Lang thang ở thủ đô Nam Phi - Bài 1

Vô tư bày bán hàng trên vỉa hè
Vô tư bày bán hàng trên vỉa hè
TP - Đến Nam Phi, người nước ngoài thường được khuyến cáo về “đặc sản” cướp của giết người, HIV… dù đây là quốc gia phát triển nhất Lục địa Đen. Tuy nhiên, hòa mình vào nhịp sống của hơn 2 triệu cư dân Pretoria, thủ đô hành chính của Nam Phi mới thấy còn nhiều điều thú vị hơn.
Vô tư bày bán hàng trên vỉa hè
Vô tư bày bán hàng trên vỉa hè.

Nam Phi được biết đến nhiều sau World Cup 2010, nhưng thủ đô hành chính Pretoria vẫn là vùng đất còn nhiều bí ẩn đối với người nước ngoài.

Nền kinh tế chiếm tới hơn 40% tổng sản phẩm của cả Lục địa Đen với hơn 50 quốc gia - Đủ thấy Nam Phi phát triển mạnh mẽ và nhịp sống hối hả tới mức nào. Tuy nhiên, không khí ở Pretoria lại chậm rãi, yên bình đến lạ. Pretoria được giảm tải nhiều khi Nam Phi có thủ đô tư pháp, hành pháp riêng và đây cũng không phải là trung tâm kinh tế.

Là nơi đặt trụ sở của hầu hết các cơ quan chính quyền trung ương, đại sứ quán…, nhưng Pretoria, thuộc tỉnh Gauteng, không có sân bay quốc tế. Mọi chuyến bay đến Nam Phi đều hạ cánh ở sân bay mang tên người anh hùng dân tộc Tambo ở Johannesburg, thành phố giàu và đông đúc nhất quốc gia này. Pretoria cách Johannesburg hơn 50 km về phía nam, nhưng với hệ thống giao thông thuận tiện, thường chỉ mất chưa đến 1 giờ để đi ô tô từ sân bay quốc tế Tambo về thủ đô Pretoria.

Khác với sự sầm uất, hối hả và ngột ngạt ở thủ đô kinh tế Johannesburg, người dân ở Pretoria chủ yếu là công chức và làm dịch vụ liên quan tới cơ quan nhà nước thường nói “không có gì phải vội” mỗi khi bị than phiền. Việc đăng ký thẻ đại biểu tới Protoria tham dự Festival Thanh niên và sinh viên Thế giới lần thứ 17 (Festival 17) là một ví dụ.

Trong khi hàng trăm đại biểu thanh niên tỏ ra mệt mỏi, sốt sắng vì phải chờ đợi sau hành trình dài tới Pretoria, các viên chức phụ trách công tác đăng ký vẫn chậm rãi làm mọi thủ tục cần thiết, tuân thủ đúng nguyên tắc đề ra. Chậm, nhưng chắc và chính xác từ khâu kiểm tra nhân thân qua hộ chiếu, chụp ảnh, in thẻ… và phát thẻ ngay tại chỗ nên hầu hết đại biểu sau đó đều hài lòng.

Xe của chúng tôi đến Pretoria đúng giờ cao điểm buổi sáng của ngày làm việc hành chính cuối cùng trong tuần, nhưng đường phố chỉ có sự hiện diện của ô tô, họa hoằn mới có xe máy phân khối lớn, không diễn ra cảnh ùn tắc như nhiều thủ đô khác trên thế giới. Nhà hàng KFC, McDonald’s, siêu thị mini luôn chật kín người trong ngày làm việc cuối cùng của tuần, nhưng mọi người đều kiên nhẫn xếp hàng chờ đến lượt, không chen lấn xô đẩy.

Dấu ấn Trung Quốc hiển hiện khắp thành phố
Dấu ấn Trung Quốc hiển hiện khắp thành phố.

Yên bình, cổ kính

Pretoria nổi tiếng khắp thế giới với loài hoa phượng tím Jacaranda. Anh Sanki, quê ở Johnnesburg, nhiều năm làm bảo vệ ở ký túc xá Đại học Công nghệ Tshwane, cho biết du khách nước ngoài thường đổ về đây vào tháng 10, 11 khi cả thành phố nhuộm sắc tím. Chúng tôi đến đây khi những hàng cây phượng tím ken đặc hai bên đường phố.

Nam Phi có ba thủ đô, gồm thủ đô hành chính Pretoria, lập pháp Cape Town và tư pháp Bloemfontein. Trong khi đó, Johannesburg là thành phố đông dân và phát triển nhất nước này. 

Cây xanh, công viên, vườn sinh thái và công trình gắn liền với lịch sử như tượng đài Voortrekker, người mở đường châu Phi; tòa nhà liên bang; hàng loạt các trường đại học có từ thế kỷ 18 - 19, các nhà thờ Thiên chúa giáo… tạo nên nét yên bình, cổ kính và quyến rũ của thành phố nằm bên sông Apies. Không có nhiều tòa nhà chọc trời như Johannesburg, thủ đô Pretoria được cho là giống với các thành phố Âu châu.

Pretoria còn được biết đến như thành phố đại học khi hầu hết các trường học nổi tiếng, chất lượng nhất của Lục địa Đen đều tập trung tại đây. Việc hàng chục ngàn sinh viên nghỉ hè vào dịp cuối năm cũng giúp thành phố trở nên ít sôi động hơn, đặc biệt tại những khu vực có nhiều trường đại học.

Hai ngày cuối tuần rảo bước tại trung tâm thủ đô hành chính, cuộc sống dường như còn chậm hơn. Đang mùa hè nên mới 5 giờ trời đã bắt đầu hửng nắng. Những người kiếm sống trên hè phố dọc đại lộ Skinner, phố Pretorious & Schoeman, Paul Kruger… mãi tận 11 giờ mới bắt đầu dọn băng đĩa, sách báo, hàng tạp phẩm, hoa quả và đồ nghề rửa xe siêu tốc để kiếm tiền vào dịp cuối tuần. Đội ngũ ăn xin chuyên nghiệp thường xuyên túc trực tại các ngã tư đột nhiên lười quỳ xin tiền tài xế mỗi khi có đèn đỏ.

Các cửa hàng kinh doanh, siêu thị mini… thường mở cửa từ 9 giờ sáng, nhưng vào ngày cuối tuần phải mãi tận trưa mới bán hàng và từ 3-4 giờ chiều đã đóng cửa, sớm hơn 2 tiếng so với ngày thường. Như nhiều thành phố khác của châu Âu, hầu hết cửa hàng dọc các khu phố vốn sầm uất của Pretoria đều đóng cửa vào chủ nhật, càng giúp tăng thêm nét thanh bình của thành phố.

Vỉa hè thành nơi trú ngụ của người ăn xin
Vỉa hè thành nơi trú ngụ của người ăn xin.

Dấu ấn Trung Quốc

Ní hảo (xin chào – tiếng Trung) là câu cửa miệng của người dân Pretoria mỗi khi chúng tôi xuất hiện, đủ thấy ảnh hưởng của người Hoa ở vùng đất này. Ông Mecil, người gốc Ấn, chủ cửa hàng tạp hóa ở số 262, phố Bosman cho biết người gốc Ấn kinh doanh nhiều ở khu vực này, nhưng không thể so sánh với người Hoa. Hàng hóa giá rẻ made in China tràn ngập Pretoria từ ô tô, đồ điện gia dụng, điện thoại, máy nghe nhạc đến quần áo, túi xách, giày dép và dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Giống nhiều nước phát triển, giá ô tô ở Nam Phi chỉ bằng 30 - 40% so với ở Việt Nam. Trên đường phố cũng có sự hiện diện của đủ nhãn hiệu nổi tiếng trên thế giới và tất nhiên có xe của Trung Quốc.

Khu vực ngoại thành có hàng chục bãi xe cũ, tập trung ở đường Atteridgville, nơi chỉ cần bỏ ra 30.000-50.000 rand (90 triệu - 150 triệu đồng) có thể sở hữu một chiếc Toyota - Corolla đã sử dụng trên 15 vạn km (vừa hết bảo hành). 

Mặc dù chưa được chính quyền công nhận, nhưng khu vực ngay phía sau Quảng trường Nhà thờ nay đã được dân địa phương gọi là China Town (Phố Tàu). Hai cửa hàng lớn nhất ở ngã tư phố Bosman và Schoeman đều do người Hoa làm chủ.

Dù mới đến định cư ở Pretoria khoảng dăm năm, nhưng hầu hết người Hoa đều làm chủ và thường thuê người da màu địa phương làm các công việc như quét dọn cửa hàng, rửa bát đĩa và phục vụ khách.

Gia đình thuộc ba thế hệ của ông Lý Huyền Châu quê ở Phúc Kiến (Trung Quốc) hiện làm chủ siêu thị ở ngã tư kể trên. Hôm chúng tôi đến mua hàng cũng là lúc anh Lý Huyền Minh, con ông Châu, đang túm cổ áo, tống cổ một thanh niên da đen to cao hơn mình ra khỏi cửa hàng vì anh này có ý định chôm đồ.

Tại Pretoria chưa có thống kê chính thức, nhưng trên toàn Nam Phi ước tính hiện có hơn 350.000 người Hoa sinh sống, tập trung nhiều nhất tại Johannesburg.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG