Bị chém lìa tay, nối được không?

Bị chém lìa tay, nối được không?
TP - Tại các khoa cấp cứu ở những BV lớn tại TPHCM, việc tiếp nhận những trường hợp bị chém đứt lìa bàn tay không phải là chuyện hiếm. Song, không phải trường hợp nào cũng được nối thành công.

> Sơ cứu khi bị đứt lìa tay, chân
> Nối thành công cánh tay bị đứt lìa bằng mổ vi phẫu

Đỡ dao, tay đứt lìa

Cách đây 2 tháng, khoa Vi phẫu tạo hình BV Chấn thương chỉnh hình TPHCM tiếp nhận Nguyễn V. L. (35 tuổi, ở Bình Dương) trong tình trạng cẳng cánh tay phải treo lủng lẳng vì bị chém gần đứt lìa. L. làm công nhân ở một công ty chế biến gỗ tại KCN Dĩ An.

Trong lúc ngồi nhậu với đám bạn cùng xóm trọ xảy ra mâu thuẫn, một người dùng dao chặt thịt của chủ quán chém gần đứt tay L.

Bác sĩ Phan Dzư Lê Thắng (Khoa Vi phẫu tạo hình) cho biết, L. nhập viện trong tình trạng cẳng tay gần như đứt lìa. Tuy nhiên rất may là L. được chuyển đến kịp thời nên các bác sĩ đã nhanh chóng nối lại mà không gặp nhiều trở ngại.

Vừa xuất viện sau hơn 2 tuần nằm điều trị ở BV Chấn thương chỉnh hình TPHCM nhưng Hồ Anh D. 23 tuổi ngụ ở xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TPHCM vẫn chưa hết bàng hoàng sau vụ bị chém nhầm khiến bàn tay đứt lìa.

Sau khi được các bác sĩ ở BV huyện Bình Chánh cấp cứu, D. được chuyển lên BV Chấn thương chỉnh hình TPHCM để nối lại bàn tay.

“Trong lúc ngồi nhậu, em thấy ở 2 bàn phía ngoài đường xảy ra xô xát, sau đó là cảnh đâm chém nhau loạn xạ. Em bị một đối tượng vung dao chém nhầm, bàn tay đứt lìa” - D. kể lại sau khi xuất viện và bàn tay nối đã ấm hồng và cử động được.

Tại khoa Chấn thương chỉnh hình, BV Nhân dân 115 mỗi tháng nơi đây tiếp nhận không dưới 10 trường hợp bị chém đứt lìa tay hoặc chân.

Bác sĩ Nguyễn Đình Phú (Phó Giám đốc BV Nhân dân 115) cho biết: “Cấp cứu do đâm chém nhau đứt lìa tay, chân diễn ra khá nhiều ở đây. Nhiều trường hợp được các bác sĩ nối lại thành công nhưng cũng có trường hợp vĩnh viễn mất tay vì hoại tử”.

Cần cấp cứu đúng cách

Chị Nguyễn Thị Ngọc Thúy bị cướp chặt đứt lìa cánh tay trên chân cầu Phú Mỹ vừa qua không phải là trường hợp hi hữu được nối lại bình thường.

Theo bác sĩ Tống Xuân Vũ (Phó khoa Vi phẫu tạo hình, BV Chấn thương chỉnh hình TPHCM), nhiều ca đứt lìa cánh tay, đứt luôn các ngón tay rất phức tạp nhưng vẫn cứu được, tay được nối sau đó hoạt động bình thường.

“Tuy nhiên nhiều trường hợp cũng đành bó tay vì tay đứt lìa, ngón tay bị đứt lìa để lâu bị hoại tử” - bác sĩ Vũ cho biết.

Theo bác sĩ Phan Dzư Lê Thắng, nhiều bệnh nhân vào viện ngoài bị đứt lìa tay, chân họ còn bị trọng thương ở một số bộ phận nữa thì bác sĩ cân nhắc việc có nối hay không.

“Bệnh nhân có bệnh lý nội khoa như tim mạch, tiểu đường hay huyết áp cao hoặc bệnh nhân bị đứt tay nhưng không bảo quản được phần bị đứt lìa thì việc nối rất khó” - bác sĩ Thắng cảnh báo.

Theo bác sĩ Thắng, nếu bảo quản phần đứt lìa sau 2 tiếng mà không nối thì hầu hết cơ sẽ hoại tử nên rất khó nối thành công.

Bác sĩ Đình Phú cho biết nhiều ca bị chém đứt lìa cần vi phẫu khá phức tạp. “Có thể phải tiến hành kết hợp xương, nối lại các mạch máu, động mạch rồi tĩnh mạch, các dây thần kinh kể cả gân gấp và gân duỗi nên cần thời gian vi phẫu có khi từ 6-10 tiếng”- bác sĩ Phú cho biết.

Nối được bàn tay vào đã khó nhưng theo bác sĩ Thắng, không ít trường hợp sau khi nối cũng có nguy cơ “chết” vì những ca này dễ tắc mạch máu cần phải phục hồi lượng tuần hoàn máu.

“Khi tay “sống” được thì cần theo dõi kỹ, đồng thời phải thường xuyên tập phục hồi chức năng ít nhất 3 đến 6 tháng mới mong tay trở lại bình thường” - bác sĩ Thắng khuyến cáo.

Theo BS Nguyễn Đình Phú, khi bị chém đứt tay, chân nên cầm máu bằng cách lấy bông nhét vào vết thương, cố định bằng nẹp gỗ 2 đầu chi lại sau đó nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế gần nhất.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG