Đi đêm lãi suất

Đi đêm lãi suất
TP - Phóng viên Tiền Phong thâm nhập vào những cuộc đi đêm của nhiều ngân hàng thương mại cổ phần và mục sở thị cuộc đua huy động vốn với lãi suất cao, vượt xa mức trần Ngân hàng Nhà nước quy định.

Đi đêm giữa ban ngày

Một sáng cuối tháng tư, điện thoại của tôi bỗng reng và hiển thị số máy lạ: 0936693xxx. Đầu bên kia là giọng một cô gái dễ thương và ngọt ngào, tự giới thiệu là Nga (tên nhân vật đã được đổi -PV), nhân viên ngân hàng M., chi nhánh tại TPHCM. Nga biết tôi thông qua sự giới thiệu của chị Lan, một người quen của tôi. Nga vào thẳng vấn đề: “Lãi suất huy động nhà nước áp trần 14% nhưng bọn em sẽ huy động với lãi suất cao hơn”. Cụ thể hơn bao nhiêu còn tùy thuộc vào số tiền gửi nhiều hay ít.

Khi nghe tôi nói có nhu cầu gửi khoảng 500 triệu đồng, Nga ấn định ngay lãi suất: 16%/năm, nếu gửi thời hạn 1 tháng. Về cách thức thực hiện, Nga giải thích: “Ngoài lãi suất ghi theo chứng nhận tiền gửi đúng như quy định, số tiền chênh lệch giữa lãi suất chính thức với lãi suất thỏa thuận tụi em sẽ gửi ngoài bằng tiền mặt cho anh ngay sau khi anh gửi tiền xong”. Trước khi dứt lời, Nga còn dặn: “Anh cứ cân nhắc, nêu đồng ý, chỉ cần ới một tiếng em sẽ đến tận nơi làm sổ, nhận tiền gửi và chi lãi suất (tăng thêm-PV) ngay cho anh”.

Chị Lan, người giới thiệu Nga gặp tôi, kể, mới đây Nga cũng đến mời chào chị gửi tiền vào ngân hàng M. với lãi suất cao hơn quy định. Khi thấy chị ngại ngần chuyện rút tiền từ ngân hàng khác để chuyển về ngân hàng M., Nga cam kết chắc như đinh đóng cột: “Miễn là chị đồng ý, việc còn lại bọn em lo. Em sẽ cho xe đưa chị đến tận nơi rút tiền, sau đó đưa chị và tiền về ngân hàng bên em để làm thủ tục gửi”. Theo chị Lan, hầu hết các ngân hàng hiện nay đều tìm cách “đi đêm” nâng lãi suất huy động vốn lên rất cao để chiêu dụ khách hàng. Ngoài ngân hàng M., chị Lan còn nhận được đề nghị gửi tiền lãi suất cao của một số ngân hàng khác.

Để kiểm chứng sự chạy đua vượt rào lãi suất của các ngân hàng, tôi tìm đến gặp Ngô, cán bộ tín dụng của ngân hàng V., chi nhánh khu vực Tân Định (Q. 1, TPHCM). Vì là chỗ quen nên khi nghe tôi nói muốn gửi tiền lãi suất cao hơn quy định của Nhà nước, Ngô lật bài ngửa: “Tưởng gì, giờ ngân hàng nào chả huy động vốn với lãi suất vượt trần 14%/năm!”. Theo Ngô, thường thì có một vài mức lãi suất phổ biến sau: Số tiền gửi dưới 2 tỷ đồng và thời hạn 1 tháng, lãi suất 16-16,5%; từ 2 tỷ đồng trở lên lãi suất có thể lên 17%, 18%. Ngô cho biết, ngoài các thủ tục gửi như thông thường với lãi suất ghi là 14%/năm, ngân hàng còn ký với khách hàng một văn bản khác, tạm gọi là thỏa thuận hay phụ lục hợp đồng, trong đó ghi rõ lãi suất thực tế và những cam kết giữa hai bên. Phụ lục này chỉ được xem là thỏa thuận ngầm giữa hai bên và không công bố ra ngoài. Số tiền chênh lệch giữa lãi suất chính thức với lãi suất “đi đêm” được chi trả bằng tiền mặt ngay cho khách hàng tại thời điểm làm thủ tục gửi.

Chọn mặt gửi... lãi suất

Ngô tiết lộ, mặc dù áp dụng mức lãi suất chung, nhưng mức cụ thể rất linh hoạt và do sếp quyết định. Khi nghe tôi “đặt lệnh” gửi 900 triệu đồng, thời hạn 1 tháng, Ngô ra hiệu bảo ngồi chờ và nói chắc: “Riêng với anh, đảm bảo em sẽ thuyết phục được sếp trả lãi suất cao hơn thông thường”. Nói rồi, Ngô vào phía trong gõ cửa phòng sếp. Chừng 20 phút sau Ngô trở ra, mặt tươi rói: “Ok, 17,5%/năm”. Thủ tục gửi tiền và nhận lãi suất chênh lệch diễn ra chóng vánh, cũng chả cần phải ký cam kết hay phụ lục như Ngô nói trước đó.

Sau mấy vại bia vào cuối ngày hôm đó, Ngô tiết lộ: “So với lãi suất cho vay từ 22% đến 24% như hiện nay, mức lãi suất huy động 17,5% vẫn còn quá thấp, trong khi các ngân hàng đang rất cần tiền để cho vay, nên chả lý do gì sếp không gật đầu. Vấn đề còn lại, để đạt mức lãi suất huy động cao thấp thế nào còn tùy thuộc vào khả năng thương lượng của khách hàng cũng như mối quan hệ của khách hàng với nhân viên ngân hàng, và tùy từng mối quan hệ mà nhân viên thuyết phục sếp quyết định mức lãi suất. Nói cách khác, lãi suất huy động chả phụ thuộc vào lý do nào chính đáng, bởi phần lớn chỉ vì quen biết hay ai đó giới thiệu”.

Chìa cuốn sổ tiết kiệm 450 triệu đồng ra, N.T.Hiền (Quận 2, TPHCM) bảo: “Tôi vừa gửi cách đây chưa lâu, lãi suất thực tế 17%”. Cuốn sổ tiết kiệm của ngân hàng P., và địa chỉ giao dịch là chi nhánh ở Q.1. Hiền kể: “Lần đầu tôi đến gửi, lãi suất đúng 14%, nhưng sau đó, nhờ một người quen là khách hàng thường xuyên của ngân hàng này giới thiệu, nên lãi suất gửi được đẩy lên 17%”. Theo Hiền, để ngăn ngừa bất trắc, các ngân hàng thường chỉ nâng lãi suất huy động đối với khách quen, hoặc khách do người quen giới thiệu, bảo lãnh.

Đi đêm lãi suất ảnh 1

Người giới thiệu N.T.Hiền với ngân hàng P., là chị Hoàng Diễm, giám đốc một công ty xuất nhập khẩu vật tư thiết bị nông nghiệp có trụ sở ở quận Bình Thạnh. Hoàng Diễm kể: Do nguồn tiền nhiều lúc chưa cần sử dụng đến ngay nên chị hay đi gửi ngân hàng với thời hạn ngắn, từ 1 tuần đến 1 tháng, nên trở thành khách quen của ngân hàng P. cũng như một số ngân hàng khác, và luôn luôn được lãi suất cao trên 14%, có khi lên đến 20% nếu gửi với số lượng lớn.

“Ngoài các thủ tục gửi thông thường, nhân viên ngân hàng tự động đưa tiền chênh lệch lãi suất cho tôi mà không cần bất cứ khoản chứng từ nào”- Hoàng Diễm nói. Tuy nhiên theo chị, cách thức một số ngân hàng chi trả lãi suất chênh lệch thời gian gần đây cũng có sự thay đổi. Thay vì làm phụ lục hay cam kết trả lãi suất huy động cao hơn quy định dễ phát sinh phiền hà, các ngân hàng chuyển sang hình thức mở thưởng. Hoàng Diễm phân tích: “Các ngân hàng tính toán kỹ trước, tất cả các khách hàng đến gửi tiền đều nhận được phiếu dự thưởng và ai cũng trúng thưởng. Số tiền mặt khách được nhận từ việc trúng thưởng luôn luôn tương ứng với khoản chênh lệch lãi suất của khách. Đây thực chất là một cách chi trả lãi suất chênh lệch. Với cách làm này, các ngân hàng đã qua mặt các cơ quan kiểm soát một cách dễ dàng”.

Cơn khát VNĐ bất tận

“Biểu hiện đầu tiên của việc các ngân hàng huy động vốn lãi suất cao để rồi cho vay với lãi suất rất cao đó là nhu cầu về vốn rất lớn của nền kinh tế. Bình thường, ngân hàng chỉ muốn huy động với lãi suất thấp, nhưng khi họ đã huy động với lãi suất cao tức là chuyện thanh khoản đang có vấn đề”- tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh-Giám đốc Chương trình đào tạo kinh tế Fulbright TPHCM nói. Biểu hiện thứ hai, theo tiến sĩ Tự Anh, đó là có sự bất cập trong việc điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước. “Khi đặt ra trần lãi suất huy động, trong khi đó trần lãi suất lại thấp hơn mặt bằng lãi suất của nền kinh tế, dĩ nhiên là người ta sẽ lách”- ông nói. Ông cũng cho rằng: Khi Ngân hàng Nhà nước đưa ra chính sách phải dự báo được diễn biến và phản ứng của thị trường, ở đây là phản ứng của ngân hàng thương mại, của doanh nghiệp và của người tiêu dùng- những người có tiền gửi tiết kiệm. “Dường như Ngân hàng Nhà nước không làm chuyện ấy mà chủ yếu là khi bí quá thì đưa ra một quy định có tính hành chính, bất kể quy định đó có tác động thế nào đến nền kinh tế” - TS Tự Anh nói.

Chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn nói nếu kéo dài tình trạng tranh nhau đẩy lãi huy động lẫn cho vay lên cao, hệ quả đầu tiên là các doanh nghiệp bị ảnh hưởng. “Khi lãi suất cao sẽ ảnh hưởng đến quyết định vay vốn của doanh nghiệp. Nếu vay, doanh nghiệp phải chịu chi phí tài chính cao. Còn không vay, doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất. Lúc đó tăng trưởng giảm đi, tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng...”, ông cảnh báo.

Một người bệnh, cả làng uống thuốc

Nếu đặt trần lãi suất thì nên đặt trần lãi suất cho vay chứ không phải trần cho lãi suất huy động. Lý do, khi đặt trần lãi suất cho vay thì tất cả các ngân hàng muốn cho vay ở mức trần sẽ phải huy động ở lãi suất nào đó cạnh tranh với nhau. Khi chúng ta đặt trần lãi suất huy động thế này, thì cơ bản tạo ra mặt bằng cạnh tranh hết sức mất công bằng. Những ngân hàng có uy tín lẽ ra có thể huy động được lãi suất vừa phải hơn so với ngân hàng có uy tín thấp hay ngân hàng có thanh khoản khó khăn. Khi giới hạn trần lãi suất 14%, tất cả mọi người đều như nhau, cả ngân hàng tốt lẫn không tốt, nghĩa là một người bệnh, bắt cả làng uống thuốc. Đó là điều không tốt cho nền kinh tế.

(Tiến sĩ kinh tế Vũ Thành Tự Anh)

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG