Chuyện Thác Bà

Chuyện Thác Bà
TP - “Một Thác Bà reo gọi điện Sông Đà”. Ít ai nhớ câu thơ Tố Hữu viết như dự báo từ đầu những năm 60 của thế kỷ trước. Sau thủy điện Hòa Bình đến thủy điện Sơn La và bây giờ là Lai Châu. Thành ra, chính xác hơn nữa là một Thác Bà reo gọi... nhiều điện Sông Đà!
Tổ máy Thủy điện Thác Bà
Tổ máy Thủy điện Thác Bà.

Và cũng ít người nhớ rằng vừa mới tròn nửa thế kỷ kể từ thời điểm lớp công nhân đến Thác Bà xây dựng nhà máy thủy điện đầu tiên. Họ là tiền thân của đội ngũ xây dựng thủy điện Việt Nam với tên gọi Tập đoàn Sông Đà hôm nay.

50 năm ngược dòng chảy thời gian

May mắn được ngược sông Chảy để lên Thác Bà với Nguyễn Khắc Phục. Nhà văn đã sáu mấy mà ngó trẻ và hoạt hình như lần này lên Thác Bà để làm kịch bản cho phim 50 năm người Sông Đà?

Ông kể lần đầu lên Thác Bà là năm 1961, thời điểm phát lệnh khởi công công trường xây dựng Thuỷ điện Thác Bà. Khi ấy ông mới hơn 10 tuổi. Cậu học trò quê Nam Định dịp nghỉ hè ngược tàu Yên Bái lên chơi với người anh ruột làm công nhân công trường là Nguyễn Khắc Kiên.

Những ngày ở công trường là quãng thời gian thiên đường với Nguyễn Khắc Phục. Đơn giản là thấy lắm cái lạ của công trường to nhất miền Bắc xây dựng CNXH và điều quan trọng nữa là được ăn no! Nhà văn bộc bạch thế.

Sau này, ở công trình Sông Đà, thi thoảng tôi vẫn gặp nhà văn lang thang. Chắc ông không phải đói như thuở trước và không chỉ lên chơi với ông anh Nguyễn Khắc Kiên khi ấy đã là Tổng chỉ huy xây thủy điện Hòa Bình. Chắc ông đói tài liệu viết văn, làm phim!

Xe gập gềnh qua địa phận châu Yên Bình. Trong xe dần xôm chuyện. Huyện Yên Bình xưa kia là một vùng của nước Văn Lang, rồi thuộc Tượng Quận, Giao Chỉ. Yên Bình thuở xưa người dân từng nghiêm ngắn trong đội quân của Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật giữ trại Thu Vật trước cuộc xâm lăng của giặc Nguyên - Mông.

Yên Bình vật đổi sao dời từ ngày có thủy điện Thác Bà. Có thể gọi là một huyện nước. Hồ có diện tích 23.400 ha, trong đó mặt nước chiếm tới 19.000 ha, còn lại 1.331 hòn đảo lớn nhỏ, chiều dài của hồ là 80 km, chiều rộng từ 5-15km, sâu từ 15-34m, chứa được 3-3,9 tỷ mét khối nước. Do đặc điểm là huyện nước nên khí hậu vùng này mang tính chất vùng hồ: mùa đông ít lạnh, mùa hè mát mẻ.

Gần đến nhà máy, nhà văn Nguyễn Khắc Phục bảo rẽ qua nghĩa trang hương khói một tý... Hai ngày mồng 8 và 21 tháng 7 năm 1966, máy bay Mỹ đánh phá công trường ác liệt. Gần 100 công nhân công trường đã mất trong trận bom khủng khiếp ấy. Tôi để ý ngoài mấy ngôi mộ có tên còn mấy dãy mộ trên bia chỉ ghi vắn tắt là công nhân xây dựng thủy điện Thác Bà! Tôi biên vào sổ tay công trình xây dựng thủy điện Thác Bà năm 1966 có 6.765 cán bộ, công nhân tổ chức thành 13 công trường nhỏ...

Biên như vậy để gẫm thêm về những năm tháng ác liệt, sau những trận bom dã man công nhân công trường đã phải ngừng thi công nhà máy sơ tán cách công trường 30 km. Chuyên gia Liên Xô tạm nghỉ trở về nước. Một bộ phận lớn công nhân được điều chuyển về Vĩnh Phú để chuẩn bị cho việc xây dựng nhà máy giấy Bãi Bằng, nhà máy dệt Minh Phương ở Việt Trì sau này...

Thời gian níu chúng tôi lâu hơn cả có lẽ là ở Phòng truyền thống nhà máy. Biên bản cuộc họp di dân lòng hồ thủy điện Thác Bà năm 1962. Rồi là các hình ảnh và tư liệu: Ngày 22-2-1970, Hội lấp sông nắn dòng sông Chảy, Phó Thủ tướng Lê Thanh Nghị dự; Ngày 5-10-1971, lễ khánh thành và khởi động tổ máy số I, phát điện lên lưới điện quốc gia; Cuốn nhật ký vận hành đã lem luốc ố vàng trong đó ghi đều đặn công việc vận hành tổ máy số I ngày 15-8-1971;

Ngày 10-3-1972, khởi động tổ máy số 2; Ngày 19-6-1972, khởi động tổ máy số 3. Nhưng kế hoạch dự kiến khánh thành toàn bộ nhà máy vào cuối năm 1972 đã bị xóa sạch. Ngày 2-6-1972, máy bay Mỹ ném bom hủy diệt nhà máy trong đó có hơn 2.000 quả bom nổ chậm. Cho mãi giữa năm 1975 mới phục hồi hoàn chỉnh 3 tổ máy.

Và gì nữa, những hình ảnh về Bác Hồ gặp chuyên gia xây dựng Thác Bà, các ông Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Lê Thanh Nghị... giản dị, thân gần những lần về thăm công trường trong chiến tranh. Cụ Đỗ Mười, hồi ấy trông còn trung niên... Rồi hình ảnh Ban lãnh đạo trẻ Nhà máy điện Thác Bà nay đã là công ty cổ phần.

Lợi nhuận từ 130 MW điện/năm đã đảm bảo cho công ty tự tin đại tu lại thiết bị chi phí hơn trăm triệu USD không phải đi vay ngân hàng. Chủ tịch HĐQT Cty Đại Ngọc Giang thời điểm lấp sông Chảy để xây đập Thác Bà mới sinh! Quả là các cụ nói chả sai quang tiền dụ hậu (đời trước mở mang, đời sau bồi đắp).

Lứa hậu sinh như Đại Ngọc Giang ngoài cái hên thụ hưởng ra còn phải nặng cái gánh quản lý vận hành công trình thủy điện đầu tiên của đất nước. Gánh nặng công việc còn có cả sự trân trọng linh thiêng tỷ như tổ máy số I công suất 36 MW bây giờ chỉ là chuyện nhỏ nhưng vào cái năm 1971 là nguồn năng lượng quan trọng cho cả miền Bắc khi mà hàng loạt nhà máy điện bị bom Mỹ đánh hỏng. Và từng ki lô oát điện ấy đã nhuốm máu của gần 100 công nhân công trường XDTĐ Thác Bà!

Gần nhà máy là thị trấn Thác Bà cái năm nhà văn Nguyễn Khắc Phục lần đầu tiên lên đây còn chưa có hình có dạng. Chuyện với ông Nguyễn Hải Kế về chiều càng khó dứt. Ông Kế quê ở Ân Thi, Hưng Yên cũng là một trong những công nhân vùng lúa Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định... lên công trường XDTĐ Thác Bà đầu tiên.

Nhà máy thủy điện Sơn La
Nhà máy thủy điện Thác Bà.

Một thời gian sau ở công trường, anh công nhân Nguyễn Hải Kế đã có một mái ấm. Như một sự sắp sẵn của ông bà mình, cô vợ nết na đảm đang là con một gia đình dưới xuôi lên xứ Thác Bà này làm ăn khi đó gọi là đi khai hoang miền ngược. Cô Vườn, vợ anh Kế được sung vào làm công nhân công trường. Thôi thì một thời gian nan tất tả đạn bom trên công trường Thác Bà như bao gia đình công nhân khác vợ chồng anh trải cả...

Ông Nguyễn Hải Kế nhập vào hàng ngàn công nhân được điều chuyển về công trường nhà máy dệt Minh Phương và công trường nhà máy giấy Bãi Bằng khi ông đương là giáo viên Trường công nhân kỹ thuật công trường XDTĐ Thác Bà.

Vợ chồng hai đứa con còn đỏ hỏn phải rời tổ ấm Thác Bà khi đó là một thứ diệu vợi gian nan. Hết Minh Phương, Bãi Bằng họ lại bồng bế nhau nhập vào đội hình hàng ngàn công nhân về xây dựng công trình thủy điện Sông Đà. Hằng bao năm, gia đình ông quần tụ bên công trình thế kỷ...

Vèo cái mà đã mấy chục năm bươn bả công trường. Ngàn vạn những người công nhân như vợ chồng ông Nguyễn Hải Kế đã lặng lẽ dâng tặng cho đất nước những tổ máy thủy điện của Thác Bà, của sông Đà. Xong việc sông Đà, vợ chồng ông Kế không thể theo lớp người trẻ vào những công trình thủy điện như Yaly, Cần Đơn, Sơn La này khác...

Tuổi hưu đã xồng xộc đằng sau. Hai đứa con trai đã nhớn nhao đã có việc của chúng nó. Ông bà Nguyễn Hải Kế đã chọn mảnh đất đầu tiên lập nghiệp là Thác Bà để sống những ngày hưu thanh thản. Ông Kế cho hay, có 38 hộ từng là công nhân Thác Bà, sông Đà đang hưu ở đây, cái nơi khai sinh ra nền Thủy điện Việt Nam.

Nhà máy thủy điện Hòa Bình
Nhà máy thủy điện Sơn La. Ảnh: Xuân Ba.

Nhân vật tiểu thuyết - người Bí thư Đoàn đầu tiên của Thác Bà

Người hàng xóm áp tường một thời với tôi là nhà báo Nguyễn Thanh Dương, Tổng Biên tập một thuở của báo Tiền Phong. Thường tôi hay sang nhà ông Dương hút thuốc lào rồi lan man những câu chuyện không đầu không cuối.

Một lần ông có hé ra một kỷ niệm. Khi báo Tiền Phong còn ở chiến khu tại Bản Rõn, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, ông Nguyễn Thanh Dương có một chuyến đi khảo sát tình hình giảm tức giảm tô ở Phú Thọ. Hình như ở huyện Thanh Ba, ông đã tìm hiểu và phát hiện một thanh niên thành phần cố nông tên là Trần Bình Lục.

Trần Bình Lục và gia đình có một cuộc đời cực khổ. Lục và gia đình gần như thoát khỏi địa ngục và mát mặt một chút cũng là nhờ phong trào giảm tức giảm tô do Đảng phát động. Bản thân anh Lục cũng thường tích cực ủng hộ vận động bà con nông dân vùng lên...

Ông Dương đã viết 4 bài liền về người thanh niên cố nông này. Kể lại chuyện đó, người phóng viên kiêm cán bộ Đoàn bộc bạch, bản thân ông cũng không ngờ rằng tấm gương của Trần Bình Lục lại có ảnh hưởng rất sâu rộng không những đối với thanh niên vùng tự do mà còn ảnh hưởng tới nhiều thanh niên vùng địch tạm chiếm nữa.

Sau này Trần Bình Lục và phong trào nông dân Phú thọ trở thành nguồn cảm hứng của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng để nhà văn dựng tác phẩm văn học Truyện anh Lục mà nhiều người đã biết.

...Tôi gặp nhân vật chính của Truyện Anh Lục giữa những năm 80. Là hàng xóm, thấy tôi nhiều lần lên Sông Đà, ông Nguyễn Thanh Dương băn khoăn mình nghe nói hình như Trần Bình Lục đang công tác ở thủy điện Sông Đà? Không mấy khó khăn, tôi tìm được ông Trần Bình Lục đang phụ trách trường công nhân kỹ thuật của Tổng công ty.

Nhân vật báo chí và nhân vật văn học Trần Bình Lục đang hiện diện trước tôi... Có vẻ như không khác bao nhiêu so với sự tưởng tượng trước đó? Vẫn cái vẻ hiền lành chân chất. Và nữa, những người chuyên công tác Đoàn thường trẻ lâu? Nhưng đuôi mắt anh Lục đã rạn ra bao nhiêu vệt chân chim thế kia?

Chuyện nối chuyện... Khi ấy tôi đã biết thêm rằng, hiệu ứng những bài báo của ông Nguyễn Thanh Dương trên Tiền Phong khá lớn. Hình ảnh người cố nông chậm lụt cơ cực Trần Bình Lục miền quê trung du Phú Thọ đã đổi đời với phong trào giảm tức giảm tô. Anh Lục được đi báo cáo ở nhiều nơi.

Rồi Trần Bình Lục được về Chiến khu Việt Bắc, được rút về công tác ở Trung ương Đoàn. Được thay mặt cho thanh niên nông thôn Việt Nam đi dự Đại hội Thanh niên Nông dân thế giới tổ chức tại Áo. Thời gian ở Áo, Trần Bình Lục được gặp chị Madeleine Riffaud. Sự chất phác thật thà ngay thẳng của anh nông dân Đông Dương Trần Bình Lục đã khiến đảng viên Đảng Cộng sản Pháp, người anh hùng chống phát xít, kiêm phóng viên Báo Nhân đạo Madeleine Riffaud cảm động.

Vèo cái mà đã mấy chục năm bươn bả công trường. Nếu công trường sông Đà góp cho cơ chế những yếu nhân như Phan Ngọc Tường, Ngô Xuân Lộc, Nguyễn Khắc Kiên, Cao Lại Quang, Đinh La Thăng... thì ngàn vạn những người công nhân như vợ chồng ông Nguyễn Hải Kế đã lặng lẽ dâng tặng cho đất nước những tổ máy thủy điện của Thác Bà, của sông Đà.

 

Trần Bình Lục được chị dành cho nhiều thiện cảm. Có thể khi ấy Trần Bình Lục chưa thể biết được một phần duyên do của những mối thiện cảm nặng tình quốc tế vô sản ấy? Đơn giản người nữ chiến sĩ kiên cường chống phát xít khi ấy đương mắc phải tiếng sét ái tình. Người giáng sét chính là thi sĩ nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi, người mà Trần Bình Lục rất mến mộ!

Trần Bình Lục đã được Madeleine Riffaud tổ chức một chuyến thăm nước Pháp. Chuyến đi với bao dấu ấn tốt đẹp đối với anh Lục. Lượt trở về Việt Nam, chị Madeleine Riffaud đã thân tháp tùng anh cán bộ Đoàn gốc cố nông Trần Bình Lục về tận chiến khu. Trần Bình Lục tiếp tục công tác ở Ban nông thôn Trung ương Đoàn cho tới ngày tiếp quản Thủ đô.

Có người cho rằng do Nguyễn Đình Thi mách mà nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã viết Truyện Anh Lục? (Cũng cần biết qua Giải thưởng văn học năm 1954-1955.

Về Thơ, Giải Nhất: Tố Hữu (tập Việt Bắc); Giải Nhì: Trần Hữu Thung (tập Đồng tháng tám Dặn con), Xuân Diệu (tập Ngôi sao), Tú Mỡ (tập Nụ cười chính nghĩa); Giải Ba: Hồ Khải Đạt (tập Thơ chiến sĩ).

Về Tiểu thuyết, Giải Nhất: Nguyên Ngọc (Đất nước đứng lên), Tô Hoài (Truyện Tây Bắc); Giải Nhì: Nguyễn Huy Tưởng (Truyện anh Lục), Nguyễn Văn Bổng (Con trâu), Giải Ba: Phùng Quán (Vượt Côn Đảo), Trần Kim Trắc (Cái Lu), Đoàn Giỏi (Cá bống mu) - Xem Báo Nhân Dân số ra ngày 17-3-1956). Nhưng ông Nguyễn Thanh Dương cho biết, chính nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã gặp ông Dương để hỏi thêm chi tiết và tìm cách liên lạc với Trần Bình Lục!

Viết đến đây, tôi chợt nhớ trong Nhật ký Nguyễn Huy Tưởng mới xuất bản có trích đoạn tự đánh giá lại Truyện anh Lục. Nguyễn Huy Tưởng ghi trong nhật ký ngày 21-3-1956 như thế này “Hoàn thành tập 3 Truyện anh Lục. Gọi là xong. Khá hơn lần trước nhưng vẫn rối rắm. Vẫn một chiều, thiếu sâu sắc, thiếu cái sinh động của con người, với những đấu tranh nội tâm, những ảnh hưởng khách quan của xã hội”. Trước đó nhà văn đã xác định thiên hướng của ngòi bút: “Cần phải viết truyện gần như thực, sát sự thực. Cần phải có sự sống tràn trề”.

Với những tự bạch ấy, hình như mẫu người, típ nhân vật dạng Trần Bình Lục như một thứ men thứ bột gần như thực sự sống tràn trê đã gột nên thành công của Truyện Anh Lục?

Có thể ông Trần Bình Lục đang sở hữu một tư liệu quý và hiếm mà ông chưa biết?

Anh Lục thân mến

Năm mới gửi lời mừng tuổi Lục. Tôi có biết Lục tới tìm nhưng không gặp. Thiết tha muốn gặp và nói chuyện với Lục. Lâu không gặp nên mình nhớ lắm. Nhà tôi rất mến Lục muốn nói chuyện với Lục. Tết này Lục có về quê ăn Tết không? Nếu không về được thì Lục nhớ đến ăn Tết cùng gia đình. Tôi ở 40 phố Bà Triệu, trên gác nhà Lúa Mới ta sẽ có dịp nói chuyện nhiều.

Tái bút: Gửi Lục tập 1 và 2 truyện anh Lục (tập 3 chưa in)

Cần nói thêm một chút, lần gặp ấy, ông Trần Bình Lục có đưa tôi xem qua bức thư mà nhà văn Nguyễn Huy Tưởng gửi cho ông. Bẵng đi nhiều năm, tôi đã quên nội dung thư viết gì... Mới đây lần gặp lại trên điện thoại, ông Lục đã đọc lại cho tôi ghi nội dung lá thư.

Ông nói thêm rằng, tiếp được thư nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, hồi ấy do bận công việc hay lý do gì nữa mà ông không nhớ, ông đã không thu xếp được cuộc thăm gia đình nhà văn, điều mà cho đến bây giờ ông vẫn còn ân hận!

Chả phải bây giờ mới có chuyện luân chuyển cán bộ. Thời kỳ xây dựng CNXH sôi động những năm đầu 60, nhiều cán bộ ưu tú trên Trung ương được biệt phái về cơ sở. Cán bộ Ban Thanh niên nông thôn Trung ương Đoàn Trần Bình Lục được chọn làm người phụ trách công tác Đoàn công trường XDTĐ Thác Bà.

Ấn tượng gì nhất về thời gian làm công tác Đoàn trên Công trường XDTĐ Thác Bà ấy ư? Trong điện thoại, chất giọng ông Lục đang rành rẽ mặc dù có trầm rè do tuổi tác bỗng như lệch hẳn đi. Tôi ân hận vì vô tình đã làm ông xúc động.

Ở cái tuổi kém một nữa là 80 chẵn, có lẽ cần lắm sự bảo trọng? Chất giọng có nghẹn ngào ngắt quãng nhưng tôi vẫn hình dung ra, tuy phải nghe điện thoại nhưng đôi mắt ầng ậng nước kia đang dõi về một thời xa xăm sôi sục nhiệt huyết tuổi thanh xuân và rực lửa dựng xây CNXH. Một thời quả là đẹp! Ông nói mà như than - có thể là đẹp nhất mà bây giờ mình mới nhận ra?

Anh Lục là người tình cảm lắm... Bất chợt giọng ông Tổng Biên tập Nguyễn Thanh Dương trong câu chuyện về anh Lục hồi ấy như từ cõi xa xăm vọng về. Hình như ông Lục lại thêm chút sốc khi bây giờ mới hay tin ông Dương mất đã vài năm nay.

Tôi phải nói lảng sang chuyện khác nhưng chất giọng tình cảm của cái mạch cố hữu lẫn tuổi tác vẫn nuối về chuyện và người của một thuở một thời... Ông muốn liên lạc, muốn biết số máy của người con trai nhà văn Nguyễn Huy Tưởng và nhiều PV Báo Tiền Phong và cán bộ T.Ư Đoàn mà ông từng quen biết cứ thể như tôi là người cái gì cũng biết!

...Thở ra một hơi nhẹ an lòng khi ông cho hay bây giờ có yếu đi nhiều nhưng vẫn nhúc nhắc đi lại được. Mái ấm của gia đình ông vẫn là Sông Đà Hòa Bình. Ba người con gái nay đã phương trưởng có mái ấm nơi này nơi khác. Còn một trai là thứ rốt lòng từ khi vợ ông mất ở với bố. Có nối chút nghiệp xây dựng thủy điện của bố nhưng là ở lĩnh vực kinh tế xây dựng.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG