Kiến nghị xử lý hơn 1.000 tỷ đồng

Kiến nghị xử lý hơn 1.000 tỷ đồng
TP - Năm 2012, qua công tác thanh tra, Thanh tra Bộ Tài chính (BTC) phát hiện nhiều vi phạm trong quản lý, thực hiện các chính sách pháp luật về tài chính, ngân sách; kiến nghị xử lý về tài chính trên 1.000 tỷ đồng (tăng thu ngân sách nhà nước hơn 448 tỷ đồng, giảm chi 246 tỷ đồng, xử lý khác trên 336 tỷ đồng).

> Chống chuyển giá chiếm 20% cuộc thanh tra của ngành thuế
> Nhiều sai phạm tài chính, xây dựng cơ bản

Ngoài việc “điểm danh” các dạng vi phạm mà các đơn vị mắc phải như: tính thiếu các khoản thuế, nợ đọng thuế; xây dựng dự toán thu – chi không sát thực tế; báo cáo kết quả kinh doanh không chính xác; không thực hiện đúng quy định trong đăng ký, kê khai, niêm yết giá…Thanh tra BTC còn thực hiện các cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên đề diện rộng nhằm đánh giá toàn diện việc thực hiện cơ chế, chính sách.

Cụ thể, tại chuyên đề về “công tác quản lý tài chính và các yếu tố hình thành giá bán điện tại các doanh nghiệp sản xuất điện ngoài EVN”, Thanh tra BTC đã thanh tra 16 Cty có bán điện cho EVN năm 2011 và phát hiện sự chênh lệch về giá bán trong cùng loại hình sản xuất điện.

Tính đến 31-12-2012, EVN còn nợ 16 Cty trên số tiền hơn 16.500 tỷ đồng. Cơ quan thanh tra đã kiến nghị, xử lý thu nộp ngân sách nhà nước trên 346 tỷ đồng.

Trong năm 2012, kiểm tra chuyên đề “quản lý và sử dụng nguồn vốn vay bảo lãnh của Chính phủ” tại 17 dự án đầu tư dây chuyền, nhà máy xi măng do 15 đơn vị làm chủ đầu tư và phát hiện nhiều tồn tại như: phê duyệt dự án không sát thực tế, đầu tư không đồng bộ; triển khai thực hiện chậm làm tăng tổng mức đầu tư hơn 11.500 tỷ đồng; phần lớn các dự án sản xuất kinh doanh thua lỗ, khó khăn trong việc trả nợ.

Đáng chú ý, cơ quan thanh tra còn phát hiện có 14/17 dự án trên đã đến hạn trả nợ phải sử dụng các nguồn vốn vay, chiếm dụng để trả nợ vay bảo lãnh Chính phủ và vay đầu tư với giá trị hơn 17.434 tỷ đồng; ngoài ra có một số sự án sử dụng vốn đầu tư sai mục đích gần 170 tỷ đồng…

Kiểm tra chuyên đề quản lý hải quan đối với hàng hóa tạm nhập tái xuất (TNTX) tại các Cục Hải quan: TP Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh tra phát hiện có tình trạng giả mạo chữ ký và đóng dấu công chức để xác nhận thực xuất; có tình trạng gian lận trong bán dầu TNTX; một số DN kê khai khấu trừ thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ đối với kinh doanh TNTX khi chế độ quy định phải hạch toán vào chi phí…

Bên cạnh đó, qua kiểm tra công tác quản lý tài chính và các yếu tố hình thành giá bán xăng dầu tại 6 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối, Thanh tra BTC phát hiện việc các đại lý thực hiện mua đi, bán lại với nhiều mức giá bán khác nhau nhưng không đăng ký giá với Sở Tài chính; mua bán lòng vòng, chi phí bị đẩy lên qua mỗi khâu trung gian…Theo Thanh tra BTC, công tác xử lý sau thanh tra năm 2012 có sự đổi mới.

Trong quá trình thanh tra, đã động viên các đơn vị nộp trước vào NSNN trên 400 tỷ đồng.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG