Chưa thông phạt nguội từ hộp đen

Chưa thông phạt nguội từ hộp đen
TP - Hơn một tháng cả nước ra quân kiểm tra, xử lý hoạt động thiết bị giám sát hành trình (hộp đen), việc trích xuất dữ liệu làm cơ sở phạt nguội từ hộp đen vẫn chưa thể triển khai do thiếu quy định cụ thể.

> Hộp đen kém chất lượng: Nhà xe 'khóc', thanh tra lúng túng
> Cung cấp dữ liệu hộp đen 1 phút/lần

Ngược xuôi Đà Nẵng - Hà Nội: 200 lần quá tốc độ

Trích xuất dữ liệu giám sát hành trình (GSHT) của một số xe trên tuyến xe khách chất lượng cao Đà Nẵng - Hà Nội, các tổ thanh tra Sở GTVT TP Đà Nẵng không khỏi giật mình trước thông số vi phạm lỗi quá tốc độ.

Xe khách 43S-6189 hành trình từ Đà Nẵng ra Hà Nội có đến 63 lần quá tốc độ; trong chuyến quay đầu lại bến Đà Nẵng xe này tiếp tục vi phạm 123 lần vượt quá tốc độ. Tương tự, xe khách 43X-0188 trên hành trình ngược xuôi về Đà Nẵng có tổng cộng gần 200 lần quá tốc độ.

Kết quả trích xuất dữ liệu cho thấy, vận tốc quá tốc độ phổ biến ở mức 90 - 100km/h, trong khi tốc độ tối đa quy định trên các chặng đường QL chỉ 80km/h. Thống kê 3 lần hành trình của xe khách 43S-6610 (Cty CP Xe khách và Dịch vụ thương mại Đà Nẵng) cho con số đáng báo động, chỉ duy nhất một hành trình không có lần quá tốc, còn lại đều vi phạm. Đáng kể, trong hành trình số 3 do tài xế Phạm Ngọc T. điều khiển có đến 142 lần vi phạm lỗi quá tốc độ.

“Chúng tôi chưa có khảo sát cụ thể trên diện rộng, nhưng những kết quả ngẫu nhiên này cho thấy mức độ vi phạm luật giao thông, đặc biệt lỗi quá tốc độ là thực trạng phổ biến, đáng báo động” - ông Nguyễn Trung Nghĩa, Chánh Thanh tra Sở GTVT TP Đà Nẵng nhận định.

Mới đây, qua kiểm tra các dữ liệu trên website kết nối với các hộp đen, đoàn kiểm tra Bộ GTVT tại các tỉnh miền Trung (Thừa - Thiên Huế, Quảng Ngãi, Bình Định) cũng phát hiện số phương tiện vượt quá tốc độ cho phép 80 km/h chiếm từ 80% đến 90%.

Ông Trần Châu, Giám đốc Sở GTVT Bình Định, cho biết, Thanh tra Sở phối hợp kiểm tra, trích xuất dữ liệu hộp đen cũng ghi nhận lỗi quá tốc độ quá phổ biến. Chỉ tính riêng gần 30 xe khách có đến hơn 4.000 lần quá tốc độ. Đặc biệt, có phương tiện vượt quá tốc độ, chạy ở mức gần 130km/h. Tại Thừa Thiên-Huế, trích xuất dữ liệu của 80 phương tiện cũng có hơn 60 phương tiện của 6 đơn vị vi phạm, chiếm tỉ lệ gần 85%, với tổng số hơn 7.500 lần quá tốc.

Mới chỉ nhắc nhở

Theo ông Nguyễn Trung Nghĩa, từ 1/7, việc kiểm tra, xử lý các thiết bị hộp đen chính thức khởi động. Tuy nhiên, đến nay ngành chức năng mới chỉ dừng lại ở việc xử lý các thiết bị hộp đen có vận hành, hoạt động hay không, hoặc hoạt động không đầy đủ các thông số theo quy định. “Việc phạt nguội từ dữ liệu hộp đen hoàn toàn khả thi. Nhưng cái khó là đang thiếu các văn bản pháp lý quy định cụ thể về vấn đề này”, ông Nghĩa nói.

Thu hồi giấy phép doanh nghiệp sai phạm

Ông Trần Châu, Giám đốc Sở GTVT Quảng Ngãi cho hay, đang tiến hành thủ tục thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải của 2 đơn vị (HTX Vận tải cơ giới 19/5 Tuy Phước, HTX Vận tải Tây Sơn) vì sai phạm. Trước đó, kiểm tra 5 đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng ôtô, cơ quan chức năng phát hiện 4 đơn vị vi phạm các điều kiện kinh doanh.

Đồng tình với ý kiến trên, ông Trần Châu cho biết thêm, mục đích của hộp đen là để GSHT, phát hiện sai phạm, làm cơ sở để xử phạt, hạn chế các tiêu cực trên tuyến, song đến nay ngành chức năng chưa nhận bất kỳ quy định nào về vấn đề này. Muốn dùng hộp đen là cơ sở xử phạt thì phải có văn bản xác nhận và cho phép. Nếu không, các doanh nghiệp, chủ xe có thể “kiện ngược”. Do vậy, ngành chức năng mới dừng lại ở việc nhắc nhở các đơn vị vận tải là chính.

Đại tá Nguyễn Đến, Trưởng phòng CSGT, Công an Đà Nẵng, cho hay, quá tốc độ là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến các vụ TNGT. Việc kiểm tra, xử lý hành vi này có ý nghĩa rất quan trọng trong lập lại trật tự ATGT.

Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn chưa có quy chế phối hợp cụ thể giữa ngành giao thông với lực lượng CSGT, chưa có hành lang pháp lý để triển khai phạt nguội phương tiện vi phạm từ hộp đen. “Chúng tôi đang chờ hướng dẫn cụ thể. Nếu kiểm tra, phạt nguội được từ dữ liệu hộp đen, chắc chắn sẽ kiềm chế tình trạng mất ATGT” – đại tá Đến nói.

Về quy định tước giấy phép kinh doanh đối với những doanh nghiệp vận tải có 20% số lượt phương tiện hoạt động trên tuyến vi phạm quy định tốc độ, lãnh đạo Thanh tra Sở GTVT Bình Định cho rằng, cái khó là khâu tổng hợp. Phần lớn đơn vị vận tải đều lắp đặt thiết bị từ nhiều nhà cung cấp khác nhau, mỗi hãng lại có hệ điều hành, quản lý riêng.

Theo ông Nguyễn Trung Nghĩa, Đà Nẵng là địa phương tiên phong triển khai cơ sở dữ liệu tổng hợp thông tin từ tất cả các thiết bị hộp đen, làm cơ sở xử lý phương tiện vi phạm. Đơn vị triển khai - Trung tâm Điều khiển đèn tín hiệu giao thông TP Đà Nẵng - cho rằng dự án mới được Sở GTVT phê duyệt, Bộ GTVT đồng ý chủ trương và đang triển khai bước đầu. Do vậy, việc phạt nguội chắc chắn còn chờ dài.

Kết quả có thể không chính xác?

Ông Tạ Công Thuận, Giám đốc Cty TNHH Điện tử Vinh Hiển (TPHCM), một đơn vị sản xuất, kinh doanh hộp đen, cho rằng, coi thiết bị GSHT là một hộp đen rồi khai thác nó như một thiết bị an toàn giao thông, điều tra giao thông, xử phạt giao thông đang là một ngộ nhận.

Theo ông Thuận, với tính năng ghi nhận 5 thông số (hành trình xe, tốc độ xe, số lần dừng đỗ, số lần đóng/mở cửa, thời gian làm việc của lái xe) thiết bị GSHT phải thực hiện công năng như một hộp đen thực sự như hộp đen tàu thủy, máy bay, tàu hỏa… Tuy nhiên, với mức phí chưa tới 100 USD/ cái, thiết bị này không phải theo tiêu chuẩn của một hộp đen. Vì vậy, một số yếu tốc cơ – lý – điện, khả năng chịu nhiệt, nguồn điện... cũng có thể khiến thiết bị ghi nhận kết quả không chính xác.

Cụ thể, ở khía cạnh tốc độ, độ chính xác thiết bị GSHT tùy thuộc rất nhiều vào loại chip GPS sử dụng trong thiết bị GSHT, trong khi sai số cho phép là +/- 5km/h. Nhưng theo quy định, chỉ cần vi phạm quá tốc 5km/h là đã bị xử lý. Điều này cho thấy không đủ tính pháp lý để sử dụng thiết bị GSHT như là một thước đo tốc độ xử phạt vi phạm tức thời.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG