Luân thường đảo lộn, do đâu?

Luân thường đảo lộn, do đâu?
TP - Theo nhiều chuyên gia pháp luật và tâm lý, các vụ án gần đây cho thấy sự lệch lạc trong quan hệ gia đình, những giá trị đạo đức truyền thống bị phá vỡ.

> Hành hạ con, bố lĩnh 12 tháng tù

Bị cáo Đặng Quốc Hoàng hầu tòa trong vụ án hành hạ con đẻ
Bị cáo Đặng Quốc Hoàng hầu tòa trong vụ án hành hạ con đẻ.

Đủ kiểu gây án

Tháng 8 vừa qua, trong phiên xử lưu động do TAND huyện Từ Liêm (Hà Nội) tiến hành, hàng nghìn người dân tham dự không khỏi bàng hoàng khi biết được sự dã man của người cha tàn ác với đứa con gái mới 8, 9 tuổi.

Trong dáng vẻ bặm trợn, với thân hình cao lớn, cùng mái đầu cạo trọc nom đáng sợ, bị cáo Đặng Quốc Hoàng (SN 1974, ở Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm) hầu toà với tội danh Hành hạ con đẻ.

Theo kết quả điều tra, năm 1998 Hoàng kết hôn, đến năm 2002 vợ chồng Hoàng có con gái Đặng Thị Diễm Q. Năm 2010, vợ Hoàng phạm pháp phải đi tù, Hoàng chán nản vùi đầu vào những trận nhậu...

Về nhà trong trạng thái say xỉn, cho rằng con gái không vâng lời, Hoàng dùng xích sắt cỡ lớn trói cháu Q. vào cột giường, dùng dây điện, gậy gỗ, búa đinh giáng cho con gái những trận đòn thừa sống thiếu chết.

Hành vi bạo hành của Hoàng từng bị chính quyền xã Cổ Nhuế lập biên bản tháng 3-2012, song sau đó Hoàng vẫn chứng nào tậy nấy. Đêm 11-5-2012, sau trận đòn đau của bố, cháu Q. lẻn trốn sang nhà một người bác.

Thấy thân thể cháu gái có nhiều thương tích, người bác gặng hỏi rồi tố cáo hành vi của Hoàng ra cơ quan công an. Kết cục, Hoàng lĩnh 12 tháng tù.

Cuối tháng 10 vừa qua, vụ án con giết mẹ ở Bắc Giang cũng gây phẫn nộ trong dư luận. Nạn nhân là bà Nguyễn Thị T. (58 tuổi, ở Lục Ngạn, Bắc Giang) được hàng xóm phát hiện nằm chết trên giường ngủ, cơ thể có nhiều vết bầm tím.

Công an vào cuộc, nhanh chóng xác định nghi phạm gây án chính là Bùi Hoàng Tùng (31 tuổi, con bà T.). Tùng thừa nhận do vợ đang đi xuất khẩu lao động, bản thân nghiện ma tuý, xin tiền mẹ không được nên ra tay trộm cắp. Bị bà T. bắt gặp, gã trai bất hiếu đã ra tay hạ sát mẹ, lấy đi vài đồng lẻ.

Cũng trong thời gian này, TAND TP Hà Nội mở tòa xét xử Bùi Đức Vinh (SN 1983, ở tỉnh Gia Lai), tuyên bị cáo 12 năm tù về hành vi sát hại bố đẻ. Theo cáo trạng, chỉ vì xin bố 50.000 đồng mua thuốc lá không được, lại bị bố mắng chửi, Vinh đã rút dao đâm bố tử vong.

Luật là chưa đủ

Theo dõi các vụ án liên quan đến bạo lực gia đình, luật sư Hằng Nga (Hà Nội) chia sẻ, hàng loạt các vụ bạo hành gia đình vẫn xảy ra ở nơi này nơi khác, nhưng nhiều nạn nhân vẫn phải âm thầm chịu đựng. Những vụ việc bị phát giác, được cơ quan chức năng xử lý chỉ là một tỷ lệ nhỏ.

Chúng ta đã có Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Tuy nhiên, phần lớn phụ nữ và trẻ em (thường là bị hại trong các vụ bạo hành gia đình) còn chưa biết đến các quy định của luật.

“Thậm chí, nhiều cơ quan thực thi pháp luật tại địa phương còn “mù” thông tin về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, chưa nói gì đến người dân” - luật sư Hằng Nga nói.

Cũng theo luật sư Hằng Nga, ghi nhận chung về các vụ án bạo lực gia đình cho thấy, quá trình nạn nhân bị bạo hành thường diễn ra trong thời gian dài, lặp đi lặp lại.

Điều này cho thấy các cơ quan, ban ngành, tổ chức đoàn thể, xã hội ở địa phương chưa thực sự vào cuộc rốt ráo để kịp thời phát hiện, ngăn chặn những vụ việc đáng tiếc. Vụ cha hành hạ con bằng xích sắt như trên là một điển hình.

Thẩm phán Nguyễn Xuân Văn (Phó Chánh toà Hình sự, TAND TP Hà Nội) phân tích, việc dễ dàng nảy sinh những hành xử lệch chuẩn phần lớn ảnh hưởng từ việc nhận thức sai lệch về “cái tôi”.

Vụ “con giết cha vì 50.000 đồng” cho thấy, chỉ vì một câu mắng của cha, người con đã cảm thấy mình bị xúc phạm ghê gớm, sẵn sàng rút dao hạ sát đấng sinh thành.

“Đây thực sự là vấn đề đáng báo động về công tác giáo dục con em của các bậc phụ huynh, nhất là trong giai đoạn những đứa con hình thành, phát triển nhân cách”- thẩm phán Văn nói.

Tiến sỹ Dương Thu Loan (Phụ trách bộ môn Tâm lý học, ĐH Luật Hà Nội) cũng nhìn nhận, các vụ án bạo hành gia đình cơ bản đều cho thấy sự lệch chuẩn trong lối hành xử, không phân biệt cha, mẹ hay con cái.

Điều này có nghĩa, những gia đình này đang tạo ra một lỗ hổng lớn về đạo đức, văn hoá và lối sống, cần có sự can thiệp kịp thời.

Cả xã hội cần chung tay tạo cho giới trẻ cũng như các mô hình gia đình một cuộc sống lành mạnh, hướng tới những giá trị văn hóa chuẩn mực.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG