Máy bay lạc vào vùng trời Việt Nam
Đây là những câu chuyện thâm cung, được Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) thống kê trong 6 tháng qua. Ngày 11-2, chuyến bay mang số hiệu BL 594 (loại máy bay Boeing 737) của Jetstar Pacific (JP) hành trình Tân Sơn Nhất-Đà Nẵng đã thực hiện tiếp cận hụt và sau đó tiếp cận lần 2 để vào hạ cánh do đài tín hiệu sân bay Đà Nẵng không ổn định. Vài tháng sau, một chuyện lạ đã xảy ra trên vùng trời Việt Nam. Ngày 8-4, một máy bay Airbus 320 đang bay từ Phu Kẹt (Thái Lan) đi Côn Minh (Trung Quốc) và một chiếc Boeing 737 từ Singapore đi Côn Minh của Trung Quốc đã bay vào vùng trời Việt Nam tại khu vực Lai Châu để tránh thời tiết xấu. Không những thế, ngày 19-4, một chuyến bay của Hồng Kông (Trung Quốc) hành trình Băng Cốc-Hồng Kông bỗng dưng quá cảnh đường bay (Fir) Hà Nội nhưng không thiết lập liên lạc với cơ quan chức năng ở mặt đất. Phòng Quản lý Hoạt động bay của Cục HKVN đã có thư yêu cầu hãng làm rõ sự việc và có biện pháp xử lý tổ lái.
Chuyện hành khách dọa bom vẫn liên tục xảy ra đầu tháng 7. Ngày 9-7 vừa qua, khi máy bay của Vietnam Airlines (số hiệu VN1365) có hành trình Hà Nội-Đà Lạt chuẩn bị lăn bánh ra đường băng, bỗng dưng hành khách Hồ Thị Thanh Tuyền (sinh năm 1987, trú tại TP Đà Lạt) số ghế 15C nói với tiếp viên trong hành lý có bom. Chuyến bay đã bị chậm 3 tiếng để làm các thủ tục an ninh cần thiết. Trước đó, ngày 3-7, tại sân bay Vinh, chuyến bay VN1263 đang làm thủ tục bay đi TPHCM, hành khách Võ Thanh Phong (phường 2, thị xã Tây Ninh) đi qua cổng từ, đang được nhân viên an ninh kiểm tra thì thốt lên: “Đụng người tôi coi chừng nổ”. Vị khách dại miệng này sau đó đã bị thanh tra hàng không phạt 12 triệu đồng và cấm bay 6 tháng.
Ngày 2-7, lúc 17h13, nhân viên quầy giải đáp thông tin Lê Thị Kim Hoa (sân bay Nội Bài) nhận được cuộc điện thoại: “Chuyến bay vừa cất cánh có bom”. Tiếp đến, lúc 17h15, cuộc gọi thứ 2: “Chuyến bay vừa cất cánh có bom ở chân máy bay nhé”. Cả 2 cuộc gọi đều của một nam giới trung niên, nói giọng Bắc. Cơ quan chức năng đang tiến hành điều tra vụ việc này. Kỳ cục nhất, ngày 7-3, khoảng 10h30, tổng đài Văn phòng khu vực miền Bắc nhận được cuộc gọi từ số điện thoại di động của một người lạ: “Trung Quốc chuẩn bị đánh bom Vietnam Airlines”. Nhân viên văn phòng hỏi lại người này lấy thông tin từ đâu, được trả lời: “Đi mà hỏi Bin Laden”. Công an vào cuộc, tìm ra thủ phạm là Trần Anh Dũng bị bệnh hoang tưởng, sinh năm 1981, trú tại Thôn 3, Sóc Đăng, Đoan Hùng (Phú Thọ).
Ảnh: Hồng Vĩnh. |
Xảo trá, côn đồ
Cảng hàng không miền Nam cho biết từng phát hiện và tạm giữ 4 đối tượng trèo qua tường rào vào sân bay (giáp ranh nhà trọ số 88/547 Nguyễn Văn Công-TPHCM). Đây là điển hình của 35 trường hợp bị phát hiện vi phạm khu vực vành đai và sân đậu tàu bay. Theo Tổng Cty Quản lý bay Việt Nam, có 2 vụ việc xâm phạm đường cất hạ cánh trong sân bay khiến phi hành đoàn thót tim. Ngày 29-6, chuyến bay của VNA từ TPHCM chuẩn bị hạ cánh sân bay Phú Quốc, bỗng kiểm soát viên không lưu phát hiện có một người chạy cắt ngang đường băng (tại vị trí gác số 4).
Chiếc máy bay ATR phải bay lại và hạ cánh muộn hơn so với giờ quy định. Tương tự tại sân bay Chu Lai, ngày 25-5, máy bay của VNA bay từ Nội Bài-Chu Lai chuẩn bị hạ cánh thì an ninh phát hiện một người đi thơ thẩn dọc đường băng. An ninh đã bắt giữ người này kịp thời và máy bay hạ cánh an toàn.
Ngoài ra, Trung tâm An ninh hàng không Tân Sơn Nhất còn phát hiện nhiều trường hợp mang vũ khí trong hành lý. Ngày 11-4, hành khách Lu Chun Hsien (sinh năm 1977), người Đài Loan, mang theo 1 khẩu súng quân dụng Colt 45 cùng hộp tiếp đạn (không có đạn). Hai tháng trước đó, trong khi soi chiếu, an ninh phát hiện hành khách Kevin Thanh (quốc tịch Mỹ) chuẩn bị lên chuyến bay số hiệu BL 810 hành trình TP HCM-Hà Nội mang súng phóng điện và đạn.
Hãng hàng không non trẻ Air Mekong (AM) cũng dính một vụ khách mở cửa thoát hiểm. Trên chuyến bay Buôn Mê Thuật ngày 15-2, hành khách Nguyễn Đoàn Ngô tự ý mở cửa thoát hiểm khi máy bay chuẩn bị lăn bánh. Ngay lập tức vị khách này bị lập biên bản. Mới đây, ngày 4-7, cầu nối của xe cung ứng suất ăn đã va vào máy bay AM gây lõm.
Nói về những hành vi hy hữu của hành khách trên các chuyến bay, Chánh Thanh tra Cục HKVN Nguyễn Trọng Thắng đánh giá: “Một số hành vi có tính chất phức tạp; đối tượng thực hiện hành vi vi phạm xảo trá và có tính chất côn đồ. Những hành vi này làm cho chuyến bay bị chậm nhiều giờ, gây thiệt hại cho hãng hàng không, làm mất thời gian của các cơ quan, tổ chức liên quan, ảnh hưởng đến lòng tin của khách hàng với hoạt động hàng không dân dụng”.
Hàng không dân dụng Việt Nam trong 6 tháng đầu năm nổi lên tình hình đe dọa, tung tin có bom trong hành lý, trên tàu bay; gây rối trên chuyến bay, gây thiệt hại lớn về vật chất và uy tín của ngành, phương hại nghiêm trọng tới hành khách. Tuy nhiên, các chuyến giải cứu người lao động ở Bắc Phi, thiết lập các đường bay nóng dù bụi núi lửa ở châu Âu mù mịt để tránh gián đoạn đường hàng không... là những điểm sáng của ngành trong, thời gian qua.
Nhân viên an ninh moi hành lý khách bay Cục HKVN thừa nhận, tình trạng xe ôm, taxi dù hoạt động cò mồi tranh giành khách vẫn chưa được giải quyết triệt để. Tình trạng hành lý bị mất, bị “moi ruột” vẫn xảy ra (79 vụ), trong đó liên quan tới nhân viên an ninh tại Nội Bài (đã bị công an bắt và khởi tố). Trong khi các quốc gia tiên tiến đã sử dụng thiết bị quét cơ thể ba chiều, máy phát hiện chất nổ, máy chiếu tia X thế hệ mới, áp dụng biện pháp an ninh nghiêm ngặt (yêu cầu hành khách tháo giày, thắt lưng, áo khoác để soi chiếu riêng...) thì các sân bay Việt Nam vẫn thiếu thiết bị và biện pháp an ninh mạnh. |