Làm gì để ngăn chặn bức cung, nhục hình?

Làm gì để ngăn chặn bức cung, nhục hình?
TP - 1. Theo suy luận logic, ông Nguyễn Thanh Chấn (người tù chung thân đang được minh oan) rất có thể đã bị bức cung, nhục hình. Suy luận này xuất phát từ tố cáo của ông Chấn. Pháp luật quy định lời khai của bị can là nguồn chứng cứ. Quan trọng nhất là lời khai đó phù hợp với việc đối tượng Lý Nguyễn Chung ra đầu thú, khai nhận anh ta phạm tội chứ không phải ông Chấn.

> Án oan tử hình là không thể chấp nhận
> Chất vấn Chánh án TAND tối cao, Bộ trưởng GD&ĐT

Chung có phải là thủ phạm đích thực không, tới đây tòa án sẽ trả lời. Từ lúc này, đã có quyền hỏi: Nếu ông Chấn không bị bức cung, nhục hình, hà cớ gì ông ta lại… tự nhận cái tội tày trời, sàm sỡ phụ nữ không xong thì giết luôn nhằm che đi cái chuyện bậy bạ?

Người ta đang nói nhiều đến nguyên tắc suy đoán vô tội. Đã áp dụng thì phải cho đều. Lý Nguyễn Chung cũng có thể vô tội, nếu lời khai của Chung không phù hợp với kết quả khám xét hiện trường, khám nghiệm tử thi, kết quả điều tra thu giữ tang vật vụ cướp tài sản…

Suy đoán vô tội cũng phải được áp dụng cho các điều tra viên, hiện đang đối mặt với cáo buộc bức cung, nhục hình ông Chấn. Nếu không có bằng chứng, không thể kết luận. Mà dễ thấy là lấy đâu ra bằng chứng! Cái phòng hỏi cung chỉ có điều tra viên và bị can. Giờ đây một bên nói “có”, một bên nói “không”, kết luận kiểu gì?! Thế nên, các điều tra viên viết bản tự kiểm điểm đều nói không có bức cung, nhục hình…

2. Nếu ông Chấn bị bức cung, nhục hình thật, thì phải chứng minh cách nào đây? Câu hỏi này, xét trên thực tế không quan trọng bằng câu hỏi: Làm thế nào để những việc như vậy không có điều kiện tái diễn?

Câu hỏi thứ hai thực sự đáng được làm rõ, và hoàn toàn có điều kiện để làm rõ.

Bộ luật Tố tụng hình sự nước ta nghiêm cấm đánh đập, đe dọa, dụ dỗ… để buộc nghi can nhận tội. Luật quy định viện kiểm sát chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát, phê chuẩn hoặc trực tiếp ra quyết định khởi tố, bắt người, tạm giữ, tạm giam, gia hạn tạm giam… Đại biểu Quốc hội, Đại biểu Hội đồng nhân dân, Thành viên Mặt trận tổ quốc cũng có chức năng giám sát hoạt động điều tra, truy tố, xét xử.

Nếu các cơ quan, tổ chức có chức năng kiểm tra, giám sát hoạt động tố tụng hình sự mà làm tốt, có đâu lọt được án oan?

Vụ án ông Nguyễn Thanh Chấn, phiên chất vấn tại hội trường Quốc hội vừa qua, rất nhiều Đại biểu Quốc hội đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an, Viện trưởng Viện KSND Tối cao, Chánh án TAND Tối cao. Tuy nhiên, với tư cách là thành viên của cơ quan quyền lực cao nhất, có chức năng giám sát hoạt động của các cơ quan hành pháp, tư pháp, lại không thấy các Đại biểu Quốc hội chất vấn chính Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang vì sao không quan tâm đến vụ án ông Chấn, và trước đó, vụ án “trộm cắp cổ vật” xảy ra cùng thời kỳ ở tỉnh này, nhưng được minh oan sớm hơn? Và nữa, Ủy ban Tư pháp (trước đây là Ủy ban Pháp luật) của Quốc hội đã thực hiện chức năng giám sát ra sao trước những lời kêu oan của những bị án như ông Chấn?

3. Việc quy trách nhiệm, xét cho cùng không quan trọng bằng đề ra biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa. Có ý kiến khi có án oan, cứ lấy tiền ngân sách mà bồi thường, bỏ quy định người làm oan phải bồi hoàn. Quy định “bồi hoàn” hóa ra càng khiến người ta “né”, đã trót làm oan thì càng khăng khăng không nhận, không sửa.

Vậy ngăn chặn, phòng ngừa thế nào?

Nếu các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng thực hiện đúng quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành, chắc chắn không thể có án oan. Vì vậy, điều đầu tiên là phải tuyên chiến quyết liệt với các hành vi vi phạm tố tụng.

Giống như con sên bò trên mặt đất để lại vết dớt dãi, những trang hồ sơ của một vụ án oan thường lưu lại dấu vết oan sai qua những hành vi vi phạm tố tụng mà cán bộ điều tra cố xóa đi nhưng không thể nào hết. Nếu chúng ta còn tiếp tục thỏa hiệp “có sai phạm tố tụng, song không làm sai lệch bản chất vụ án”, nếu chúng ta chấp nhận trả hồ sơ điều tra đi điều tra lại bao lần tùy thích, nếu sai phạm tố tụng không được nêu đầy đủ, chi tiết trong bản án như là những tình tiết có lợi cho bị cáo, thì án oan vẫn còn.

Đã đến lúc chúng ta cần quy định các tài liệu thu thập sai quy định tố tụng thì không được xem là chứng cứ để kết tội (việc này học theo Hiến pháp hiện hành của nước Nga).

4. Án oan thường“oan” ngay từ việc khởi tố bị can. Tài liệu yếu, bắt non, lấy lời khai do ép cung để “củng cố chứng cứ”, để thuyết phục viện kiểm sát phê chuẩn. Từ cái sai này đẻ ra cái sai khác, nó móc xích các cơ quan có chức năng khác nhau nhưng vì liên đới trách nhiệm nên a dua với nhau để che đậy sai phạm ban đầu.

Từ thực tế trên, nhiều chuyên gia pháp luật kiến nghị, nếu người bị tình nghi hoặc luật sư của họ khiếu nại về quyết định khởi tố bị can, cần mở phiên tòa tố tụng để giải quyết khiếu nại đó. Tòa án có quyền hủy quyết định khởi tố bị can nếu bên công tố không đủ chứng cứ, đương nhiên nghi can lập tức được tự do, có thế mới đảm bảo khoa học, dân chủ, công khai trong hoạt động tố tụng.

Khi không được bức cung, nhục hình, điều tra viên buộc phải nâng cao nghiệp vụ, cập nhật biện pháp khoa học, kỹ càng trong thu thập chứng cứ. Người dân sẽ tin tưởng vào các cơ quan bảo vệ pháp luật, bớt đi sự thắc thỏm lưỡi kiếm của thần Công lý bất chợt và vô cớ hạ vào đầu mình.

Nếu được minh oan, không quá khi nói rằng ông Chấn sẽ là người đại diện cho khát vọng của những người dân lành không muốn bị bắt giam, bị tù đày, bị vứt đơn kêu oan vào sọt rác cho đến khi thủ phạm đích thực ra đầu thú, chỉ vì sự yếu kém, nóng vội của cơ quan điều tra.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG