Thu hồi tài sản tham nhũng: Muối bỏ bể

Dương Chí Dũng trong phiên xử hồi tháng 4/2014. Ảnh: Bảo Thắng
Dương Chí Dũng trong phiên xử hồi tháng 4/2014. Ảnh: Bảo Thắng
TP - Tòa tuyên bị cáo phải bồi hoàn cả ngàn tỷ đồng cho Nhà nước, liên quan đến những sai phạm khi đương chức. Song khi bản án có hiệu lực, cơ quan thi hành án lắc đầu, ngao ngán, trả lại đơn yêu cầu thi hành án do... thiếu cơ sở.

Tòa tuyên nghìn tỷ, thu hồi vài đồng

Theo ông Mai Lương Khôi - Phó tổng cục trưởng Tổng cục thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp), việc thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng luôn làm đau đầu các nhà quản lý, bởi hàng loạt các nguyên do khác nhau, nhất là những bất cập trong công tác kê biên tài sản. Thực tiễn cho thấy, số tài sản thu hồi ở các vụ án này đạt tỷ lệ vô cùng thấp.

Đơn cử vụ án ở Tổng Cty Công nghiệp tàu thủy (Vinashin). Theo Bản án hình sự ngày 30/8/2012 của Tòa  Phúc thẩm - TAND Tối cao tại Hà Nội, tổng số tiền phải thu hồi trong vụ án lên đến 1.144 tỷ đồng. Trong đó, riêng 6 Cty thuộc Vinashin bị thiệt hại từ những sai phạm liên quan đến vụ án, tổng số tiền phải thi hành lên đến 1.142 tỷ đồng. Sau khi bản án có hiệu lực, các Cty đã làm đơn yêu cầu thi hành án với số tiền trên 1.049 tỷ đồng. Nhưng, tính đến cuối tháng 7/2015, cơ quan thi hành án mới thu hồi được hơn 2 tỷ đồng, buộc phải trả đơn yêu cầu thi hành án trên 1.022 tỷ đồng.

Một “đại án” khác được dư luận hết sức quan tâm là những sai phạm ở Tổng Cty Hàng hải Việt Nam (Vinalines). Theo bản án hình sự sơ thẩm ngày 16/12/2013 của TAND Thành phố Hà Nội và bản án hình sự phúc thẩm ngày 07/5/2014 của TAND Tối cao, tổng số tiền phải thu hồi trên 360 tỷ đồng. Trong đó, thu hồi cho ngân sách nhà nước hơn 1,3 tỷ đồng tiền án phí. 

Theo tổng kết của Tổng cục thi hành án dân sự, riêng số tiền án phí này đã được thi hành xong, nhưng việc thu hồi tài sản cho tổ chức trong vụ án này là hết sức khó khăn. Bản án kết luận các đương sự phải bồi thường cho Vinalines trên 358 tỷ đồng. Tuy vậy, đến nay số tiền thi hành trên thực tiễn như muối bỏ bể. Đến nay, các đương sự mới tự nguyện nộp hơn 13 tỷ đồng vào tài khoản cơ quan thi hành án.

Bản án cũng tuyên kê biên 3 căn hộ và nhà đất của Dương Chí Dũng (cựu Chủ tịch Vinalines, bị tuyên phải bồi thường hơn 110 tỷ đồng) để đảm bảo thi hành án; kê biên 1 nhà, đất của Mai Văn Phúc (cựu Tổng giám đốc Vinalines, phải bồi thường hơn 110 tỷ đồng) tại phường Yết Kiêu, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh để đảm bảo thi hành án. Một điều lạ là, theo ông Mai Lương Khôi, đến nay Vinalines chưa có đơn yêu cầu thi hành án, do vậy cơ quan thi hành án chưa có cơ sở xử lý số tiền đã thu và tài sản kê biên.

Bó tay vì không có đơn yêu cầu

Câu chuyện thu hồi tài sản trong các vụ đại án tham nhũng đã được Tiền Phong đề cập nhiều lần. Các chuyên gia pháp lý, như luật sư Hà Đăng (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, thật quá khó để “lấy tiền” của một người sắp chết, hoặc biết mình “đang chết” khi đón nhận bản án tử hình trong các vụ án tham ô tài sản.

Có chuyên gia khác lại cho rằng, vấn đề thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng luôn là thách thức đối với các cơ quan chức năng, bởi lẽ trước khi các vụ án bị phanh phui, hàng loạt giao dịch trái luật (tẩu tán tài sản) đã được thực hiện rất “êm”. Thực tế ở 2 vụ án lớn gần đây (Vinashin, Vinalines), hàng nghìn tỷ đồng được toà án khẳng định thất thoát, song, thu hồi chỉ được vài đồng.

Điều trớ trêu khác, dù được cơ quan xét xử khẳng định bị thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng, song sau nhiều năm từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, các pháp nhân với tư cách là những tổ chức sẽ được thụ hưởng từ việc thi hành án vẫn không... có đơn yêu cầu thi hành án.

Theo luật sư Hằng Nga (Đoàn luật sư Hà Nội), theo quy định của luật hiện hành, việc thi hành án phải dựa trên cơ sở đơn yêu cầu của đương sự. Cơ quan thi hành án chỉ thực thi khi có đề xuất từ những đơn vị được cho là thiệt hại. Ngược lại, phía cơ quan thi hành án sẽ không thể thu hồi tài sản khi các tổ chức này “án binh bất động”.

Một thực trạng khác cũng xảy ra ở vụ án Vinashin. Theo bản án, 6 Cty của Vinashin bị thiệt hại hơn 1.144 tỷ đồng, nhưng cơ quan thi hành án... bất khả thi, buộc phải trả lại đơn yêu cầu thi hành án. Theo giải thích của Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp), trong quá trình tố tụng, các cơ quan có thẩm quyền không kê biên tài sản của đương sự để bảo đảm thi hành án. Vì vậy, ngoài tài sản cơ quan thi hành án đã xác minh được và kê biên xử lý, phía thi hành án... chưa phát hiện tài sản nào khác của đương sự!

Theo luật sư Hằng Nga (Đoàn luật sư Hà Nội), theo quy định của luật hiện hành, việc thi hành án phải dựa trên cơ sở đơn yêu cầu của đương sự. Cơ quan thi hành án chỉ thực thi khi có đề xuất từ những đơn vị được cho là thiệt hại. Ngược lại, phía cơ quan thi hành án sẽ không thể thu hồi tài sản khi các tổ chức này “án binh bất động”.

MỚI - NÓNG