Đi theo cách mạng

Bà Đoàn Thị My (trái) và cháu gái Đoàn Thị Nguyên Phương
Bà Đoàn Thị My (trái) và cháu gái Đoàn Thị Nguyên Phương
TP - Những năm 30 đến 50 của thế kỷ trước, tên tuổi nhà doanh nghiệp Đoàn Đức Trình (tức Đoàn Vạn Vân) được rất nhiều người biết. Ngay cả khi nhạc sĩ Đoàn Chuẩn trở nên nổi tiếng với những tình khúc mùa thu của mình, danh tiếng ông Đoàn Vạn Vân vẫn không thua em trai.

>> Kỳ 1: Phía sau những tình khúc

Bà Đoàn Thị My (trái) và cháu gái Đoàn Thị Nguyên Phương
Bà Đoàn Thị My (trái) và cháu gái Đoàn Thị Nguyên Phương . Ảnh: K.N

Bước ngoặt

Năm 1932, giữa lúc thương hiệu nước mắm Vạn Vân đang phát triển thì doanh nhân Đoàn Đức Ban qua đời. Trước biến cố này, người con cả là Đoàn Đức Trình đứng ra tiếp quản cơ nghiệp với sự giúp đỡ của mẹ là cụ Lê Thị Yến.

Để khẳng định quyết tâm phát triển thương hiệu của gia đình, ông Đoàn Đức Trình đổi tên thành Đoàn Vạn Vân. Nhà doanh nghiệp trẻ này mạnh dạn thay đổi quy trình sản xuất nước mắm của gia đình, từ chỗ chỉ đổ muối một lần, nay được ướp tới ba hoặc bốn lần muối trước khi nấu. Việc cải tiến này khiến cá phân hủy nhanh hơn, ngấu hơn, chất lượng nước mắm ngon hơn.

Ông Đoàn Vạn Vân còn phân nguyên liệu muối ra 3 loại là muối ngoài, muối giữa và muối trong. Thời đó chưa có muối tinh nên muối giữa được sản xuất như một loại muối tinh, đắt gấp đôi muối ngoài và muối trong. Muối giữa chỉ dùng sản xuất nước mắm đặc biệt với nhãn hiệu Premier jus de sardine (nước mắm chắt làm từ cá sác-đin), hai loại muối còn lại dùng sản xuất các loại nước mắm thường.

Năm 1935, ông Đoàn Vạn Vân chuyển cửa hàng từ cuối phố Hàng Nâu lên đầu phố này để gần cầu Long Biên và hai chợ Bắc Qua, Đồng Xuân, thuận tiện hơn cho việc kinh doanh. Địa điểm kinh doanh mới này (nay là 24 phố Trần Nhật Duật) được Hãng nước mắm Vạn Vân thuê của nhà in Lê Văn Tân, một cơ sở in lớn của Hà Nội thời bấy giờ.

Ông Đoàn Vạn Vân và vợ
Ông Đoàn Vạn Vân và vợ.

Việc sản xuất kinh doanh của hãng ngày một phát triển, tiếp tục khẳng định thương hiệu ở thị trường trong nước. Năm 1939, Hãng nước mắm Vạn Vân bắt đầu xuất khẩu sang Pháp và một số nước châu Âu nước mắm Premier jus de sardine và nước mắm cô đặc (dưới dạng bột) với nhãn hiệu Poudre de saumure. Điều này chứng tỏ: Ngay từ thời đó, bằng sức sáng tạo và quyết tâm, hàng Việt Nam đã tìm được chỗ đứng ở thị trường nước ngoài.

Về phía Đoàn Chuẩn, khi cha mất, ông mới 8 tuổi. Ông được mẹ cho lên Hà Nội học và ở với anh trai. Bà My cho biết: “Từ đầu, mẹ tôi không hướng cho anh Chuẩn tiếp nối việc kinh doanh nước mắm của gia đình, mà cho đi học để khi đỗ tú tài sẽ thi vào trường luật hoặc trường thuốc. Tuy nhiên, anh tôi lại có khiếu âm nhạc từ nhỏ, trong túi luôn có cây kèn ac- mô- ni- ca để mỗi khi cao hứng lại mang kèn ra thổi.

Năm hơn 10 tuổi, anh tôi xin tiền mẹ mua đàn guitare và rất thích thú với loại nhạc cụ này. Thấy con trai say mê âm nhạc, mẹ tôi không cản mà để anh Chuẩn phát huy năng khiếu của mình. Con đường âm nhạc gắn liền với anh tôi từ đó, để sau này trở thành nhạc sĩ với những sáng tác được mọi người biết đến như Thu quyến rũ, Gửi gió cho mây ngàn bay, Gửi người em gái...”.

Thu quyến rũ

Năm 1944, khí thế Cách mạng sôi sục ở Việt Nam khiến nhà doanh nghiệp Đoàn Vạn Vân được giác ngộ và tham gia Mặt trận Việt Minh. Thời gian này, để chủ động có thêm nguồn tài chính lớn, Trung ương Đảng quyết định phát hành Tín phiếu Việt Nam. Ông Đoàn Vạn Vân mua một lúc hai tín phiếu loại 10.000 đồng Đông Dương, một số tiền lớn thời đó.

Tại trụ sở của Hãng nước mắm Vạn Vân tại 24 Hàng Nâu, ông Vạn Vân cho xây hầm bí mật ở phía sau để nuôi giấu cán bộ Việt Minh. Nơi đây cũng là điểm trú chân cho các đội viên Đội Thanh niên xung phong (TNXP) thành Hoàng Diệu.

Có lần, phát xít Nhật bất ngờ ập đến 24 Hàng Nâu để vây ráp. Thấy động, bảo vệ của hãng kịp thời báo để cán bộ Việt Minh thoát ra ngoài. Khi lính Nhật vào khám xét, chỉ thấy toàn đồ đạc sang trọng, được bày ngăn nắp, thể hiện phong thái của một gia đình kinh doanh lớn nên không nghi ngờ và rút lui

Trụ sở hãng nước mắm Vạn Vân tại Hà Nội
Trụ sở hãng nước mắm Vạn Vân tại Hà Nội.

Thời gian này, ông Đoàn Vạn Vân hoạt động trong Mặt trận Việt Minh, bí mật tham gia tổ chức tài chính do đồng chí Nguyễn Lương Bằng phụ trách. Khi Nhật đảo chính Pháp, do ông Vạn Vân vắng nhà thường xuyên nên bà Đoàn Thị My được mẹ điều từ Hải Phòng lên Hà Nội để trông cửa hàng.

Lúc này, Đoàn Chuẩn cũng tham gia Đội TNXP thành Hoàng Diệu. Bà My kể: “Sắp tới ngày tổng khởi nghĩa Tháng Tám, anh Chuẩn bảo tôi mua vải để may cờ cho Đội TNXP thành Hoàng Diệu. Ngày ấy mua vải màu vàng để làm ngôi sao thì dễ, nhưng vải đỏ làm nền cờ thì tìm mãi không mua được. Thế là tôi đành mua vải trắng, sau đó đem nhuộm đỏ để may thành cờ cho một số đội viên Đội TNXP thành Hoàng Diệu tham gia cướp chính quyền ở Hà Nội”.

Cách mạng Tháng Tám thành công, ông Vạn Vân công tác trong Ủy ban Cách mạng Lâm thời Hà Nội. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ông lên chiến khu tiếp tục công tác trong tổ chức tài chính của đồng chí Nguyễn Lương Bằng.

Thời kỳ này Hãng nước mắm Vạn Vân ngừng sản xuất nước mắm Rồng Vàng và Lá Cờ, chỉ còn nước mắm Con Hổ. Trong bối cảnh Hà Nội loạn lạc, các thành viên trong gia đình ông Vạn Vân người thì theo ông lên chiến khu, còn lại phải đi sơ tán. Tuy vậy, hoạt động của hãng tại Cát Hải, Hải Phòng và Hà Nội vẫn được duy trì.

Đến năm 1951, một số thành viên của gia đình ông Vạn Vân trở lại Hà Nội, tiếp tục phát triển sản xuất kinh doanh. Lúc này, trụ sở của hãng thuê tại 24 Hãng Nâu đã đổ nát, gia đình đã mua lại một phần mảnh đất này để xây trụ sở mới. Lúc này, từ chiến khu, ông Vạn Vân bí mật liên hệ với gia đình để chế ra nước mắm Con Hổ cô đặc rồi chuyển ra chiến khu phục vụ kháng chiến.

Khi thương hiệu phát triển trở lại, Hãng nước mắm Vạn Vân vừa kinh doanh, vừa phục vụ kháng chiến. Việc chuyển tiền hoặc vàng cho kháng chiến do người nhà ông Vạn Vân đảm nhiệm.

Bà My nhớ lại: “Có lần vào năm 1953, tôi giấu hơn chục lạng vàng lá vào giày của cháu Phương (Đoàn Thị Nguyên Phương, con gái ông Đoàn Vạn Vân-PV) rồi hai cô cháu xuống chợ Rồng (Nam Định). Khi đó, cháu Phương mới 10 tuổi nên địch chẳng mấy nghi ngờ nên không khám xét.

Đến điểm hẹn, khi chúng tôi đưa ảnh chân dung anh tôi xé làm đôi để làm ám hiệu nhận nhau với người của cơ sở cách mạng cũng có nửa tấm ảnh còn lại khớp khít vào nhau. Sau đó, vàng được giao để chuyển đi”.

Sau giải phóng Thủ đô, ông Đoàn Vạn Vân trở thành cán bộ Ban tiếp tế Ủy ban Quân chính Hà Nội, rồi cán bộ tư sản vận Ủy ban Liên Việt Hà Nội. Năm 1959, các nhà sản xuất nước mắm ở Cát Hải hợp lại thành Xí nghiệp nước mắm Cát Hải.

Ông Vạn Vân đã hiến cả cơ sở sản xuất nước mắm của mình vào Xí nghiệp này và trở thành Phó Giám đốc. Xí nghiệp nước mắm Cát Hải (nay là Cty Cổ phần chế biến dịch vụ Cát Hải) hoạt động vẫn dựa trên quy trình sản xuất nước mắm của hãng Vạn Vân.

Trên cương vị mới là Phó Giám đốc kỹ thuật, ông Vạn Vân tiếp tục có những cải tiến để quy trình làm nước mắm của Xí nghiệp tốt hơn. Với những đóng góp của mình, trước khi nghỉ hưu (năm 1977), ông Đoàn Vạn Vân được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Ba.

" Chúng tôi đánh giá rất cao công lao của ông Đoàn Vạn Vân đã để lại cho Cty một quy trình làm nước mắm phù hợp đến ngày nay. Việc giữ được quy trình này còn có ý nghĩa duy trì thương hiệu nước mắm Vạn Vân của thế hệ trước để lại" - Ông Vũ Văn Cao, giám đốc Cty Cổ phần chế biến dịch vụ Cát Hải 
MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.