Những giọt máu nằm lại Trường Sa

Những giọt máu nằm lại Trường Sa
TP - Đó là những đứa con – chiến sĩ nằm lại quần đảo Trường Sa từ 23 năm trước. Những người mẹ đất liền đã gửi từng giọt máu, từng nhúm ruột của mình, dựng thành cột mốc khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Và Trường Sa được các mẹ gọi là quê hương thứ hai.

Kỳ 1: Mẹ ơi, út ở Trường Sa …

Quê anh Nguyễn Bá Cường – liệt sỹ Trường Sa, là xã Điện Thắng Trung, Điện Bàn, Quảng Nam, chính là nơi có những người mẹ bất tử như Mẹ Thứ, Mẹ Trị và cả Mẹ Ngò của anh nữa.

Dòng thông tin tư liệu từ “Danh sách 74 cán bộ, chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam hy sinh, mất tích trong ngày 14–3–1988 tại vùng biển Cô Lin – Gạc Ma” thôi thúc tôi tìm đến với các gia đình thân nhân của liệt sĩ Trường Sa. Những ngày cuối tháng 6, trời miền Trung hầm hập nắng. Con đường vào thôn Thanh Quýt 1 (xã Điện Thắng Trung, Điện Bàn, Quảng Nam) khá quanh co, nhưng hỏi nhà cụ Trương Thị Ngò, ai cũng niềm nở dẫn đường.

Quyết đi bằng được!

Xế trưa, trong căn nhà tình nghĩa mới xây, những bằng Tổ quốc ghi công, Huân chương kháng chiến… được gia đình cụ Ngò treo trang trọng ngay trước phòng thờ. Cụ cặm cụi sửa soạn bàn thờ, thắp nén nhang bên di ảnh con trai. Thoáng trong ảnh là nét cười hiền, ánh mặt rạng rỡ của anh Nguyễn Bá Cường tuổi đôi mươi.

“Cường thông minh, nhanh nhẹn lắm. Hồi nhỏ chừng hơn chục tuổi, nó còn làm liên lạc cho cơ sở cách mạng địa phương cơ đấy. Có buổi, mệ cùng 7–8 du kích địa phương, chiến sĩ bộ đội đang núp dưới hầm thì địch kéo đến tra hỏi. Chỉ một mình thằng Cường ở trên nhà, nhưng nó tìm cách đánh lạc hướng được hết” - ở tuổi 90, cụ Ngò mở đầu ký ức bằng những câu chuyện chưa thể phai mờ.

Nguyễn Bá Cường sinh ngày 8-6-1962... Hăng hái tham gia quân ngũ. Nhà có ba con trai, hai anh đều đã tham gia bộ đội. Đến lượt Cường, cũng quyết tâm đi cho bằng được, chẳng ai ngăn cản nổi.

“Mệ chưa bao giờ tới được Trường Sa nhưng mệ biết đó là quê hương thứ hai của mệ vì nơi đó có máu xương con mình, có “nhúm ruột” mệ gửi gắm ở đó. Mệ gọi nó là đứa con Trường Sa của mệ” - Cụ Trương Thị Ngò

Anh Nguyễn Bá Thảo (55 tuổi, thôn Thanh Quýt 1) - cháu liệt sĩ Cường, kể, hai chú cháu cách nhau vài tuổi nên chơi thân.

Theo anh Thảo, năm 1985, anh Cường gia nhập Lữ đoàn bộ binh 173 (Quân khu V), một năm sau thì học trường Hải quân ở Nha Trang. Cường từng đăng ký đi học lớp hoa tiêu ở Nga để lấy bằng quốc tế nhưng khi biết được nhận nhiệm vụ ở Trường Sa, Cường xin lên đường.

“Chú kiên cường, mạnh mẽ lắm. Trước lúc đi, chú còn rắn rỏi tâm sự: Trường Sa là biển đảo của mình, nếu không đi được lần này sẽ thật khó có cơ hội lần sau”.

Chàng trai trẻ Thượng sĩ Nguyễn Bá Cường (Tiểu đoàn trường Sĩ quan – hải quân) là người duy nhất tại địa phương lúc đó vinh dự lên đường ra Trường Sa nhận nhiệm vụ. Cụ Ngò kể: Ngày nó về ăn Tết âm lịch năm 1988 trông khỏe khoắn, rắn rỏi lắm. Cường còn dặn đi về lần này sẽ tìm cho mệ cô con dâu. Ai cũng hứng khởi, an tâm.

Anh Từ Văn Mỹ kể lại những ngày ra Trường Sa Ảnh: Nguyễn Huy
Anh Từ Văn Mỹ kể lại những ngày ra Trường Sa Ảnh: Nguyễn Huy.

Tiếp lửa

Vào mỗi dịp 27–7, cả xã Điện Thắng Trung nghi ngút khói hương trên bàn thờ các anh hùng liệt sĩ. Vợ chồng cụ Ngò lớn lên ngay chính mảnh đất quê hương mẹ Nguyễn Thị Thứ anh hùng. Cụ từng trực tiếp tham gia cơ sở cách mạng tại địa phương qua cả hai cuộc kháng chiến. Truyền thống của quê hương cách mạng và gia đình đã tôi luyện chàng chiến sĩ Nguyễn Bá Cường.

Cụ Ngò nói: Những năm kháng chiến chống Pháp, rồi chống Mỹ cứu nước sau này, nhà nhà tham gia cách mạng khí thế lắm. Các thôn trong xã Điện Thắng là “địa chỉ đỏ” cách mạng mà! Chồng mệ là cụ ông Nguyễn Bá Ngưu (sinh năm 1920) làm dân công, du kích, đi cảnh giới và liên lạc cho bộ đội. Còn mệ tham gia nữ cứu thương cho bác sĩ Nguyễn Hữu Kỉnh người địa phương thời đó. Gian nan, lửa đạn chẳng làm ai sờn lòng…

Ba người con trai của cụ Ngò lần lượt lên đường nhập ngũ. Con cả Nguyễn Bá Xuân gia nhập Trung đoàn thông tin 575 (Quân khu V), con thứ là Nguyễn Xuân Hùng tham gia Lữ đoàn 173, từng tham gia chiến đấu ở chiến trường Campuchia…

Tuy nhiên, khó khăn nhất với cụ Ngò là lần nghe tin con trai hy sinh ở Trường Sa. “Tháng 3 - 1988, mệ vừa dậy nghe đài phát thanh trên thôn thông báo chiến sự xảy ra ở đảo Trường Sa. Nhiều người hi sinh, mất tích lắm, mệ bán tín bán nghi nhưng mong sao thằng Cường vô sự. Mấy hôm sau thì nhận tin, trong danh sách cán bộ, chiến sĩ hi sinh, mất tích có tên Nguyễn Bá Cường” - mỗi lần kể về người con - chiến sĩ Trường Sa, giọt nước mắt lại lăn dài trên khóe mắt mẹ già.

Anh Thảo bộc bạch: Thời gian đầu, mệ Ngò khóc đến khô nước mắt, nhưng khi bình tâm, mệ lại rắn rỏi. Giọng mệ Ngò rành rõi: Cường có mất đi nhưng ý chí của nó vẫn tồn tại và động viên mệ. Mệ chỉ mong sao đất nước hòa bình, biển đảo bình yên thôi

Anh Trần Xiêm, Trưởng ban Văn hóa - xã hội xã Điện Thắng Trung tự hào: Những tấm gương như gia đình cụ Ngò, anh Nguyễn Bá Cường góp thêm trang sử quê hương. Toàn xã có 205 liệt sĩ, 16 Mẹ Việt Nam Anh hùng, như mẹ Nguyễn Thị Thứ, mẹ Trị (con mẹ Thứ) đã trở thành biểu tượng của những bà mẹ Việt Nam

Cụ Ngò thắp hương di ảnh con trai liệt sĩ Trường Sa
Cụ Ngò thắp hương di ảnh con trai liệt sĩ Trường Sa .

Rời nhà cụ Ngò, nhưng những câu thơ “Gửi mẹ” (Kính tặng mẹ liệt sĩ Nguyễn Bá Cường) in trên tờ báo Quảng Nam Đà Nẵng nhòe cũ (xuất bản năm 1988) cứ âm vang trong lòng: “Mẹ có ba người con – như bao hòn non xanh màu lá/Ba con đều xa mẹ/Đi bộ đội xa nhà/Mỗi đứa một miền xa… Mẹ đừng buồn dù có vắng con/Bạn con tiếp bước giữ hòn đảo xa/Mẹ ơi con ở Trường Sa/Mẹ ơi út ở Trường Sa”...

“Trước ngày lên tàu ra Trường Sa nhận nhiệm vụ, ai cũng háo hức mong sớm cập đảo” – anh Từ Văn Mỹ (44 tuổi, phường Hòa Cường Nam, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng), người trực tiếp ra Trường Sa năm 1988 kể. Sau khi tham gia huấn luyện, mùng 6 tết âm lịch năm 1988 mọi người lên đường vào Cam Ranh (Nha Trang). Cùng đi có anh Nguyễn Bá Cường, và một số anh em ở Hòa Cường, Đà Nẵng (Quảng Nam Đà Nẵng cũ).

Chúng tôi nhận nhiệm vụ tập kết hàng hóa, vật liệu xây dựng đảo. Mới ra khỏi cửa biển, sóng gió lớn nên chỉ huy cho tàu cập bến trở lại. Gần tuần sau, anh em được chia thành hai nhóm đi hai tàu. Riêng chúng tôi cập đảo chìm cách đảo Cô Lin - Gạc Ma mất nửa ngày tàu chạy.

Ngày 14-3-1988, chúng tôi nghe tin báo nước ngoài đánh chiếm Cô Lin - Gạc Ma. Nhiều đồng đội đã ngã xuống, nhưng mọi người không nao núng. Chúng tôi tiếp tục ở lại xây dựng cơ sở tại đảo chìm thêm ba tháng, chủ động đối phó, ngăn chặn các hành động xâm chiếm và về lại đất liền. Tôi có cả thảy hai lần được phân công ra Trường Sa làm nhiệm vụ. Đó là những ngày tháng hào hùng và vinh dự nhất cho những người chiến sĩ từng được xây dựng, bảo vệ chủ quyền biển đảo Trường Sa.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG