Sạt lở bãi vàng: 12 người chết, chưa ai chịu trách nhiệm

Sạt lở bãi vàng: 12 người chết, chưa ai chịu trách nhiệm
TP - Liên quan đến vụ sạt lở đất nghiêm trọng tại bãi vàng rừng Vầu (xã Minh Lương, Văn Bàn, Lào Cai), tỉnh Lào Cai đã thừa nhận số người chết lên đến 12, không phải 2 người như báo cáo ban đầu.

> Lào Cai thừa nhận có 12 người chết tại bãi vàng 'thổ phỉ'
> Cận cảnh bãi vàng thổ phỉ vừa bị sạt lở
> Sạt lở bãi vàng 'thổ phỉ': Chết nhiều, báo cáo chỉ 2

Trong cuộc trao đổi chiều 22/10 với PV Tiền Phong, ông Vương Trinh Quốc - Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Lào Cai cho biết, tỉnh đã giao cho Văn phòng ủy ban thông tin về con số chính xác 12 người chết tại vụ sạt lở đất ở xã Minh Lương - huyện Văn Bàn.

10 người chết được phát hiện sau này, theo Công an tỉnh, họ chết rải rác từ ngày 5 đến 11/9, các chủ lò và thân nhân chủ động đưa về quê, không báo cáo chính quyền địa phương nên chính quyền không nắm được.

Theo một báo cáo của Sở TN&MT tỉnh Lào Cai, do mỏ vàng Minh Lương có diện tích phân bố khá rộng, ngoài diện tích 112 ha Bộ TN&MT đã cấp giấy phép khai thác cho Cty Cổ phần vàng Lào Cai, vẫn còn một số thân quặng vàng nằm phía ngoài, tiếp giáp với ranh giới đã cấp giấy phép (vùng đệm này khoảng 120ha).

Phần diện tích này chưa được thăm dò, đánh giá trữ lượng, và chưa bàn giao cho đơn vị nào, nên vẫn thường xuyên xảy ra hoạt động khai thác vàng trái phép.

Vẫn theo báo cáo của Sở TN&MT tỉnh Lào Cai, từ ngày 7 đến 10/5/2013, lực lượng chức năng đã phá hủy, tiêu hủy 23 lán trại vô chủ, 300m ống dẫn nước các loại, 100m dây dẫn điện các loại, 1 bể chứa nước và một số đồ dùng trong sinh hoạt khác; Lập biên bản kiểm tra, buộc tháo dỡ, tiêu hủy và trục xuất đối với các đối tượng khai thác vàng trái phép trong 3 lán trại có chủ; Trục xuất, đẩy đuổi khoảng 40 đối tượng khai thác vàng trái phép ra khỏi khu vực mỏ vàng Minh Lương.

Theo ông Ngô Đức Hoàng - cán bộ UBND tỉnh Lào Cai, sau vụ sạt lở ngày 5/9, tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức đợt truy quét “vàng tặc” mới.

“Hằng năm, huyện Văn Bàn tổ chức ít nhất 1 lần truy quét, riêng năm 2012 là 2 lần. Mỗi lần truy quét như vậy rất tốn kém. Lần truy quét này có 60 người, gồm cả công an tỉnh, huyện, Cty Cổ phần vàng Lào Cai, và các đơn vị liên quan. Chi phí cho đợt truy quét hồi tháng 5 vừa qua của huyện Văn Bàn hết khoảng 60-70 triệu đồng, chưa kể việc đầu tư trang thiết bị để phá hủy các hầm vàng, máy móc của “vàng tặc”. Việc tiếp cận hiện trường rất khó khăn, nguy hiểm” - ông Hoàng cho biết.

Với câu hỏi tỉnh có nắm được thông tin, lai lịch của các cai vàng ở xã Minh Lương không, ông Hoàng trả lời không nắm được. Theo ông Hoàng, đã là “thổ phỉ” thì không bao giờ họ khai báo tạm trú, tạm vắng với chính quyền địa phương, nên không thể kiểm soát được. Sau khi có kết luận điều tra cuối cùng, sẽ truy cứu trách nhiệm các bên liên quan. Chẳng hạn, nếu sự việc xảy ra ở địa bàn huyện, huyện sai sót thì huyện phải chịu trách nhiệm. Còn xảy ra ở địa bàn quản lý của Cty Cổ phần vàng Lào Cai, thì Cty này phải chịu trách nhiệm. Phía công an sẽ phải chịu trách nhiệm trong việc giữ gìn, đảm bảo an ninh trật tự.

PV đặt câu hỏi: Tại sao sau khi xảy ra vụ sạt lở chết 12 người trên, vấn nạn vàng tặc ở khu vực này vẫn tiếp diễn, thậm chí công khai trắng trợn, điển hình nhất là việc người gánh, thồ hàng thuê, tiếp tế lương thực cho các bưởng vàng vẫn hoạt động? Ông Hoàng giải đáp về luật, không ai cấm được việc người dân vác dầu, vác mỡ lên rừng. Nếu đúng vào thời điểm truy quét thì họ mới bị ngăn cấm, xử phạt.

Liên quan đến vụ việc này, ông Hà Đức Thuấn - Phó Phòng PX15 - Công an tỉnh Lào Cai cho biết, hiện mới chỉ có thông báo điều tra ban đầu gửi lên tỉnh để trả lời báo chí ngày 16/10. Theo chỉ đạo của lãnh đạo, khi nào có kết luận điều tra cuối cùng, phòng PX15 sẽ cung cấp cho quý báo.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG