Va quẹt nhẹ, hậu quả khôn lường!
Trưa 20/9/2012, tại một giao lộ nội thành Buôn Ma Thuột xảy ra một vụ va quẹt giữa 2 xe máy, khiến 1 người đàn ông lớn tuổi và 1 nam sinh trung học cùng ngã xuống đường. Thấy người lớn tuổi nồng mùi bia rượu, nằm im không dậy được, nam sinh gọi xe taxi đưa ông ta vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk.
Khi thân nhân đến chăm sóc mới biết tên nạn nhân là Lê Phước Thọ, 67 tuổi. Tại bệnh viện, sau khi thăm khám, siêu âm, chụp CT, Scanner, xét nghiệm… kết quả cho thấy bệnh nhân Thọ không có tổn thương gì bên ngoài cơ thể, mà do đột qụy, liệt nửa người bên trái do xuất huyết vùng bao trong bán cầu não phải. Đây là bệnh lý nội khoa. Sau 10 ngày điều trị, tình trạng bệnh nhân ổn định, được bệnh viện cho xuất viện đồng thời chuyển đến bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh để tập phục hồi chức năng. Tại đây, ông Thọ cũng được chẩn đoán là “Liệt nửa người do tai biến mạch máu não”, điều trị thêm 10 ngày, bệnh đỡ, được về nhà uống thuốc theo đơn.
Nửa năm sau, nam sinh lớp 10 Đỗ Quang Thiện- người đưa ông Thọ vào viện bị khởi tố vì tội gây ra tai nạn giao thông, mà theo hồ sơ luận tội, thì vì vụ va quẹt này, mà ông Thọ tổn hại đến 50% sức khỏe!
Sự việc dần trở thành một vụ án phức tạp, khi Tòa án 2 cấp buộc tội nam sinh ở tuổi vị thành niên (16 tuổi 10 tháng 28 ngày) gây ra hậu quả nghiêm trọng, mặc dù em Thiện khẩn thiết kêu oan, luật sư cũng chứng minh quá trình xét xử phạm nhiều lỗi tố tụng. Tháng 8/2014, Tòa phúc thẩm phạt Thiện 9 tháng tù giam, buộc cha mẹ Thiện phải bồi thường cho ông Thọ các khoản chi phí, viện phí hơn 56 triệu đồng.
Vụ án càng gây bức xúc dư luận, khi cơ quan Thi hành án hình sự ngày 2/4/2015 đưa cả xe đặc chủng đến trường THPT Buôn Ma Thuột để áp giải em Thiện ngay giữa buổi học lên xe tù trước hàng nghìn ánh mắt hoảng sợ của thầy trò nhà trường. Xót thay cho bạn, tập thể lớp 12A2 đã đồng ký tên vào đơn kiến nghị gửi Chủ tịch tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh, Giám đốc Sở GD&ĐT xin cho Thiện được tạm hoãn thi hành án để chuẩn bị dự kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông sắp tới.
Giám đốc Công an tỉnh - Thiếu tướng Trần Kỳ Rơi cũng đã mời họp liên ngành, đề nghị xét cho Thiện được tại ngoại để tiếp tục học, thi tốt nghiệp. Nhưng đại diện Tòa án tỉnh trước sau vẫn cương quyết không chấp nhận
Sao không ai tin cháu?
Tối 17/5/2015 ông Đỗ Quang Thanh (bố em Thiện) ôm bộ hồ sơ kêu oan tìm đến báo Tiền Phong, đau khổ cho biết vì chuyện “tai bay vạ gió” này mà vợ chồng ông lâu nay chẳng làm ăn gì được, gia sản khánh kiệt vì phải kêu oan cho con trai.
Sáng 18/5 phóng viên đến bệnh viện tìm hiểu sự việc, sau khi nghe trình bày mục đích xin được xem lại toàn bộ hồ sơ bệnh án gần 3 năm trước của ông Lê Phước Thọ, lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh nhanh chóng đáp ứng yêu cầu. Giữa những trang bệnh án ghi chép rõ ràng tỉ mỉ có kẹp giấy giới thiệu xin trích lục hồ sơ của cơ quan điều tra, phóng viên chú ý đến một văn bản đặc biệt quan trọng, chưa từng được Tòa nhắc tới trong quá trình xét xử.
Đó là công văn phúc đáp số 696/BVĐKT ngày 26/9/2013 của Bệnh viện tỉnh về việc trả lời công văn số 1133 ngày 17/9/2013 của Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột, với nội dung “Giải thích một số vấn đề liên quan đến việc điều trị bệnh nhân Lê Phước Thọ tại Bệnh viện Đa khoa Đắk Lắk”. Theo đó, sau khi xem xét hồ sơ bệnh án, quá trình điều trị, ý kiến của các bác sĩ điều trị, lãnh đạo bệnh viện có đủ cơ sở để kết luận như sau: “Đây là bệnh nội khoa, không liên quan gì đến tai nạn giao thông, có thể đột quy xuất hiện làm cho bệnh nhân té xe trùng với thời điểm va chạm khi đang lưu thông trên đường. Vậy bệnh viện trả lời cho quý cơ quan được rõ”.
Kết luận của bệnh viện - nơi tiếp nhận điều trị cho ông Lê Phước Thọ ngay sau khi xảy ra vụ va quẹt xe ngày 20/9/2012 hoàn toàn phù hợp với cách mô tả sự việc của Thiện trong 2 phiên tòa, cho thấy ông Thọ đã chạy xe rất chậm và thình lình ngoặt trái mà không hề xin đường trong tình trạng có uống rượu trước đó. Một bác sĩ phán đoán: Rất có thể đó chính là lúc ông Thọ bị đột quỵ, còn Thiện xui xẻo chỉ vì bị ông đổ trúng vào mà lãnh án oan!
Điều khó hiểu nhất, là hồ sơ bệnh án và công văn số 696/BVĐKT lại không được dùng làm căn cứ xét xử, dù tới tháng 5/2014 Tòa mới xử sơ thẩm lần đầu. Về hậu quả xảy ra, Tòa 2 cấp chỉ căn cứ vào bản Kết luận pháp y thương tích số 1164 ngày 8/10/2012 do Trung tâm pháp y tỉnh cung cấp. Trong khi bản kết luận này chỉ có giá trị tạm thời trong 3 tháng, ghi tên 3 cán bộ tham gia nhưng có mỗi 1 giám định viên ký, lộ rất nhiều lỗi tố tụng, trong đó lỗi nghiêm trọng nhất là cố tình sửa nội dung bệnh lý, từ đột quỵ tức không có tỉ lệ thương tích thành chấn thương sọ não kèm tỉ lệ 50% mất sức. Bản kết luận pháp y này hoàn toàn không có giá trị pháp lý nhưng lại được cơ quan công tố dùng nó để buộc tội Thiện.
Chiều 19/5, được sự chuẩn y của lãnh đạo Công an tỉnh, chúng tôi vào trại giam thăm Thiện. Khoác chiếc áo tù, Thiện gầy gò, buồn bã nhưng sau khi đọc bản photocopy công văn 696, mắt em ngời lên tia hy vọng! Thiện nghèn nghẹn nói: Trước điều tra viên cũng như trước tòa cháu đều khai trước sau như một, về cái cách ông Thọ chạy xe chậm bất thường rồi bỗng dưng rẽ ngang mà không xi nhan, tông vào xe cháu và ngã xuống, chứ không phải cháu tông ông ấy. Sao không ai tin cháu? Bây giờ với công văn 696, sự thật đã rõ thế này, liệu cháu có thể được minh oan, lấy lại danh dự không? Cháu có được tiếp tục về học để ôn thi tốt nghiệp, rồi thi đại học không?
Tôi chỉ biết động viên Thiện vững tâm chờ đợi. Vì những khát khao khẩn thiết chính đáng ấy, bây giờ hoàn toàn phụ thuộc vào lương tâm, trách nhiệm và hành động của nhà chức trách các cấp.
Việc phát hiện Công văn phúc đáp số 696 (CV 696) của Bệnh viện Đa khoa tỉnh có ý nghĩa rất quan trọng để chứng minh em Đỗ Quang Thiện bị kết án oan sai. Tuy CV 696 chưa được coi là chứng cứ theo quy định tại Điều 64 BLTTHS, nhưng lại đóng vai trò rất quan trọng trong việc định tội em Thiện, bởi đối với tội “Vi phạm các quy định về điều khiển giao thông đường bộ”, thì hành vi vi phạm phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra hậu quả. Tại sao CV 696 không hề được đề cập trong suốt quá trình xét xử vụ án? Nếu Toà án không xem xét nội dung CV 696 mà đưa ra kết luận vội vàng, thì Toà đã vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc tố tụng cơ bản theo Điều 10, BLTTHS: “Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát và Toà án phải áp dụng mọi biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ…”.
Trong trường hợp này, gia đình em Thiện nên nhanh chóng gửi đơn yêu cầu Chánh án TANDTC hoặc Viện trưởng VKSNDTC thực hiện kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, đồng thời có đơn gửi cơ quan chức năng ra quyết định tạm đình chỉ thi hành án đối với em Thiện.
Luật sư Hà Hải- Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh