Ls Trần Hải Đức: Quy định “Thực phẩm nguy cơ cao” đã hết hiệu lực!
Hoạt động kinh doanh thực phẩm ăn sáng, ăn trưa có thuộc nhóm “Thực phẩm có nguy cơ cao” để buộc phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm hay không?. Khái niệm “thực phẩm có nguy cơ cao” được quy định tại Điều 2 Quyết định số 11/2006/QĐ-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế ngày 09/3/2006 đã hết hiệu lực từ ngày 15/01/2013). Vì vậy, Công an huyện Bình Chánh căn cứ vào văn bản nói trên là không có giá trị pháp lý để buộc tội.
Đến nay, Quyết định 11/2006 đã được thay thế bằng Thông tư số 26/2016/TT-BYT ngày 30/1/2016 quy định cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, nước khoáng thiên nhiên, nước uống đóng chai; dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế.
Ngoài ra, tại điểm b, Khoản 1 Điều 12 Nghị định số 38/2012/NĐ-CP ngày 25/4/2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm, thì các trường hợp sau đây không cần phải xin cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm bao gồm: Sản xuất ban đầu nhỏ lẻ; kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ; bán hàng rong; kinh doanh thực phẩm bao gói sẵn không yêu cầu đều kiện bảo quản đặc biệt theo quy định.
Từ các quy định pháp luật trên cho thấy hoạt động kinh doanh ăn sáng, cơm trưa văn phòng của ông Nguyễn Văn Tấn không cần phải có giấy phép con; việc khởi tố và truy tố của Công an, Viện KSND huyện Bình Chánh là không có căn cứ pháp luật.
Luật sư Hà Hải: Vụ án có dấu hiệu oan sai
Việc Công an huyện Bình Chánh dựa vào biên bản kiểm tra lần 2, xác định ông Tấn không có giấy phép đủ điều kiện về an toàn vệ sinh thực phẩm để xác định ông Tấn kinh doanh trái phép là không đúng. Bởi theo Thông tư 26/2012/TT-BYT thì ông Tấn cần khoảng 150 ngày để nộp hồ sơ và được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhưng cơ quan công an lại tiến hành kiểm tra lần 2 cách lần 1 chưa đầy 1 tháng thì làm sao ông Tấn cung cấp được Giấy chứng nhận mà lại áp dụng quy định “Đã xử phạt vi phạm hành chính mà còn tái phạm”.
>>Bán phở, chậm đăng ký kinh doanh 5 ngày: Bị xử lý hình sự
Đồng thời, khoản 1 Điều 31, khoản 4 Điều 34 của 178/2013/NĐ-CP quy định chỉ có Trưởng Công an huyện mới có thẩm quyền lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm. Biên bản xử lý vi phạm hành chính của cả 2 lần là do 2 cán bộ công an, không phải Trưởng Công an Bình Chánh là không đúng thẩm quyền. Việc sai thẩm quyền trong biên bản xử phạt vi phạm hành chính dẫn đến Quyết định xử phạt không có giá trị pháp lý.
Sử dụng một quyết định thiếu cơ sở pháp lý để khởi tố vụ án, khởi tố bị can và không xem xét, kiểm tra toàn diện các quy định pháp luật chuyên ngành trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, vội vàng trong việc áp dụng Điều 159 BLHS để khởi tố ông Tấn là không đúng nên tôi cho rằng vụ án có dấu hiệu oan sai.
Ls Đinh Thị Quỳnh Như: Biên bản vi phạm ký sau là không đúng luật
Biên bản kiểm tra lần 1 kết thúc lúc 9 giờ 15, nhưng đến 10 giờ mới có người ký, dù người đó là ai cũng không đúng quy định. Cụ thể, thời điểm lập biên bản là 9 giờ và kết thúc vào 9 giờ 15 nhưng Nguyễn Thị Sơn Trang - người ký tên vào mục “Người chứng kiến hoặc đại diện chính quyền” lại ký vào lúc 10 giờ (khi biên bản đã lập xong – không thể cho ý kiến khách quan vì không có mặt tại thời điểm lập biên bản). Ngoài ra, khi nhận lại bản photo thì có thêm chữ ký của anh Hoàng Sơn (được biết là cảnh sát khu vực) – người này trên thực tế hoàn toàn không tham gia khi lập biên bản nên việc ký vào biên bản là không phù hợp.
Đã vậy, sau khi lập biên bản tại hiện trường, công an mời anh Tấn lên để lập biên bản lần nữa để bổ sung thêm hành vi vi phạm càng không đúng pháp luật.
Cụ thể, theo khoản 2, khoản 3 Điều 58 Luật Xử lý Vi phạm hành chính 2012, thì: “Biên bản vi phạm hành chính phải ghi rõ…giờ, ngày, tháng, năm, địa điểm xảy ra vi phạm; hành vi vi phạm; biện pháp ngăn chặn vi phạm hành chính và bảo đảm việc xử lý; tình trạng tang vật, phương tiện bị tạm giữ…”. Do vậy, việc dựa vào các biên bản để xử lý dù hành chính hay hình sự điều sai.
Bà Phạm Thị Kim Ngân (Giám đốc khối khách hàng cá nhân Ngân hàng OCB): Xử kiểu này là “bít” cửa người kinh doanh!
Với việc xử lý kiểu này, khiến dư luận hoang mang. Không chỉ hộ kinh doanh cá thể lo lắng mà ngân hàng cũng không dám cho hộ kinh doanh vay vốn làm ăn. Nếu vụ án trở thành sự thật thì người dân chân chính bị “bít” cửa làm ăn. Vì cửa rơi vào tội phạm khá rộng cho người kinh doanh.
>>Bán phở, chậm đăng ký kinh doanh 5 ngày: Bị xử lý hình sự
Như vậy, các ngân hàng càng trở nên dè dặt, ái ngại hơn khi nhận đề nghị vay mở rộng kinh doanh của hộ kinh doanh. Vì ngân hàng sẽ nơm nớp lo sợ khách hàng mình liệu có mang án hình sự như trường hợp ông Tấn hay không và nếu điều đó xảy ra chắc chắn khách hàng không có khả năng hoàn vốn. Ngân hàng càng cẩn trọng, hộ kinh doanh càng khó khăn khi tiếp cận vốn vay, khó khăn lại chồng khó khăn, người nghèo rơi vào cái vòng lẩn quẩn… Điều đó không phù hợp với thể chế kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa của nước ta.
Ls Nguyễn Kiều Hưng: Công an huyện đang cố “Vạch lá tìm sâu”
Có quá nhiều vi phạm trong hoạt động tố tụng của cơ quan CSĐT – Công an huyện Bình Chánh. Việc “Vạch lá tìm sâu” để xử phạt các hành vi vi phạm hành chính trong kinh doanh, rồi tiếp tục ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính lần thứ 2 nhằm củng cố căn cứ để “hình sự hóa” vi phạm này, khiến dư luận không khỏi nghi ngờ về động cơ không trong sáng của các cán bộ, điều tra viên trong vụ án này.
Trong khi Hiến pháp 2013 đã thể hiện rõ tư tưởng tôn trọng và đảm bảo quyền tự do kinh doanh theo nguyên tắc người dân, doanh nghiệp được đầu tư, kinh doanh những gì pháp luật không cấm và Bộ luật Hình sự 2015 cũng đã bỏ "Tội kinh doanh trái phép", thì hoạt động tố tụng của Công an huyện Bình Chánh chẳng khác gì đi ngược lại chủ trương, chính sách của Nhà nước (?!).
Dù Bộ luật Hình sự 2015 chưa có hiệu lực (có hiệu lực vào ngày 1-7 tới), thì việc khởi tố vụ án cũng phải có căn cứ vững chắc, không thể tùy tiện như vậy được. Khoản 1 điều 159 Bộ luật Hình sự 1999 đã quy định rất rõ, muốn xử lý hình sự hành vi “Kinh doanh trái phép” thì phải đảm bảo 2 điều kiện: Đã bị xử phạt hành chính về hành vi này…hoặc, hàng hóa phạm pháp có giá trị từ một trăm triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng.
Trong khi đó, hành vi được xem là vi phạm lần thứ 2 không cùng với hành vi vi phạm lần 1, chưa nói quy trình lập biên bản xử phạt như vậy là không đúng trình tự, không hợp pháp. Điều đó cho thấy hoạt động tố tụng của cơ quan CSĐT và VKSND huyện Bình Chánh có dấu hiệu xâm phạm hoạt động tư pháp – về hành vi “Truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội” quy định tại Điều 293 Bộ luật Hình sự.
>>Bán phở, chậm đăng ký kinh doanh 5 ngày: Bị xử lý hình sự