Làng khuyết đàn ông

Những thửa ruộng nhấp nhô và đầy đá sỏi không đủ nuôi sống gia đình chị Hồng và người dân Chày Lập
Những thửa ruộng nhấp nhô và đầy đá sỏi không đủ nuôi sống gia đình chị Hồng và người dân Chày Lập
TP - Cứ ra Tết là đàn ông ở làng Chày Lập (Phúc Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình) lại phiêu bạt kiếm kế sinh nhai, biền biệt cả năm trời.
Con đường đến trường lắm thác, nhiều ghềnh đang khiến người dân Chày Lập ngày càng tụt hậu
Con đường đến trường lắm thác, nhiều ghềnh đang khiến người dân
Chày Lập ngày càng tụt hậu.

Những người đàn ông ở lại

Theo đường Hồ Chí Minh nhánh Tây chạy dọc làng Chày Lập, chúng tôi bất ngờ gặp người đàn ông. Có lẽ là duy nhất trong độ tuổi lao động còn bám trụ ở lại làng.

Bắt chuyện, anh Nguyễn Văn Đợi kể: Anh năm nay 47 tuổi. Học chưa hết đến lớp 5 đã phải bỏ học theo cha vào rừng săn bắn. Đến tuổi, anh đi bộ đội, rồi về lại làng cưới vợ và theo nghề cũ. Sống với nhau hơn 1 năm thì vợ anh qua đời vì bạo bệnh.

Vợ qua đời mới được mấy ngày anh lại phải vào rừng kiếm sống và trang trải nợ nần. Sức trẻ, cộng với đam mê nghề, anh được mệnh danh là tay sát thú số một của làng. Không biết bao nhiêu hổ, báo, gấu, beo… từng phải gục ngã dưới họng súng của anh cho đến ngày anh gặp nạn.

Cuối năm 1992, thấy anh có tài săn bắn, cô bạn hàng xóm sang xin cho em trai mình là Trần Văn Hưng, lúc đó mới 14 tuổi đi theo học nghề. Vác khẩu AK xuyên rừng được ngày rưỡi thì 2 anh em gặp một con gấu nặng chừng 2 tạ. Con gấu gục xuống sau 2 phát súng.

Vì chưa có kinh nghiệm nên Hưng chạy lại xem. Anh Đợi chưa kịp phản ứng để ngăn Hưng lại thì con gấu đã chồm lên tát một cái như trời giáng vào mặt, khiến Hưng lăn mấy vòng, da mặt bị bóc vắt từ bên này sang bên kia. Thấy con gấu tiếp tục sấn tới, anh liền lao vào cứu Hưng thì bị gấu tát trúng vào hàm dưới làm anh gãy xương quai hàm và bóc một phần da mặt.

Anh chụp 2 tay con gấu giằng co với nó để tránh những cái tát tiếp theo. Chừng được mươi phút, anh lựa thế ngồi xuống, lấy chân đạp vào bụng gấu để nó lật về phía sau, vì sau lưng anh là vực thẳm. Trước khi bị rơi xuống vực, con gấu đã kịp dùng chân sau đạp đúng vào tai trái, móc toác toàn bộ cuống tai và phần da mặt còn lại của anh.

Hai anh em được người làng cứu về chữa trị. Chị gái của Hưng, cảm cái tình anh đã cứu em trai mình nên tình nguyện làm vợ anh mà không phải làm đám cưới. Anh chị có với nhau 4 đứa con. Sau vụ tai nạn, sức khỏe xuống hẳn, xương quai hàm bị gãy, tai trái điếc đặc, anh bất đắc dĩ đành ở lại làng.

Nhìn vợ con đói kém, anh lặn lội học được nghề mộc về làm mấy thứ lặt vặt trong làng để đắp đổi qua ngày. “Tui như ri là may chán, nhiều người trong làng cũng bị tai nạn, không đủ sức đi rừng đành dật dờ ăn bám vợ con mà không thể kiếm được việc làm. Ở đây chú gặp đàn ông con trai còn trẻ mà ở nhà thì không tai nạn cũng là bệnh tật” - anh Đợi nói.

Không được mấy người may mắn như anh Đợi ở làng Chày Lập
Không được mấy người may mắn như anh Đợi ở làng Chày Lập.

Nhọc nhằn sinh kế

Nằm ngay cửa ngõ phía Bắc dẫn vào vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, thôn Chày Lập bị bao bọc 4 phía bởi trùng trùng, điệp điệp núi đá vôi. Trên con đường làng nhỏ hẹp, nhầy nhụa bùn đất, thi thoảng mới bắt gặp một vài người phụ nữ tất tưởi, bước thấp bước cao, đôi vai nặng trĩu gánh củi khô.

Mời khách uống hết li nước lá rừng có vị ngai ngái, ông Võ Xuân Thái - trưởng thôn Chày Lập kể, ông nguyên là thầy giáo quê ở dưới xuôi lên dạy học, lấy vợ trong làng và định cư hẳn ở đây. Nén tiếng thở dài, ông Thái bảo: “Nhìn cảnh làng vì nghèo phải táo tác khắp nơi mà xót.

Tiếng là làm nông nghiệp nhưng thực chất miếng cơm manh áo của hầu hết người dân chúng tôi xưa nay vẫn nhờ vào rừng. Gần cả ngàn con người mà chỉ có vài chục hécta đất trồng màu, lại đa phần là đá sỏi thì lấy gì sống. Không vào rừng không được chú ạ!”.

Ở Chày Lập, nghề rừng được chuyên nghiệp hóa, từ săn bắt hái lượm, khai thác gỗ lậu, đến ngậm ngải tìm trầm, tìm huê (sưa)… tùy theo độ tuổi và sức khỏe của từng người đàn ông trong làng. Tuy nhiên, sự hào phóng của rừng cũng có hạn.

Người dân Chày Lập đã bắt đầu hiểu ra được điều này, khi mà ngày càng nhiều người đành chịu về tay không sau mỗi chuyến đi dài. Trước đây chỉ cần vào rừng vài ngày về là có cái để bán mua gạo cơm, nhưng nay thì phải lặn lội cả tháng mà chưa chắc đã có gì để mang về.

Phong trào đi miền Nam làm thuê đang thu hút lớp trẻ ở Chày Lập. Trình độ thấp, không có tay nghề, đa số họ chỉ tham gia lao động phổ thông, lương ba cọc, ba đồng, tiết kiệm lắm mới gửi được một ít về cho gia đình.

“Cứ ra Tết là làng vắng tanh, chỉ còn lại phụ nữ, người già và trẻ con. Đàn ông khỏe mạnh trong làng, người thì mang gùi lên rừng, kẻ thì nhảy tàu xe vào miền Nam tìm việc, vậy mà cái nghèo cứ bám riết lấy làng không tha. Mang được miếng ăn về nhà thì bệnh tật, tai nạn cũng về theo. Làng có 193 hộ thì có đến 138 hộ nghèo” - ông Thái nói.

Những thửa ruộng nhấp nhô và đầy đá sỏi không đủ nuôi sống gia đình chị Hồng và người dân Chày Lập
Những thửa ruộng nhấp nhô và đầy đá sỏi không đủ nuôi sống
gia đình chị Hồng và người dân Chày Lập.

Vọng phu

Những người phụ nữ ở Chày Lập đa phần phải gánh thêm những công việc của đàn ông. Họ chờ đợi, ngóng trông trong cơ cực với hi vọng người ra đi mang tiền của về trợ giúp gia đình. Chúng tôi cố gắng bắt chuyện nhiều phụ nữ, nhưng duy nhất chị Xuân là chịu đứng lại nói chuyện.

Năm nay 45 tuổi, nhà chị có 6 đứa con. Một theo chúng bạn vào Nam làm ăn, 2 đứa theo cha vào rừng tìm gỗ huê, số còn lại đang học tiểu học. Ra Tết chị vay mượn tiền đóng gùi cho 3 cha con đi rừng hết 3 triệu đồng nhưng đến nay vẫn chưa về.

“Ngày trước huê nhiều, đi chừng một tuần là có hàng mang về bán. Nay đắt đỏ thì huê không còn, giờ chủ yếu đi mót lại vai vỏ, rễ cành đi xa hơn, lâu hơn. Hơn tháng trời, chuyến nào may thì lãi chừng 2 triệu. Về nghỉ ngơi một hai ngày lại lên đường đi tiếp, toàn bộ việc nhà giao lại cho tui. Khổ lắm chú ơi, nhưng phải chịu chứ biết răng được, ở nhà thì đói”.

Gặp hai chị em Hồng đang làm cỏ trên ruộng lạc, gặng hỏi mãi Hồng mới chịu trả lời. Hồng năm nay 22 tuổi, lấy chồng được 2 năm, thì cũng là 2 năm chồng đi biền biệt làm thuê trong Nam, cận Tết mới về. Hồng ở nhà cùng cha mẹ chồng già yếu, làm ruộng và chờ những khoản tiền tiết kiệm của chồng gửi về nuôi cha mẹ.

Chưa kịp sinh con, nhưng vợ chồng phải chấp nhận xa nhau. Năm đầu xa vợ, chồng của Hồng vào làm phụ nề ở Vũng Tàu còn được ít tiền gửi về. Năm thứ 2 nghe bạn bè rủ rê đi biển kiếm nhiều tiền hơn thế là đổi nghề, nhưng thất bát.

“Xưa nay anh ấy quen nghề rừng chứ có quen nghề biển đâu, nên thu nhập sa sút. Dành dụm cả năm đưa về được mấy triệu đồng, tiêu pha trong mấy ngày Tết hết tiền, vừa rồi em phải vay tiền để anh ấy đi lại” - Hồng tâm sự.

Loay hoay tìm lối thoát nghèo

Ông Nguyễn Văn Hiền - Bí thư Đảng ủy xã Phúc Trạch đăm chiêu khi nói về Chày Lập. Theo ông Hiền, Chày Lập là thôn nghèo nhất so với 6 thôn trong xã, vì thế, các chương trình dự án tạo sinh kế cho dân do Nhà nước và các tổ chức quốc tế tài trợ đa phần xã dành ưu tiên cho địa phương này. Tuy nhiên, đến nay hầu hết dự án không phát huy hiệu quả.

Hỏi chị, vì sao những người phụ nữ chúng tôi gặp có vẻ lảng tránh, chị Xuân, 43 tuổi, cười: “Đàn ông con trai trong làng đi cả, gặp mấy chú, không tránh mặt mới là chuyện lạ. Tui già rồi không sợ, chứ họ sợ người làng dị nghị, lời ra tiếng vào, đến khi chồng về hay giả chưa biết nhưng chắc là nhừ đòn”.  

Đầu tư quy mô và bài bản nhất phải kể đến mô hình du lịch cộng đồng do tổ chức Counterpart International VietNam (Hoa Kỳ) tài trợ cuối năm 2007. Cuối năm 2009, khi cán bộ dự án rút thì lượng khách đến với Chày Lập giảm dần.

Nguyên nhân là do người dân ở đây chưa quen làm du lịch, tiếng Anh giao tiếp thì trả lại hết cho thầy… Năm 2009 có 221 khách đến với Chày Lập, năm 2010, 185 khách và từ đầu năm đến nay mới chỉ có 18 khách. Hơn 20 người dân tham gia dự án nhiều tháng liền không có thu nhập, lại đành phải táo tác kiếm sống.

“Tạo lập sinh kế bền vững ở Chày Lập đang thực sự khó khăn. Trồng trọt và chăn nuôi thì không còn đất, làm nghề phụ thì chưa tìm được nghề phù hợp cho dân. Xã đang huy động vốn từ nhiều nguồn để làm công trình thủy lợi cho 15 ha đất trồng lúa lâu nay vẫn bỏ hoang ở Chày Lập. Nếu thành công thì cũng chỉ góp thêm được cho người dân khoảng 2 tháng lương thực, những tháng còn lại chưa biết lấy gì lấp vào” - ông Hiền cho biết.

Cuộc sống khó khăn, cộng với đường đến trường lắm thác, nhiều ghềnh nên việc học hành của con em Chày Lập lâu nay không được gia đình quan tâm. Đa số các em học xong tiểu học trường làng là bỏ học ở nhà theo cha vào rừng, số rất ít học lên cấp 2, còn cấp 3 thì càng hiếm. Nhiều đơn vị về làm du lịch ngay sát nách Chày Lập, có ý muốn nhận con em trong làng vào làm việc nhưng đành chịu vì không có trình độ.

Ở Chày Lập không ít người đàn ông trong làng thành tàn phế vì rừng thiêng, nước độc. Ít ai kiếm được một nghề nuôi sống bản thân và gia đình như anh Đợi. Người lành lặn, khỏe mạnh trong làng chưa kiếm nổi việc làm ngay tại quê hương, nói chi những người tàn phế.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Các nhà hảo tâm cùng báo Tiền Phong tri ân thầy cô giáo vùng lũ Yên Bái
Các nhà hảo tâm cùng báo Tiền Phong tri ân thầy cô giáo vùng lũ Yên Bái
TPO - Nhằm động viên, hỗ trợ cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, các thầy cô giáo và các trường học bị ảnh hưởng bởi thiên tai trên địa bàn tỉnh Yên Bái, Công ty TNHH Wonder Union cùng báo Tiền Phong đã trao nhiều phần quà giá trị cho các học sinh, giáo viên công tác tại trường Tiểu học và Trung học cơ sở Minh Bảo, xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái.
'Xơ xác' di tích Lầu ông Hoàng ở Phan Thiết
'Xơ xác' di tích Lầu ông Hoàng ở Phan Thiết
TPO - Lầu ông Hoàng là một di tích tham quan nổi tiếng tọa lạc trên ngọn đồi tuyệt đẹp ở phường Phú Hài, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Mặc dù đã được tỉnh Bình Thuận phê duyệt chủ trương đầu tư hàng chục tỷ đồng, nhưng đến nay Lầu ông Hoàng có nhiều hạng mục bị xuống cấp, chưa được nâng cấp và trùng tu đúng mức.