì mà”, chị Lành dỗ dành đứa trẻ. Mỗi đứa bé khi về đây đều mang theo một câu chuyện trắc ẩn hoặc khó nuôi, oài oặt. Như bé Mèo, khi đưa về, do sinh thiếu tháng lại bị viêm phổi, mềm sụn thanh quản, chỉ cân nặng 0,8kg, xo ro như chú mèo con nên có tên là Mèo.

Lúc đầu có người nghĩ bé khó sống nổi. Thế mà Mèo giờ đã tăng được 3 cân. Cạnh Mèo là bé Xòe 3 tháng tuổi trông rất kháu khỉnh. Chân phải của bé vốn bị tật, xòe sang một bên, nghe đâu là hậu quả phá thai bất thành của một bà mẹ trẻ, nên có tên như vậy. Một bé trai mắc chứng về hô hấp suốt đêm ngày cứ hay khụt khịt, nên có tên là cu Khịt. Khỏe mạnh nhất trong nhóm là bé Sao, với đôi mắt sáng.

Rồi cu Thừa có tổng cộng 26 ngón chân, ngón tay. Cách đây chưa lâu, hai chị tiếp nhận một cháu bé trong tình trạng tím tái, bị côn trùng cắn đốt khắp người từ một bác chạy xe ôm. Bé được nhặt từ vườn hoa công viên, nên bé mang tên là Lượm.

Mỗi cái tên “cúng cơm” của bé cũng gắn với từng nỗi vất vả của hai bà mẹ chưa một lần mang nặng đẻ đau. Hầu hết trẻ bị bỏ rơi khi đưa về đây đều có bệnh, do hậu quả từ lối sống buông thả, hoan lạc của những ông bố bà mẹ trẻ. Nhẹ thì viêm đường hô hấp, thiếu cân, suy dinh dưỡng. Nặng thì bị viêm não úng thủy, mất khả năng đề kháng, bị sinh non, thiểu năng trí tuệ…

Cả chị Hiệp lẫn chị Lành vẫn nhớ cái lần lên Huế chăm cháu bé bị tiêu chảy, suy dinh dưỡng, mất đề kháng chỉ còn da bọc xương ở một bệnh viện. Bố mẹ bé chỉ mới 13, 14 tuổi. Mấy tháng ròng, hai chị thay nhau đổi ca trực ở bệnh viện để lo chạy chữa cho cháu. Ban đầu, người của bệnh viện tưởng họ là bà ngoại hoặc bà nội cháu bé. Sau hiểu sự tình, bệnh viện tạo thêm nhiều điều kiện tốt cho cháu.

Tổ ấm Bình Minh qua gần 20 năm đã cưu mang hơn 500 trẻ sơ sinh bị bỏ rơi
Tổ ấm Bình Minh qua gần 20 năm đã cưu mang hơn 500 trẻ sơ sinh bị bỏ rơi .
 

“Mỗi lần vào phòng làm vệ sinh cho bé, nghe nó khóc, nhìn nó tím tái phù nề, tôi cũng khóc theo. Sau này bé được cứu chữa lành lặn, tui cũng bật khóc. Khóc vì một sinh linh đã được níu giữ lại với đời”. Việc các chị trắng đêm thức chăm trẻ ốm giờ đã quá đỗi bình thường. Nhiều đận, nửa đêm vừa thiu thiu chợp mắt bỗng có bé trở bệnh nặng, hai chị cắt cử nhau chân cao chân thấp vác chúng lên trạm xá.

Chợt nhớ lần nghe chị Lê Thị Hồng (người Thuận An) kể: “Cậu thử sang đó mà coi. Tui cũng làm mẹ nên rất hiểu. Nuôi một đứa con khỏe khoắn đã thấy mệt. Nó đau ốm hai hôm là phờ rạc người, lơ cả cơm. Đằng này, hai chị chưa một lần sinh nở, thiếu kinh nghiệm làm mẹ, những đứa trẻ mồ côi kia lại rất hay ốm đau lúc mới đưa về, rứa mà các chị vẫn vượt qua được.

Năm 1997, chị Hiệp rời thành phố Huế, nghỉ dạy học để tự nguyện đến với tổ ấm Bình Minh. Mái ấm lại chuyển về chốn xưa ở thôn Tân Mỹ. Mấy năm sau, chị Lành cũng về đây sau lần tình cờ ghé thăm mái ấm. Họ làm việc không lương…

Có điều lạ, đứa mô có ốm yếu bệnh tật kiểu chi mà vô tay mấy chị là khỏe lên ù ù!”. Dạo trước có việc hay ngang qua tổ ấm Bình Minh, chị Hồng từng nhầm đây là nhà mẫu giáo nên mang cháu nội đến gửi.

Vừa tiếp chuyện chúng tôi, chị Lành tất tả xuống bếp nhóm củi nấu cơm trưa cho các đứa lớn sắp đi học về, chốc chốc lại sang chỗ mấy chiếc nôi phe phẩy quạt nan. Từ sáng đến giờ vùng Thuận An bị cúp điện. Chị Hiệp đi công chuyện tận Quảng Trị. Phụ bếp và chăm em giúp chị Lành còn có một cậu thanh niên chừng hai mươi tuổi.

“Đó là cháu Nguyễn Ngọc Sơn, gia đình đặc biệt khó khăn nên tổ ấm nhận nuôi ăn học từ hơn chục năm nay, hiện là sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm TT-Huế”, chị Lành nói. Ngoài Sơn, mái ấm đang nuôi 3 cháu lớn khác. Trong số này có cháu Lê Nguyên Khôi đã hai lần mồ côi. Lúc mới chào đời, Khôi bị bỏ rơi, sau được một bà mẹ luống tuổi ở Đà Nẵng nhận làm con nuôi.

Được vài năm, mẹ nuôi Khôi mất do lâm trọng bệnh. Giờ Khôi quay lại bấu víu các mẹ ở mái ấm Bình Minh. “Kinh nghiệm từ chuyện này, về sau, khi quyết định cho con nuôi, tổ ấm luôn rà soát kỹ tuổi tác của những người xin. Nếu lớn tuổi là nhất định từ chối”, chị Lành cho biết.

Thường thì những trẻ sơ sinh mồ côi ở tổ ấm Bình Minh được nuôi dưỡng vài tháng, chậm nhất là một hai năm (nếu do đau ốm) thì được các gia đình hiếm muộn đến làm thủ tục nhận con nuôi. “Để tránh nguy cơ trẻ bị lạm dụng, bị buôn bán, trước khi cho làm con nuôi, tổ ấm và những người có trách nhiệm luôn xác minh rất kỹ về đạo đức, nhân thân của người xin.

Mỗi năm, nơi đây tiếp nhận từ 30-50 cháu bị bỏ rơi khi còn chưa kịp cắt cuống rún (rốn). Rồi chúng lần lượt về làm con nuôi người ta. Bao ngày bế ẵm hun hít, mỗi lần chia tay từng đứa, chị em tôi vui buồn lẫn lộn”, chị Lành tâm sự.

Đã đến giờ mấy cháu lớn ăn trưa, quay xe ra về thì có tiếng chị Lành gọi vóng đằng sau: “Nhớ có vài dòng nhắn nhủ các bạn trẻ hư, là hãy bỏ lối sống buông thả, biết quý giọt máu của mình và đừng bao giờ chối bỏ chúng. Tội nghiệp lắm!”. Lặng đi chốc lát, sau lưng tôi lại vẳng lên tiếng à ơi tha thiết.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG