Khởi tố giám đốc, phó giám đốc BV Hoài Đức

Khởi tố giám đốc, phó giám đốc BV Hoài Đức
TP - Cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với giám đốc, phó giám đốc, trưởng khoa và các kỹ thuật viên khoa Xét nghiệm Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức (Hà Nội), Thiếu tướng Trần Thùy, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội, cho biết chiều 20/8.

> Công bố danh sách lãnh đạo bị khởi tố vụ 'nhân bản'
> Không nghiêm, 'sâu y tế' càng nhân bản

Khởi tố 10 bị can

Ngày 15/8, Cơ quan CSĐT - Công an TP Hà Nội quyết định khởi tố bị can với 10 đối tượng. Bị can Nguyễn Trí Liêm - Giám đốc BV Đa khoa Hoài Đức, Nguyễn Thị Nhiên - Phó giám đốc BV Đa khoa Hoài Đức bị khởi tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Tám bị can Vương Thị Kim Thành - Trưởng khoa xét nghiệm; Phan Thị Oanh - Kỹ thuật viên trưởng; Nguyễn Thị Xuyên, Nguyễn Thị Nga, Vương Thị Lan - Kỹ thuật viên; Nguyễn Thị Thu Trang, Nguyễn Thị Hồng Nhung, Nguyễn Đồng Sơn - Kỹ thuật viên hợp đồng bị khởi tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Ngày 19/8, Viện KSND thành phố Hà Nội phê chuẩn quyết định khởi tố bị can của Cơ quan CSĐT với 10 bị can nêu trên.Sáng 20/8, Cơ quan CSĐT tống đạt quyết định khởi tố, hỏi cung từng bị can và ra thông báo đảng viên vi phạm pháp luật đến nơi quản lý đảng viên".

“Do có lai lịch rõ ràng, tự giác hợp tác với cơ quan điều tra, nên các bị can đều vẫn đang được tại ngoại”, Thiếu tướng Trần Thùy cho biết.

Không thể dung thứ

“Hậu quả vật chất tại vụ án này không lớn, nhưng hậu quả phi vật chất là vi phạm y đức thì vô cùng lớn”, Thiếu tướng Trần Thùy nói chiều qua tại cuộc họp thông báo việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can vụ “nhân bản”.

Tại cơ quan điều tra, trưởng khoa và 7 nhân viên đều khai nhận, động cơ, mục đích của việc lập khống các kết quả xét nghiệm là để đưa vào hồ sơ thanh toán tiền bảo hiểm y tế cho BV và vì nể nang cán bộ, nhân viên BV đến xin nên đã cho.

Theo Cơ quan điều tra, ông Nguyễn Trí Liêm, người phụ trách chung toàn bộ công việc của BV, đã không thực hiện hết chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, buông lỏng quản lý, không kiểm tra, giám sát để xảy ra tình trạng các nhân viên trong khoa Xét nghiệm lập khống kết quả xét nghiệm.

Bà Nguyễn Thị Nhiên được phân công phụ trách khoa Xét nghiệm, nhưng đã không thực hiện nhiệm vụ được giao, để nhân viên ký kết quả xét nghiệm trả cho bệnh nhân (theo quy định chỉ có trưởng khoa mới được ký). Bà Nhiên không kiểm tra, giám sát thường xuyên hoạt động của khoa, BV có thành lập tổ kiểm tra nhưng vì thiếu trách nhiệm không phát hiện ra sai phạm có hệ thống, diễn ra trong thời gian dài.

Thượng tá Phan Cao Thu, Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT – Công an TP Hà Nội, nói rằng, hành vi “nhân bản” kết quả xét nghiệm của các bị can là không thể chấp nhận được, “họ đã làm một việc mà trời không dung, đất không tha”.

Thiếu tướng Trần Thùy cho biết, dư luận rất quan tâm là các xét nghiệm này có được sử dụng để điều trị hay không? CQĐT đã tìm hơn 300 người có tên trong số hơn 700 kết quả xét nghiệm, lục lại xem có đưa kết quả xét nghiệm vào hồ sơ chữa bệnh hay không. Có thể khẳng định các xét nghiệm này đều chỉ để lấy BHYT, không phục vụ điều trị, ông Thùy nói.

Bảo vệ người tố cáo

Về vấn đề một số cán bộ BV Đa khoa Hoài Đức tố cáo ngược đối với chị Hoàng Thị Nguyệt, lãnh đạo Công an TP Hà Nội cho biết: Cơ quan điều tra xác định 2 việc khác nhau. Chị Nguyệt tố cáo sai phạm, CQĐT đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Còn chị Nguyệt bị tố cáo lại, CQĐT cũng sẽ xem xét. “Nhưng phải thấy sự dũng cảm của chị Nguyệt. Trong thời gian làm tại phòng xét nghiệm, trước đây có khả năng sai phạm, nhưng nhận ra và ngừng lại, đứng lên dũng cảm tố cáo là chuyện đáng biểu dương. Chúng tôi cũng sẽ làm rõ chuyện họ tố cáo chị Nguyệt cụ thể, nhưng sẽ cân nhắc, xem xét để xử lý phù hợp”, ông Thùy nói.

Để bảo vệ người tố cáo, lãnh đạo Công an thành phố cho biết, đã giao cho đơn vị chức năng có phương án cụ thể. “Chúng tôi rất trân trọng những người giúp cơ quan điều tra, đứng ra tố cáo vi phạm. Những người dân đứng ra tố cáo đều đáng trân trọng”, ông Thùy cho biết.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG