Phòng chống tham nhũng: Thu hồi tài sản là khâu yếu nhất

TP - Vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng được nhận định là khâu yếu nhất, gây nhiều bức xúc cho xã hội. Báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng của Chính phủ cho thấy, năm 2013, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng chỉ khoảng dưới 10%, năm 2014 cũng chỉ đạt trên 22%.

Đó là thông tin được đưa ra ngày 29/7 tại buổi công bố kết quả khảo sát, nghiên cứu về thực hiện các biện pháp phòng ngừa, thu hồi tài sản tham nhũng, do Viện Khoa học thanh tra – Thanh tra Chính phủ chủ trì.

Tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng rất nhỏ

Nhóm nghiên cứu của Viện Khoa học thanh tra cho rằng, trên thực tế khi xử lý tham nhũng, xã hội không chỉ quan tâm đến hình phạt đối với người phạm tội mà vấn đề thu hồi tài sản đã bị chiếm đoạt do hành vi tham nhũng như thế nào cũng được đặc biệt chú ý theo dõi. Nếu tài sản tham nhũng không thu hồi được thì việc xử lý tham nhũng không triệt để, không hiệu quả và chưa đạt mục tiêu phòng chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước đã đặt ra. Biết rằng, thu hồi tài sản tham nhũng là hoạt động quan trọng và khó khăn, song đó cũng là thước đo hiệu quả của công tác đấu tranh chống tham nhũng.

Phòng chống tham nhũng: Thu hồi tài sản là khâu yếu nhất ảnh 1

Cơ quan điều tra đã kê biên 40 bất động sản đứng tên người khác là tài sản tham nhũng của Giang Kim Đạt - bị can trong vụ án Vinashin.

Cơ sở pháp luật cho việc thu hồi tài sản tham nhũng đã có nhưng thực tiễn cho thấy số lượng tiền, tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ việc, vụ án tham nhũng là rất lớn. Tỷ lệ tiền, tài sản thu hồi được rất nhỏ. Kết quả nghiên cứu dẫn báo cáo công tác phòng chống tham nhũng của Chính phủ cho thấy năm 2013 tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng chỉ khoảng dưới 10%, năm 2014 cũng chỉ đạt trên 22%. Theo nhóm nghiên cứu và khảo sát, vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng có lẽ là khâu yếu nhất, gây ra nhiều bức xúc cho xã hội.

Một số đại biểu cho rằng, một trong những nguyên nhân của việc thu hồi tài sản tham nhũng còn gặp nhiều khó khăn là vì chỉ có thể thực hiện các biện pháp thu hồi tài sản tham nhũng khi có bản án hình sự của tòa án. Trong khi quá trình điều tra, truy tố, xét xử là một quá trình kéo dài cộng với việc chưa kiểm soát được tài sản, thu nhập của xã hội cũng là “kẽ hở” để tài sản có nguồn gốc tham nhũng dễ dàng bị tẩu tán, không thể thu hồi được.

Án tham nhũng ít do người đứng đầu sợ trách nhiệm?

Về hiệu quả phát hiện tham nhũng, có nhiều ý kiến đại biểu tại toạ đàm cho rằng hiện nay chỉ phát hiện được 5% vụ việc tham nhũng là quá ít, còn lại 95% chưa được phát hiện đều có lý do. Thực tế báo cáo của cơ quan chức năng cho thấy các vụ tham nhũng xảy ra nhiều nhưng đến tòa án thì án tham nhũng còn rất ít. Nhiều vụ việc khi được phát hiện thì chỉ xử lý bằng hình thức kiểm điểm, rút kinh nghiệm, thuyên chuyển công tác…

Việc tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị cũng được đánh giá là còn rất yếu, một số trường hợp chưa xử lý triệt để, muốn giải quyết nội bộ, không muốn chuyển cơ quan chức năng xem xét để xử lý theo quy định của pháp luật. Một số đại biểu cho rằng, một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do quy định quy trách nhiệm người đứng đầu nếu để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, đơn vị, tổ chức mình quản lý.

Theo báo cáo của nhóm nghiên cứu, khi được hỏi về nguyên nhân ảnh hưởng đến hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng, người được hỏi là công chức, viên chức đã lựa chọn: Cơ sở pháp lý trong hoạt động thu hồi tài sản tham nhũng còn nhiều hạn chế, vướng mắc (chiếm 33,9%); Thiếu trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc phối hợp với cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng các biện pháp ngăn chặn tẩu tán tài sản (22,8%); Chưa có quy định về tịch thu tài sản mà không được chứng minh có nguồn gốc hợp pháp (29,7%); Chưa có quy định cụ thể về hợp tác quốc tế trong việc thu hồi tài sản tham nhũng ở nước ngoài (22,2%)…

MỚI - NÓNG