Với chiêu "cho con nuôi", người đàn bà ngoại tình đã giấu chồng giao đứa út cho Hảo mang sang Trung Quốc để nhận lấy 20 triệu đồng.
Đối tượng Trần Thị Hảo và Nguyễn Thị Thủy (ảnh lớn) và cháu bé 15 tháng tuổi bị mẹ bán lấy 20 triệu đồng (ảnh nhỏ). |
Phi vụ buôn người "siêu chóng vánh"
Một ngày đầu hè nắng chang chang trên miền biển Kiến Thụy (Hải Phòng), các chiến sĩ công an như không tin vào tai mình khi một người đàn ông quê kệch, bối rối đến trụ sở nhờ tìm giúp đứa con út mới bị chính vợ anh mang bán. Xác định tính chất nguy hiểm của “chuyện lạ có thật”, Công an huyện Kiến Thụy đã phối hợp với Phòng PC45 lập chuyên án điều tra.
Người mẹ “hiếm có” nói trên là Nguyễn Thị Thuỷ (SN 1980, ngụ thôn Kim Đới, xã Hữu Bằng, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng). Thủy lấy chồng năm 22 tuổi, trong 10 năm đã đẻ liền bốn lần được 5 đứa con. Tại thời điểm bán con, đứa lớn nhất đang học lớp 5, cặp sinh đôi sau cùng mới được 15 tháng tuổi.
Lúc bông đùa người làng hay gọi Thủy là “siêu đẻ” bởi bằng tuổi, hiếm người có được đàn con đông đảo như vậy. Nhưng Thủy lại cảm thấy bực dọc vì chuyện chỉ có ăn và đẻ, thường thở vắn than dài kêu nghèo khổ và si mê một người tình trẻ kém mình đến 5 tuổi.
Chồng Thủy là nông dân đầu tắt mặt tối cày cuốc để nuôi cả “đoàn tàu há mồm”, mối lo lớn nhất của anh là kiếm cơm cho vợ con no bụng. Trong lúc đó cô vợ "mắt trước mắt sau" trốn chồng con tằng tịu với bồ, không gặp được trực tiếp thì lấy cớ đi rửa bát, trốn vào nhà vệ sinh “buôn” điện thoại cả tiếng đồng hồ.
Khi bị chồng phát giác, Thủy đỏng đảnh bế đứa con út bỏ nhà đi thuê trọ, mặc người chồng với bốn đứa con nheo nhóc. Anh chồng đã nhiều lần đến làm lành, khuyên vợ về với các con nhưng Thủy kiên quyết từ chối. Chị ta còn rũ bỏ cả đứa con út bằng cách thông qua những người quen nhờ tìm mối để “cho con”, bắt đầu hành trình “đem con bỏ chợ”...
Lời “rao con” được chuyển tới cho một đối tượng là Phạm Văn Tài (SN 1977, ngụ tổ 7, Hòa Nghĩa, quận Dương Kinh, Hải Phòng). Tài không có nghề nghiệp ổn định, thi thoảng xách đồ nghề đi xây.
Hôm đó đúng ngày rỗi việc, Tài đang ngồi tán chuyện cùng với Trần Thị Hảo (SN 1976, nhà ở cùng tổ 7, đã sang Trung Quốc lấy chồng sinh con, về thăm nhà). Nội dung cuộc trao đổi “hấp dẫn” của Tài lập tức làm Hảo chú ý. Hảo sốt sắng nhận ngay “vụ này” và giục Tài đưa đi gặp bà mẹ trẻ để bàn bạc việc “nhận con nuôi”.
Chiều 13-4, Tài chở Hảo đi. Tham gia vụ giao dịch, ngoài Hảo, Tài, Thủy, còn có hai đối tượng khác. “Cò kè bớt một thêm hai”, chúng thống nhất “chốt giá” 20 triệu đồng, hẹn hôm sau sẽ đưa đứa bé cho Hảo mang về Trung Quốc làm con nuôi. Hảo yêu cầu vợ chồng “đối tác” ký giấy biên nhận. Thủy chấp nhận, giả mạo luôn cả chữ ký của chồng.
Mọi việc được thực hiện vô cùng chóng vánh. Sáng sớm hôm sau, Hảo cho hai “vệ sĩ” “tháp tùng” bà mẹ bán con sang điểm hẹn, chi cho hai đối tượng này mỗi người một triệu đồng; giao lại 20 triệu cho chị dâu của Thủy để sau khi đưa đứa bé sang biên giới trót lọt, bà mẹ sẽ về nhận tiền.
Suốt quãng đường dài, Thủy đã tìm mọi cách để đứa con bé bỏng của mình dần quen với “mẹ mới”. Xong việc, chị ta vội vã quay về nhận tiền và “a lô” ngay cho người tình để cùng nhau đi du lịch.
Chỉ trong một thời gian khoảng 3 tuần, Thủy đã dùng toàn bộ số tiền để "bao" người tình trẻ, mua sắm quần áo trang sức ăn diện. Thủy bị công an triệu tập về điều tra khi đang vi vu cùng "bồ nhí" tiêu những đồng tiền cuối cùng có được từ bán con.
Kêu oan...
Chưa đầy một tuần sau khi chồng Thủy gửi đơn, công an Hải Phòng đã phát hiện nhóm tội phạm mua bán trẻ em sang Trung Quốc và giải cứu thành công đưa cháu bé về Việt Nam.
Thiếu tá Bùi Hữu Thái, Đội phó Đội Phòng chống Tội phạm mua bán phụ nữ và trẻ em (PC45, Công an Hải Phòng) cho biết vụ án mẹ bán con nói trên không có nhiều tình tiết phức tạp và dấu hiệu che giấu tinh vi như những vụ mua bán người chuyên nghiệp khác, nhưng các đối tượng chắc chắn cũng sẽ nhận một bản án thích đáng cho hành vi phạm pháp của mình vì tính chất nhẫn tâm.
Vậy mà các đối tượng vẫn thảm thiết kêu oan với lý do không mua bán đứa trẻ, chỉ tổ chức cho nhận con nuôi. Nhất là người mẹ táng tận lương tâm Thủy, nhiều ngày khóc lóc sụt sùi, kêu chỉ muốn cho bớt một đứa con do “nhà nghèo không nuôi nổi”. Nhưng trước câu hỏi của điều tra viên: “Cho con nuôi sao lại giấu chồng, giả chữ ký chồng để nhận tiền?”, thì Thủy không trả lời được.
Với Hảo, cảnh sát phải viện tới sức ép gia đình chị ta ở Việt Nam để buộc đối tượng này đưa trả đứa bé. Hảo khăng khăng nói mình không mua bán gì, chỉ xin nhận đứa bé về nuôi.
Nhưng các điều tra viên đã “bóc mẽ” người đàn bà tinh quái này. Hảo sinh ra tại quận Dương Kinh (Hải Phòng) nhưng đã bỏ sang Trung Quốc lấy chồng được hơn 10 năm.
Cuộc sống bên kia biên giới chẳng có gì sáng sủa hơn ở nhà. Chị ta không nghề nghiệp, sống dựa vào người chồng làm phụ xây, vợ chồng mới có hai đứa con nhưng đã thiếu thốn trăm bề. Thi thoảng có dịp về thăm người thân ở Việt Nam, chị ta đều than nghèo kể khổ.
Một người đàn bà sống dựa lay lắt vào ông chồng nghèo nơi đất khách quê người lại nằng nặc đòi mang thêm một đứa trẻ con người lạ về làm gì?. Câu hỏi của điều tra viên khiến đối tượng cúi đầu im lặng.
Ngoài Thủy và Hảo trực tiếp đứng ra trao đổi, các đối tượng còn lại “cãi” rằng mình chỉ đứng ngoài “xem”, không hề có mục đích mối lái mua bán. Tuy nhiên, hình thức “cho nhận con nuôi” mà các đối tượng vin vào như trên không được pháp luật cho phép. Có thể chỉ mình Hảo biết đứa trẻ bị đưa sang Trung Quốc làm gì nhưng cả nhóm người còn lại đã “vô tư” tiếp tay ủng hộ và đều phải chịu án.
Cùng với bản án thích đáng về hành vi mua bán trẻ em, người mẹ bán con sẽ phải hứng chịu “cơn bão” dư luận. Những đứa con nối đuôi nhau líu ríu của Thủy khi lớn lên sẽ nghĩ như nào khi biết chuyện một trong số chị em chúng đã bị mẹ bán lấy tiền tiêu xài?
Trong vụ án nêu trên, Công an Hải Phòng đã khởi tố 6 bị can về tội mua bán trẻ em gồm Trần Thị Hảo, Nguyễn Thị Thủy, Phạm Văn Tài cùng Phạm Thị Hiền (SN 1974, chị dâu của Hảo, cùng ngụ tổ 7, Hòa Nghĩa, quận Dương Kinh), Nguyễn Thị Hương (SN 1980, em vợ Tài, ngụ thôn Văn Hòa, xã Hữu Bằng, huyện Kiến Thụy), Đặng Thị Thủy (SN 1972, ngụ thôn Kim Đới 1, xã Hữu Bằng, huyện Kiến Thụy). Theo cán bộ điều tra, điểm đáng tiếc nhất trong vụ án này là hiểu biết pháp luật quá kém của các đối tượng. Phần lớn họ đều là những người dân quê, lý lịch chưa từng có “vết đen” nhưng đã phải trả giá đắt vì chính sự “mù mờ” của mình. Đó cũng chính là điểm yếu của một số người dân mà các đối tượng mua bán người thường lợi dụng để bịt mắt lừa đảo. Theo cán bộ điều tra này, việc nuôi con nuôi phải được sự cho phép của các cơ quan có thẩm quyền theo luật định. Nhà nước cấm mọi trường hợp giả mạo giấy tờ để giải quyết việc nuôi con nuôi; lợi dụng việc nuôi con nuôi để trục lợi, bóc lột sức lao động, xâm hại tình dục; bắt cóc, mua bán trẻ em... |
* Ảnh do Công an Hải Phòng cung cấp
Theo Tuyết Lan-Quốc Khánh
Pháp luật Việt Nam