Án tham nhũng đình trệ vì giám định

Án tham nhũng đình trệ vì giám định
TP - Một trong những vướng mắc lớn nhất trong việc giải quyết án tham nhũng chính là thiếu chế tài pháp lý về công tác giám định - đó là nhận xét của Trưởng ban Nội chính T.Ư Nguyễn Bá Thanh, trong buổi làm việc với TANDTC.

> Nguyên chủ tịch huyện Hóc Môn lĩnh 18 năm tù
> Lập 7 đoàn kiểm tra việc xử lý các vụ tham nhũng nghiêm trọng

Trưởng ban Nội chính T.Ư Nguyễn Bá Thanh phát biểu tại buổi làm việc với TANDTC sáng qua. Ảnh: CTV
Trưởng ban Nội chính T.Ư Nguyễn Bá Thanh phát biểu tại buổi làm việc với TANDTC sáng qua. Ảnh: CTV.

Sáng 11/9, ông Nguyễn Bá Thanh dẫn đầu Đoàn công tác số 3 của Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng đã làm việc với Ban cán sự đảng TANDTC nhằm triển khai kế hoạch của Ban Chỉ đạo T.Ư về việc kiểm tra, giám sát việc thanh tra, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp.

Theo kế hoạch, Đoàn công tác sẽ tập trung kiểm tra, giám sát kết quả công tác thụ lý và xét xử của TANDTC đối với các vụ án tham nhũng, án kinh tế có dấu hiệu tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận quan tâm.

“Tòa triệu thì phải đi, đừng ngồi đó cãi lý”

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Bá Thanh thẳng thắn, một trong những vướng mắc lớn trong việc truy tố, xét xử án tham nhũng chính là thiếu chế tài liên quan đến hoạt động giám định. Từ thực tiễn trên, nhiều vụ án bị đình trệ, kéo dài nhiều tháng, nhiều năm chỉ vì chờ kết luận giám định, tạo ra bức xúc trong dư luận.

Đoàn công tác yêu cầu lãnh đạo TANDTC cần làm rõ những bất cập, cũng như những khiếm khuyết từ hệ thống pháp luật, từ đó sẽ kiến nghị tới Bộ Chính trị cũng như các cơ quan hữu quan để hoàn thiện. “Kể cả phải sửa luật, để vận hành trơn tru” – ông Thanh nói.

 Tôi được biết ở các nước thì tòa có quyền triệu tập, mà tòa triệu tập thì phải đi chứ đừng ngồi đó mà cãi lý. Không có kiểu thích thì đến mà không thích thì không đến .

Ông Nguyễn Bá Thanh

Ông Thanh nêu ví dụ vụ án tham ô và lợi dụng chức vụ quyền hạn xảy ra tại Cty CP kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam (Vifon): “Trong vụ này hai ông là Bộ Công Thương và Bộ Tài chính không chịu làm nguyên đơn dân sự. Các ông đều có cái lý của mình. Tôi đề nghị anh Trương Hòa Bình (Chánh án TANDTC – PV) cho triệu tập cả hai ông đến tòa với tư cách nguyên đơn dân sự được không? Triệu tập đây không phải là có tội gì đâu mà để làm rõ lấy lại tiền cho Nhà nước cả mấy chục tỷ đồng, nên làm cho dứt điểm vụ này đi, một vụ nhỏ như thế này mà đẩy lên Bộ Chính trị thì tốn thời gian quá”.

Về việc này, ông Nguyễn Sơn, Phó Chánh án TANDTC, cho biết 3 ngành tố tụng T.Ư xác định thành phần tham gia tố tụng nên phải có sự thống nhất với nhau, chứ riêng tòa án không quyết được. “Tôi được biết ở các nước thì tòa có quyền triệu tập, mà tòa triệu tập thì phải đi chứ đừng ngồi đó mà cãi lý. Không có kiểu thích thì đến mà không thích thì không đến” - ông Thanh nhấn mạnh.

Vẫn còn bị cáo tham nhũng được hưởng án treo

Tại buổi làm việc, phía TANDTC cũng nêu ra những hạn chế thiếu sót trong quá trình giải quyết án tham nhũng. Trong đó, nổi lên là việc để tồn đọng một số vụ án phức tạp. Đây đó vẫn còn những bản án “tù treo” cho những bị cáo trong các vụ án tham nhũng, chưa thật sự thuyết phục dư luận…

Để tạo điều kiện thuận lợi cho Đoàn công tác, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình khẳng định, sẽ chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chuẩn bị kỹ lưỡng các nội dung báo cáo, bố trí lịch làm việc, đáp ứng các yêu cầu Đoàn công tác đề ra. Các đơn vị cũng phải báo cáo những vướng mắc nếu có với lãnh đạo TANDTC để kịp thời chỉ đạo, giải quyết nhằm phục vụ tốt nhất cho Đoàn công tác hoàn thành nhiệm vụ.

Được biết, Đoàn công tác số 3 sẽ thực hiện kiểm tra, giám sát tại Bộ Công an, Viện KSNDTC và TANDTC.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Ninh Bình có tân Giám đốc Công an
Ninh Bình có tân Giám đốc Công an
TPO - Chiều 4/11, Cục Tổ chức cán bộ, Bộ Công an đã công bố quyết định điều động, bổ nhiệm Đại tá Đinh Việt Dũng, Phó Cục trưởng Cục An ninh nội địa, Bộ Công an làm Giám đốc Công an tỉnh Ninh Bình, kể từ ngày 6/11.