Vụ Chánh văn phòng UBND tỉnh Bạc Liêu 'nhận hối lộ': Chưa rõ số tiền và nguồn tiền

Vụ Chánh văn phòng UBND tỉnh Bạc Liêu 'nhận hối lộ': Chưa rõ số tiền và nguồn tiền
TP - TAND tỉnh Bạc Liêu xử vụ án đưa và nhận hối lộ giữa nguyên lãnh đạo một công ty cổ phần với nguyên Chánh văn phòng UBND tỉnh, khiến dư luận xôn xao, mới đây TANDTC xử phúc thẩm đã hủy án sơ thẩm, vì chưa rõ số tiền lẫn nguồn tiền.

> Bạc Liêu: Bắt tạm giam Chánh văn phòng UBND tỉnh

Ông Bùi Thanh Hồng: “Tôi bị nhục hình”
Ông Bùi Thanh Hồng: “Tôi bị nhục hình”.

Nguyên Chánh văn phòng UBND tỉnh Bạc Liêu là ông Bùi Thanh Hồng bị khép tội nhận hối lộ; đưa hối lộ là nguyên lãnh đạo Cty Cổ phần Xây dựng và Phát triển nhà tỉnh Bạc Liêu.

Bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Bạc Liêu xử hồi đầu năm 2012, cho rằng ông Hồng đã tham mưu UBND tỉnh ký các văn bản liên quan đến hoạt động kinh doanh của Cty để nhận hơn chục lần, tổng cộng 120 triệu đồng.

Án sơ thẩm tuyên ông Hồng 3 năm tù, 2 vị nguyên lãnh đạo Cty lần lượt 13 và 14 năm tù. Cả 3 người kêu oan.

Toà Phúc thẩm TANDTC tại TPHCM mới đây xử phúc thẩm đã tuyên hủy án sơ thẩm, giao hồ sơ về cấp sơ thẩm để điều tra, truy tố, xét xử lại. Căn cứ hủy án là các lời khai “đều không thống nhất về số tiền đưa và nhận hối lộ 120 triệu đồng”.

Việc kết tội dựa vào một cuốn sổ tay của kế toán Nguyễn Thị Thùy Trang, ghi những khoản tiền ứng, cho rằng để đưa cho ông Hồng, nhưng sổ tay chỉ ghi 110 triệu đồng.

Nguồn gốc số tiền cũng chưa rõ. Theo lời khai của kế toán Trang, khi lãnh đạo ứng tiền, bảo ghi vào sổ theo dõi “sau này quyết toán với HĐQT về các khoản chi phí bỏ ra để quan hệ, nếu không được duyệt thì lãnh đạo phải trả nợ”.

Luật sư của ông Hồng nói, CQĐT chưa truy nguyên nguồn tiền từ đâu ra, bởi HĐQT có quyền cao nhất và chưa xác định 120 triệu đồng có phải của Cty hay không?

Hơn nữa, những khoản tiền ứng đó có thực đưa cho ông Hồng hay không? Theo bản án sơ thẩm, việc hối lộ ông Hồng để ông Hồng làm điều có lợi cho Cty.

Thế nhưng, luật sư của ông Hồng phát hiện, trong sổ tay của kế toán Trang có ghi một lần chi 20 triệu đồng để đem cho ông Hồng, ở thời điểm đã khởi tố vụ án, vậy Cty “đưa khoản tiền này để được lợi ích gì?”.

Cũng theo bản án phúc thẩm, tính xác thực của cuốn sổ trên cũng chưa rõ. Bản án phúc thẩm viết: “Cần xem lại việc ghi chép của kế toán Trang có chính xác và trung thực hay không vì cuốn sổ này do Trang tự ghi lại không có xác nhận của bị cáo tại thời điểm ứng tiền và kế toán Trang ghi sổ”.

Tuy nhiên, trong hồ sơ vụ án có một số biên bản bản ghi lời khai, ông Hồng thừa nhận có nhận tiền của Cty.

PV Tiền Phong hỏi ông Hồng, ông trả lời là “do nhục hình”. Ông đưa ra lá đơn ký ngày 22-10-2012, gửi đến nhiều cấp lãnh đạo từ địa phương đến T.Ư, khiếu nại rằng mình bị tạm giam trong điều kiện khắc nghiệt.

Do vậy, ông Hồng chỉ mong được tại ngoại, nên “điều tra viên yêu cầu tôi viết, yêu cầu tôi ký tôi sẵn sàng ký, một mặt điều tra viên hứa với tôi là sẽ cho tôi ra ngoài khi tôi ký hết các biên bản do điều tra ghi lại”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Ưu tiên đầu tư bảo tồn biển để giữ gìn cho mai sau
Ưu tiên đầu tư bảo tồn biển để giữ gìn cho mai sau
TPO - Hệ thống các khu bảo tồn biển đóng vai trò rất quan trọng trong việc duy trì đa dạng sinh học, cung cấp nguồn lợi hải sản, cung cấp các dịch vụ quan trọng để phát triển kinh tế biển và là “cơ sở hạ tầng” tự nhiên chống đỡ thiên tai và biến đổi khí hậu. Đây cũng là yếu tố quan trọng gắn với công tác đảm bảo quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Việt Nam.